Trăm hoa đua nở, cứ đến cuối năm là đĩa hài ra ồ ạt, nhưng lạ, gần như chẳng có nội dung, chỉ chọc cười bằng những chiêu cũ mòn.
Trong “phong trào” nhại giọng nhà quê, giọng địa phương thì ở miền Bắc, nổi lên giọng đặc trưng Hà Tây không dấu hoặc giả nói tiếng Kinh theo giọng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn hài phía Nam lại chuộng bắt chước tiếng Quảng. Phim hài Ai là người cao thu thì nói lơ lớ kiểu Tây, nội dung tầm phào.
Trong tiểu phẩm Kiếp lông bông, nhân vật chính hết bị lừa đến hành hạ, chửi bới, mắng mỏ. Câu thoại dài dòng, diễn viên chọc cười bằng cơ mặt, nhăn nhó đến tội nghiệp. Được chờ đợi là hai đĩa hài của Xuân Hinh, nhưng có lẽ vì cùng ra một lúc hai sản phẩm, nên nhiều người cho rằng danh hài ngày càng đuối sức, thoại và diễn xuất nhạt hẳn.
Nếu hy vọng được xem tiếng cười phê phán tệ nạn xã hội trong các đĩa hài ngày Tết, khán giả sẽ thất vọng bởi đa số đạo diễn hài quan niệm ngày đầu năm phải nói những điều vui vẻ, tránh xui xẻo, xung đột.
Ngập tràn làng hài hiện nay là sự chọc cười vào bệnh tật, khiếm khuyết cơ thể. Mùa hài Tết năm trước, người xem từng sốc khi Vượng râu đưa vào tiểu phẩm của mình những câu thoại kiểu: “chỗ bóp cổ nhà máy nước ở đâu ấy nhỉ”, “đàn ông thì phải có râu/đàn bà phải có cái để tay đàn ông bâu vào”. Hoặc để giải thích câu “Số em chẳng giàu thì nghèo/lúc nào cũng có thịt treo trên người”, thầy bói nói: “thịt treo trên người” là chỗ nhạy cảm, chỗ em vừa nhét tiền ấy”…
Văng tục cũng là đặc sản sân khấu hài phía Nam. “Con mẹ mày”, “kệ bà mày”, “kệ con bà nó”… được diễn viên H.L dùng liên tục trong nhiều vở.
Diễn không tạo dấu ấn, nhấn nhá không tạo tình huống cao trào để bật ra tiếng cười, mà thiên về kể lể, thoại dài dòng. Một số khác thì diễn theo kiểu “gồng”, căng cứng cố tạo ra tiếng cười nhưng bất thành. Đài từ của diễn viên hài cũng có nhiều điều bàn. Nhiều diễn viên phát âm méo mó, không rõ lời nhưng lại cho rằng đấy là phong cách riêng. Vậy là có đúc kết: Cứ xấu giai, đài từ kém thì diễn hài!?
NSND Doãn Hoàng Giang thốt: “Mười tiết mục, may lắm được 2 gọi là hài để người ta cười một cách chân chính. Chọc nách thì người ta cũng cười thôi nhưng là kiểu cười gì? Và lỗi ở ai? Không phải chỉ ở nghệ sĩ đâu, mà là khán giả. Anh cứ thích cười kiểu đó thì người ta mới làm, chứ nếu khán giả không cười mà nhăn mặt, lần sau họ còn dám diễn như vậy nữa không?”.
Vị đạo diễn gạo cội cho rằng, có thể dạy diễn viên diễn bi kịch, nhưng không thể dạy diễn hài, bởi hài là bẩm sinh, trời cho. Có diễn viên chẳng cần làm gì, vừa ra sân khấu khán giả đã cười rầm rĩ, nhưng cũng có người “rặn” mãi, chẳng ai cười. Theo ông Giang, hiện có tình trạng cứ “nhặt” một diễn viên ra, nói lăng nhăng cũng xưng tụng danh hài, vua hài: “Rất vớ vẩn! Số người thực tài đếm trên đầu ngón tay, nhưng giờ người ta nhận danh hài nhiều như rươi”.