Chậm thu phí tự động, lo BOT “biến thái”

Một trong số ít trạm thu phí tự động không dừng đã được đưa vào vận hành. Ảnh: Sỹ Lực.
Một trong số ít trạm thu phí tự động không dừng đã được đưa vào vận hành. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Thu phí tự động không dừng là biện pháp minh bạch hóa các dự án BOT, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh niềm tin về BOT đang suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, lạ là sau nhiều lần ra hạn, đến nay, Bộ GTVT tiếp tục cho phép các nhà đầu tư BOT chây ỳ được giãn tiến độ thực hiện. Cảnh báo cho thấy, thực trạng trên có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Tiếp tục lùi tiến độ và “dọa” dừng trạm

Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ), tổng số trạm thu phí buộc phải lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí tự động, không dừng theo quyết định của Bộ GTVT là 29 trạm.

Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 22 trạm ký hợp đồng triển khai. Trong số 22 trạm đã ký hợp đồng này cũng chỉ 11 trạm triển khai lắp đặt (trong đó có 10 trạm đã vận hành). Một số trạm BOT chưa ký hợp đồng như: Trạm Quán Hàu, Đông Hà (Quảng Trị, của nhà đầu tư Trường Thịnh); trạm Cam Thịnh (Khánh Hòa, do Cty Xây dựng 194 đầu tư), Trạm Cần Thơ (Cty Xây dựng số 9 - Thi Sơn đầu tư), trạm Cai Lậy  (Tiền Giang, nhà đầu tư Bắc Ái). Ngoài ra còn có hai trạm thuộc dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chưa thương thảo hợp đồng vì nhà đầu tư chưa xây dựng trạm thu phí.

Trước thực trạng các trạm BOT chậm tiến độ lắp đặt trạm, mới đây trong cuộc họp với các nhà đầu tư BOT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ đã ra thông báo yêu cầu: Đến ngày 30/9, các nhà đầu tư BOT phải hoàn thành lắp đặt, ngày 15/10 sẽ thu phí thử, đến ngày 30/10 vận hành thương mại chính thức. Ông Huyện khẳng định, đến hạn nêu trên, nếu các nhà đầu tư BOT không chấp thuận thì sẽ bị dừng thu phí.

Mệnh lệnh từ đại diện cơ quan quản lý nhà nước thoạt nghe khá rắn, nhưng nếu so với các “mốc” buộc phải lắp đặt trạm thu phí tự động mà Bộ GTVT từng đưa ra, thấy liên tục có sự giãn tiến độ. Trở lại chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa trong cuộc họp gần đây, có thể thấy tiến độ này đã một lần nữa bị chậm nhiều tháng (ông Nghĩa chỉ đạo đến ngày 15/7 ký kết toàn bộ hợp đồng và đến ngày 15/8 triển khai thu phí tự động).

Còn lần về  giai đoạn trước cho thấy, biện pháp thu phí tự động không dừng được Bộ GTVT chính thức đặt ra năm 2014. Đến năm 2016, kế hoạch này chính thức được triển khai với việc Cty VETC là nhà thầu duy nhất đăng ký cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và được Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt. Sau đó, Bộ GTVT nhiều lần họp bàn, lãnh đạo bộ tuyên bố sẽ buộc các nhà đầu tư chây ì trong việc lắp đặt trạm thu phí tự động không dừng này sẽ phải dừng thu phí, nhưng kế hoạch vẫn tiến triển chậm và thực tế đến nay Bộ GTVT chưa dừng một nhà đầu tư BOT nào.

Cần nói thêm, Bộ GTVT chỉ mới đặt mục tiêu triển khai thu phí không dừng tại 29 trạm trên QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nhưng vẫn chưa đạt được. Trong khi, tổng số trạm BOT trên toàn quốc là 70 trạm.

