Mặt trái xuất khẩu lao động ai lo ?

Mặt trái xuất khẩu lao động ai lo ?
TP - Chỉ tính riêng một huyện Yên Dũng ở Bắc Giang, từ năm 2009 tới nay đã có khoảng trên dưới 10 triệu USD mỗi năm được gửi về từ những người đi XKLĐ. Kiều hối từ lao động xuất khẩu năm 2011 trên cả nước lên tới ngót 2 tỷ USD,

> Ngoại tệ kiếm được đi về đâu?
> Hàng chục người tố bị lừa đảo XKLĐ

Cục Quản lý lao động ngoài nước dự báo trong 5 năm (2011-2015) sẽ có khoảng 10 tỷ USD kiều hối từ hàng trăm ngàn người đi XKLĐ trên khắp thế giới gửi về. Những con số trên cho thấy lợi ích quan trọng và rõ ràng của lĩnh vực XKLĐ, đem lại thu nhập tới 2% GDP, giúp xóa đói, giảm nghèo cho hàng chục vạn hộ gia đình trên cả nước.

Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Trong loạt bài “XKLĐ, nỗi đau ở một làng quê” trên Tiền Phong (ngày 27, 28, 29-9) đã cho chúng ta thấy cận cảnh những mặt trái, những nỗi đau đến nhói lòng của những làng quê vốn yên bình, nay bị “những trận cuồng phong” có nguồn gốc từ đồng tiền làm cho điên đảo, xác xơ.

Mái trường THCS, nơi con em của những người đi XKLĐ học, chỉ có 30% thi đậu vào THPT. Trên lớp thầy giảng bài, còn ở dưới học sinh hỏi thẳng “thầy ơi, bằng tốt nghiệp giá bao nhiêu ?”.

Nhiều ngôi nhà tranh vách đất đã bỗng chốc biến thành nhà lầu lộng lẫy chốn thôn quê, song sóng gió cũng từ đó mà nổi lên, nhiều gia đình tan đàn sẻ nghé. Tính riêng huyện Yên Thế (Bắc Giang) năm 2011 đã có gần 200 vụ xin ly hôn do có người đi lao động ở nước ngoài.

Đồng tiền nhọc nhằn kiếm được nhờ bán sức lao động nơi xứ người vốn thẫm đẫm mồ hôi và nước mắt. Song sức tàn phá ghê gớm của nó nơi quê nhà cũng chua xót không kém.

Không ít những giá trị đạo đức, văn hóa của làng quê Việt hun đúc tự ngàn đời, nay bị xuống cấp, bị đảo lộn. Tệ nạn, lối sống lai căng, tạp nham từ khắp nơi trên thế giới bỗng chốc ùa về chốn thôn quê từ lúc nào chẳng hay. Cái giá phải trả đôi khi là quá đắt !

Khó mà trách được những người lao động, đa phần vốn ít học, ra đi từ nghèo khó để “cứu nhà” này.

Có chăng, chính là trách nhiệm của những người hoạch định chính sách XKLĐ, các cấp chính quyền, đoàn thể, các Cty làm dịch vụ.

Nếu chỉ biết đưa thật nhiều lao động sang xứ người để thu ngoại tệ, để lấy tiền dịch vụ, mà quên không chuẩn bị hành trang cho họ lúc trở về, quên luôn cả sự xáo trộn cơ cấu gia đình-xã hội ở nhiều vùng quê, tức là vô cảm và cả có phần vô trách nhiệm.

Vậy nên, rất cần những con số đánh giá, những dữ liệu khoa học nghiêm túc về thực trạng mặt trái của XKLĐ ở khắp các làng quê Việt, giúp đưa ra những chính sách, giải pháp hỗ trợ thích hợp cho người lao động và gia đình của họ.

Đa số những người Việt đi XKLĐ đều chưa có tay nghề, hoặc trình độ thấp, phải bán rẻ sức lao động, phải làm các công việc nặng nhọc, công việc người bản xứ không làm.

Ước ao sao cái nghề này chỉ là nhất thời, bao giờ hết phải xuất khẩu “cơ bắp”? Bao giờ đến lượt chúng ta xuất khẩu chất xám ra xứ người ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.