Những bức xúc cử tri Hà Nội kiến nghị lên Quốc Hội

Sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực không có trong báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội. Ảnh TP.
Sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực không có trong báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội. Ảnh TP.
TPO - Phản ánh tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng, cử tri Hà Nội kiến nghị Quốc hội cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị cấp phép xây dựng.  

Rà soát lại các dự án đã cấp phép

Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội vừa hoàn thiện tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thủ đô trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII này. Những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực xây dựng là một trong những vấn đề nóng, được đông đảo cử tri phản ánh kiến nghị.

Cử tri đề nghị Nhà nước tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại các khu đô thị. Qua đó, không cho phép chủ đầu tư điều chỉnh  phá vỡ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư, giảm diện tích các công trình phúc lợi. Mặt khác, cử tri huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án đã cấp phép, nếu dự án để hoang hóa thì nên giao lại cho địa phương để có giải pháp sử dụng hiệu quả.

Bức xúc trước thực trạng này, cử tri dẫn dụ tình trạng đầu tư xây dựng nhưng sau đó ít được sử dụng, gây lãng phí như khu nhà ở của đồng bào dân tộc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại thị xã Sơn Tây. Đặc biệt, cử tri cũng phản ánh tình trạng tham nhũng lãng phí xảy ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cấp phép xây dựng cho các công trình, dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực.

“Hậu quả là trên địa bàn cả nước và Thành phố Hà Nội có nhiều công trình, dự án dang dở vài năm nay nhưng không biết đến bao giờ mới hoàn thiện”, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị Quốc hội quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc cấp phép này.

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 10, cử tri Hà Nội cũng nêu phản ánh về những sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực, tuy nhiên tại báo cáo tổng hợp gửi tới phiên họp, vấn đề này không được đề cập.

Nhiều Bộ trưởng “nợ” lời hứa

Qua theo dõi hoạt động Quốc hội, cử tri Hà Nội cũng phản ánh tình trạng trong cuộc họp Quốc hội, tại phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, nhiều trường hợp các Bộ trưởng “ghi nhận và tiếp thu ý kiến”, đồng thời hứa trả lời sau. Tuy nhiên trong các cuộc họp tiếp theo lại không thấy Bộ Trưởng trả lời và báo cáo kết quả thực hiện các lời hứa (khi trả lời các câu hỏi) tại kỳ họp trước.

Chắc chắn lời hứa cũng như những vấn đề còn tồn tại trong từng lĩnh vực sẽ được các ĐBQH nêu ra tại kỳ họp này. Bởi tại kỳ họp 10 này sẽ đổi mới phiên chất vấn và sẽ thực hiện chất vấn theo từng chuyên đề, những cái làm được và những vấn đề còn tồn tại trong cả nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, cử tri cũng tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp thu hồi tài sản của cá nhân, tập thể tham ô, tham nhũng và giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, phát hiện nguồn thu nhập không hợp pháp của cán bộ (cử tri huyện Phú Xuyên).

Chưa hài lòng với y tế, giáo dục

Theo cử tri Hà Nội, việc đổi mới gộp kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học hiệu quả chưa cao, người dân chưa đồng tình. Trên cơ sở đó, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu có giải pháp hiệu quả hơn. Cử tri huyện Hoài Đức thì đề nghị Nhà nước cần xử lý nghiêm đối với một số trường học có tình trạng lạm thu, nhiều khoản phí phải đóng trong đầu năm học như tiền mua đồng phục, tiền quạt mát, tiền mua báo…

Về lĩnh vực y tế, hiện nay người bệnh phải chịu giá giường nằm ở các bệnh viện công lập là quá cao, trong khi các bệnh viện công lập cơ sở vật chất, trang thiết bị đều do ngân sách nhà nước đầu tư. Cử tri quận Bắc Từ Liêm đề nghị cần công khai cho người dân được biết căn cứ tính giá giường bệnh, mặt khác cần làm rõ các vụ việc mua máy móc, thiết bị y tế cũ, không còn niên hạn sử dụng…trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh việc tăng tiền đóng BHYT đối với học sinh trong khi chất lượng khám chữa bệnh cho các chủ thẻ không có gì được cải thiện là điều bất hợp lý. Cử tri huyện Hoài Đức đề nghị Quốc hội xem xét làm rõ vấn đề này.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.