Già làng Clâu Nâm và gia đình khoác lên mình những chiếc áo đi vào huyền thoại của dân làng. Ảnh: Nguyễn Thành
Tấm áo huyền thoại
Những chiếc áo giáp của người dân Cơ Tu nay thỉnh thoảng chỉ xuất hiện đâu đó trong những dịp lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu của dân làng. Nhưng với những chiến binh Cơ Tu một thời, nhưng tấm áo đó từng là vật bất ly thân mỗi lần đi săn, xông trận đánh kẻ thù.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi lên vùng biên giới Việt - Lào đoạn qua huyện Tây Giang (Quảng Nam) để tìm hiểu về những tấm áo giáp còn sót lại của người dân tộc Cơ Tu. Thôn Pơ Ning, xã Lăng đẹp như tranh vẽ hiện ra giữa núi rừng mù sương, huyền bí. Cuộc sống người dân nơi đây đổi thay từng ngày, khi công cuộc xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới được triển khai bằng những cuộc di dân về những mặt bằng tái định cư sạch sẽ. Người dân Pơ Ning không còn phải sống cảnh cô lập, lạnh lẽo giữa núi rừng nữa.
Già làng Clâu Nâm đang ngồi vót tên, gươm giáo để cùng dân làng chuẩn bị mùa lễ hội. Clâu Nâm là một trong những già làng uy tín nhất ở vùng biên giới Tây Giang. Lời già nói ra, dân làng đều nghe răm rắp và hết sức kính trọng. Già Nâm cũng chính là một trong những “chiến binh” của núi rừng Tây Giang một thời và trở thành huyền thoại. Thời trai trẻ già Nâm đã lập nhiều chiến công trong nhiều chuyến đi săn đến nay dân làng hãy còn nhắc nhớ.
Những tấm vỏ cây được đàn ông Cơ Tu chế tác thành những tấm áo giáp
Nhắc đến những tấm áo giáp của đồng bào mình, mắt già Nâm sáng lên. Ở tuổi 83 nhưng đôi chân già hãy còn mạnh lắm, đôi mắt hãy còn tinh thông, hằng ngày vẫn chân trần giữa núi rừng với manh áo giáp đi săn, lượm. Già hồ hởi kể về một thời trai trẻ xông pha khắp núi rừng với những tấm áo dệt từ vỏ cây và những chiến công lừng lẫy.
“Áo này làm từ vỏ cây nên bền lắm. Mũi tên bắn không xuyên, vuốt thú rừng cào cấu không rách. Đây là bảo bối của dân làng mỗi lúc đi rừng, đi săn” - già Nâm vừa nói vừa khoác lên chiếc áo một thời theo chân mình vượt rừng suối. Chính tấm áo già Nâm đang mặc đi vào những câu chuyện huyền thoại của dân làng Pơ Ning kể lại cho con cháu hôm nay.
Tấm áo đã đan mấy chục năm trước nhưng không hề mục nát, hư hỏng. Già Nâm nói: “Mỗi tấm áo vỏ rừng đều được dân làng nâng niu gìn giữ vì nó chứa đựng về những câu chuyện kỳ bí, chiến công cha ông một thời”. Nói về huyền thoại của những chiếc áo, già Nâm kể rằng: khi mặc áo vỏ cây rừng, nếu mình đứng im hoặc nằm im dưới đất thì kẻ thù cứ tưởng mình là khúc gỗ mục. Thế nên phục kích quân thù rất hiệu quả. Lớp vỏ của loài cây này có chức năng khử độc, nên nếu trúng tên độc của kẻ thù cũng không sao.
Làng Pơ Ning còn lưu lại câu chuyện thời chống Pháp, hàng chục lính Pháp bị dân làng mặc áo giáp ngụy trang, phục kích bắn hạ bằng những mũi tên độc rồi chết một cách bí ẩn khiến kẻ thù khiếp vía, phải rút quân. Những chiến binh Cơ Tu ngày ấy với manh áo từ vỏ rừng cùng với cung tên, gươm giáo đã giữ bản làng mình bình yên trước họng súng quân thù.
