“Ách tắc, “điểm nghẽn” hay “cục máu đông” là những từ được dùng nhiều để mô tả tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng mà nguyên nhân chính là nợ xấu.
Nhưng qua những ý kiến từ hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm của ngành ngân hàng tổ chức sáng 7-7, ngoài chuyện nợ xấu, còn một lý do khác khiến các ngân hàng luôn tìm cách giữ lãi suất cho vay ở mức cao. Đó có thể gọi là sự ích kỷ và phần nào là thiếu trách nhiệm.
Trong khi đó, hiện tượng ngân hàng đang dư thừa vốn nhưng không chịu giảm lãi suất để giải phóng tín dụng là có thật. Tính đến 30-6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 0,76%, sau nhiều tháng âm liên tiếp. Còn nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác, tốc độ tăng trưởng cũng chỉ là 1,4%.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù vốn huy động trên địa bàn thành phố đạt hơn 941.000 tỷ đồng nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng âm (tổng dư nợ tín dụng đạt gần 764.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, như phát biểu tại hội nghị sơ kết, Giám đốc một NHNN chi nhánh Hà Nội, cho rằng, đối với những khoản nợ cũ thì các chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội sẽ giảm xuống dưới... 20%/năm.
Tất nhiên ngân hàng cũng có cái lý của họ, bởi hàng hóa của các doanh nghiệp đang tồn đọng nhiều, bây giờ tiếp tục cho vay thì có nguy cơ nợ bình thường lại trở thành nợ xấu.
Tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kêu gọi hệ thống ngân hàng thương mại cùng chia sẻ trách nhiệm với xã hội, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp, trông đợi vào sự “cảm thông” và “lòng tốt” của các ngân hàng có lẽ là khó.
Bởi thực tế nếu ngân hàng sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp trong việc giải quyết nợ xấu (mà ngân hàng cũng có phần trách nhiệm) thì vẫn có nhiều cách thức như cơ cấu lại các khoản nợ, biến các khoản nợ thành vốn góp của ngân hàng tại doanh nghiệp…
Nhưng có vẻ ít ngân hàng hào hứng với chuyện này, bởi phải gánh thêm việc, thêm chi phí. Và các ngân hàng thương mại vẫn cứ chờ cho công ty mua bán nợ của NHNN ra đời.