Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII:

Chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nào

Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ IX. Ảnh: Như Ý.
Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên hành lang kỳ họp thứ IX. Ảnh: Như Ý.
TP - “Quốc hội, các ĐBQH sẽ lựa chọn vấn đề, chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nào. Đây là một điểm đổi mới của Quốc hội (QH), chưa kỳ họp nào thực hiện để đảm bảo việc giám sát đến cùng của QH”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Chất vấn theo từng lĩnh vực

Sáng 19/10, tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp 10, QH khóa XIII. Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, một trong những đổi mới căn bản tại kỳ họp này là việc chất vấn và trả lời chất vấn. Qua đó, thay vì chất vấn từng thành viên Chính phủ như trước đây, tại kỳ họp thứ 10 này, QH sẽ thực hiện chất vấn theo từng lĩnh vực trong cả nhiệm kỳ. 

Theo đó, các thành viên Chính phủ sẽ báo cáo những việc đã thực hiện tại 8 nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của QH từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Trên cơ sở đó, các Ủy ban của Quốc hội sẽ đọc báo cáo thẩm tra. Từ những báo cáo trên, QH sẽ xem xét, đánh giá những gì làm được, những gì còn tồn tại để chất vấn, làm rõ hơn vấn đề, đặc biệt là những lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, phiên chất vấn sẽ kéo dài trong 2,5 ngày, với sự tham gia của tất cả các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ngoài các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ trả lời những vấn đề liên quan và bao quát lại những vấn đề chung. “Cách chất vấn tại kỳ họp này khác với những lần trước, tức Đại biểu (ĐB) chỉ chất vấn những vấn đề còn tồn tại từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa giải quyết xong. Vấn đề ĐB nêu ra liên quan đến ngành nào, Bộ nào thì Bộ trưởng, trưởng ngành đó phải có trách nhiệm trả lời”, ông Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề buổi họp báo.

“Sau phiên chất vấn, QH sẽ lại ra nghị quyết và gửi lại QH khóa sau để tiếp tục giám sát. Đây là một điểm đổi mới của QH, chưa kỳ họp nào thực hiện. Việc đổi mới này cũng là để đảm bảo việc giám sát đến cùng của QH”, ông Phúc khẳng định.

Cử tri đánh giá mới là thước đo chính xác nhất

Một trong những điểm mới tại kỳ họp này là QH sẽ nghe báo cáo các nội dung liên quan đến việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ông Phúc, TPP vừa hoàn thành xong thỏa thuận. Để TPP chính thức có hiệu lực cần phải chờ Nghị viện 12 nước thông qua, dự kiến thời gian thông qua kéo dài trong khoảng 2 năm. Để chuẩn bị tốt cho TPP, tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ sẽ có báo cáo QH để các ĐBQH nắm bắt tình hình.

“Từ nay đến khi TPP chính thức có hiệu lực vẫn còn thời gian để chuẩn bị theo lộ trình. Những vấn đề gì còn vướng mắc, cần phải sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp thì Chính phủ sẽ trình để QH nghiên cứu, xem xét sửa cho phù hợp. Tinh thần chung là hết sức tạo điều kiện để khắc phục, tháo gỡ vướng mắc”, ông Phúc cho hay.

Về việc ĐBQH vắng mặt tại các phiên họp, đặc biệt trong thời gian họp vẫn còn nhiều địa phương chưa tiến hành Đại hội Đảng bộ, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng “phải chấp nhận” điều này, bởi thực tế hiện nay có tới 70% ĐB kiêm nhiệm và chỉ 30% ĐB chuyên trách. Trên cơ sở đó, QH sẽ tạo điều kiện để các ĐB về giải quyết những vấn đề quan trọng khác tại địa phương, trong đó có việc tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “ĐB đọc bài của người khác” cũng như tình trạng vận động hành lang, có bị chi phối bởi lợi ích nhóm, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc phát biểu như thế nào trước hết là quyền của mỗi ĐBQH. Trường hợp có ĐB phát biểu ca ngợi ngành này, ngành kia, theo ông Phúc, sự đánh giá của cử tri và của nhân dân đối với từng ngành, lĩnh vực, với từng tư lệnh ngành mới là thước đo chính xác nhất. “Tôi nghĩ một vài ý kiến của ĐB không ảnh hưởng đến đánh giá của nhân dân”, ông Phúc chia sẻ.

Cử tri bức xúc trước thực trạng tham nhũng, lãng phí

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội vừa hoàn thiện tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thủ đô trước kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII. Cử tri đề nghị Nhà nước tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại các khu đô thị. Qua đó, không cho phép chủ đầu tư điều chỉnh  phá vỡ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư, giảm diện tích các công trình phúc lợi. Mặt khác, cử tri huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án đã cấp phép, nếu dự án để hoang hóa thì nên giao lại cho địa phương để có giải pháp sử dụng hiệu quả.

Bức xúc trước thực trạng này, cử tri dẫn dụ tình trạng đầu tư xây dựng nhưng sau đó ít được sử dụng, gây lãng phí như khu nhà ở của đồng bào dân tộc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại thị xã Sơn Tây. Đặc biệt, cử tri cũng phản ánh tình trạng tham nhũng lãng phí xảy ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cấp phép xây dựng cho các công trình, dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực. “Hậu quả là trên địa bàn cả nước và Thành phố Hà Nội có nhiều công trình, dự án dang dở vài năm nay nhưng không biết đến bao giờ mới hoàn thiện”, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị Quốc hội quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc cấp phép này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.