Nghi ngờ gian lận thu phí BOT

Không chỉ giảm chi phí, thời gian cho người tham gia giao thông và chính nhà đầu tư BOT, công nghệ thu phí không dừng đã chứng minh được sự minh bạch, chống gian lận trong thu phí. Thậm chí, ông Vũ Quang Lâm, Tổng GĐ VETC cho hay, nếu áp dụng công nghệ này, với số liệu doanh thu được báo cáo đầy đủ, thời gian thu phí của dự án sẽ rút ngắn hơn so với hợp đồng.

Thực tế, lâu nay, việc thu phí một hoặc hai dừng bằng vé/thẻ vẫn còn nhiều kẽ hở. Ông Nguyễn Thanh Hà, một chủ doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông tại Hà Đông (Hà Nội) nói: “Qua trạm thu phí có người lấy vé, có người không. Tôi luôn lấy vé nhưng không biết vé mình cầm có phải vé mới hay vé được sử dụng lại. Nếu là vé sử dụng lại, máy quay rất khó phát hiện, lúc đó tiền phí không tính vào doanh thu dự án, nhà nước thất thu thuế”.

Hiện Tổng cục Đường bộ thi thoảng tiến hành hậu kiểm bằng cách xem lại các camera ghi hình, rà lại hệ thống phần mềm của trạm thu phí. Tuy nhiên, không ít trường hợp không thể thực hiện như trường hợp Cty Vietracimex 8 báo hỏng phần mềm tại trạm thu phí tuyến Bắc Thăng Long  - Nội Bài trong nhiều tháng hồi đầu năm 2016.

Theo “tiết lộ” của một nhà đầu tư BOT, hiện một số nhà đầu tư BOT đang rao bán cổ phần tại dự án giao thông với giá cao gấp nhiều lần so với giá trị đầu tư ban đầu. Trong khi, lợi nhuận của nhà đầu tư được tính trên phần vốn bỏ ra, không tính vốn vay và chốt trong hợp đồng BOT ở khoảng 11-12% (không cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng). Điều này khiến không ít người trong ngành cho rằng, nhà đầu tư đang “kiếm chác” được từ việc gian lận thu phí.

Thậm chí, trong quá trình thương thảo hợp đồng thu phí không dừng hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ bí mật thông tin của những làn đường chưa triển khai thu phí không dừng khi không cho lắp đặt các thiết bị theo dõi doanh thu ở các làn đường này.

Ông Nguyễn Văn Huyện cho hay, các chủ đầu tư BOT thường viện dẫn lý do hiện chỉ có VETC độc quyền cung cấp công nghệ thu phí không dừng nên giá thành cao. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ GTVT đã chấp thuận cho CadPro - một đơn vị mới vào cung cấp để đảm bảo tính cạnh tranh. Ông Bùi Phú Huy - Giám đốc điều hành dự án thu phí không dừng của CadPro cho biết, các trạm do công ty lắp đặt đã và đang kết nối tốt với công nghệ của VETC. Ông Huyện cho hay, Bộ GTVT sẽ tiếp tục mời thêm các đơn vị cùng tham gia cung cấp để đảm bảo tính cạnh tranh.

Về lo ngại đơn vị thu phí không dừng “làm xiếc” ăn chặn tiền của nhà đầu tư BOT, ông Huyện cho hay điều này không thể xảy ra vì trong hợp đồng ký giữa nhà đầu tư BOT và VETC đều có các điều khoản ràng buộc như: Tiền thu phí phải chuyển ngay vào cuối ngày, VETC phải có tiền ký quỹ ít nhất bằng 3 ngày thu phí; khi xảy ra gian lận, VETC chịu phạt hàng chục lần… Ông Vũ Quang Lâm, Tổng GĐ VETC cam kết, dữ liệu thu phí sẽ được mở để Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Bộ Công an kiểm tra giám sát. 

“Tổng cục Đường bộ đang xây dựng đề án giám sát trạm thu phí trình Bộ GTVT. Theo đó, đề án sẽ lắp đặt các camera giám sát doanh thu tại trạm thu phí trên toàn quốc. Hệ thống này độc lập với hệ thống của nhà đầu tư BOT và của cả đơn vị thu phí không dừng”.

Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Nguyễn Văn Huyện 

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.