Hình ảnh chiến binh Cơ Tu với áo giáp vỏ cây được tái hiện trong mùa lễ hội
Kỳ công đan…giáp
Già Nâm kể rằng, từ xa xưa người dân tộc Cơ Tu đã rất thông minh biến những cây rừng thành những manh áo bền, chắc để đi săn bắn. Trong số các loại cây thì cây Tr`rang, T’cóng, T’ Dúi, A mướt là những cây được sử dụng nhiều nhất vì vỏ cây vừa dai, vừa cứng. Đặc biệt là cây Tr`rang. Áo được đan từ vỏ cây Tr`rang sẽ dùng được nhiều năm liền mà không mục rách.
Do cây thường nằm ở tít thượng nguồn sông Lăng nên để tìm cây dân làng phải rất công phu, có khi phải đi cả tuần liền. Một thời, những cuộc hành quân lên thượng nguồn của già Nâm và dân làng thường gắn liền với việc đi săn. Và chính nhờ những tấm áo giáp già Nâm và dân làng đã săn bắn được nhiều thú dữ, bảo vệ mình trước những nanh vuốt của thú dữ.
Nói về huyền thoại của những chiếc áo, già Nâm kể rằng: khi mặc áo vỏ cây rừng, nếu mình đứng im hoặc nằm im dưới đất thì kẻ thù cứ tưởng mình là khúc gỗ mục. Thế nên phục kích quân thù rất hiệu quả. Lớp vỏ của loài cây này có chức năng khử độc, nên nếu trúng tên độc của kẻ thù cũng không sao.
Với người dân tộc Cơ Tu làm áo giáp là công việc của cánh đàn ông. Để có được một chiếc áo từ vỏ cây, đàn ông Cơ Tu phải băng rừng vượt suối tìm cây. Việc tiếp theo là lựa chọn kích cỡ sao cho thân cây khi lột vỏ ra vừa vặn với một chiếc áo. Sau khi khứa một vòng quanh thân cây, dân làng dùng nhành cây đập dập lớp vỏ cây mà mình định lấy may áo. Việc đập vỏ cây là cả một quá trình, tay đập phải đều nhau, để vỏ cây không bị nát. Người đập phải đi xoay vòng quanh thân cây đến khi nào vỏ cây mền ra thì tuốt lấy.
Vỏ cây khi được tách bóc, mang về luộc, ngâm nước, rồi phơi khô, rồi được những cánh tay lực lưỡng đan bện, siết chặt, thành những tấm áo. Riêng cây Tr’rang phải giữ nguyên chất, chỉ đập và phơi khô rồi mang đi khâu thành áo mà mặc. Để có được chiếc áo, người đàn ông Cơ Tu phải kiên nhẫn gần cả tháng trời.
Già A Lăng Pếch - người bạn cùng thời với già Clâu Nâm, kể việc sở hữu một chiếc áo bằng vỏ cây Tr’rang trở thành một phẩm vật vô giá mà bất cứ một thanh niên Cơ Tu nào cũng mong mỏi. Áo dệt bằng cây Tr’rang khi khoác lên người ấm vào mùa đông, rất mát vào mùa hè, không con muỗi, con vắt nào cắn vì mùi hương của vỏ cây xua đuổi côn trùng. Đặc biệt hơn, khi khoác lên mình chiếc áo bằng cây Tr’rang thì các con thú sẽ không nhìn thấy mình. Tuy nhiên, cây Tr`rang rất hiếm, thượng nguồn sông Lăng nay chỉ còn hai cây.
Già Nâm bảo rằng, người Cơ Tu không lấy thứ gì của núi rừng một cách triệt để và đoạn tuyệt. Chính vì thế lúc lấy cỏ cây người dân chỉ nhằm vào mùa hè, vì vỏ cây dễ phơi khô, sạch sẽ, nhựa cây mau phai, vết thương mau lành để sang mùa thu cây thay lớp vỏ mới. Nhờ đó dù đã mấy chục năm nhưng hai cây Tr`rang nơi thượng nguồn kia vẫn đủ vỏ cây để cho dân làng Pơ Ning làm áo.
Già Clâu Nâm mang những chiếc áo hoàn thành từ những mùa thu trước ra cho khách xem và cả nhà cùng mặc. Ngày hội lớn của làng sắp tới tất cả sẽ khoác lên mình những chiếc áo đó, tái diễn lại cảnh những chiến binh thời xa xưa với đôi chân trần đi giữa rừng hoang, hạ gục với thú dữ, kẻ thù để mang lại ấm no, cuộc sống yên bình cho bản làng thân yêu.