LAY LẮT
Chị phụ nữ ngồi với thùng cua biển nhỏ bé trước nhà số 46A, Nguyễn Văn Linh, thần thái đảm đang nhưng nhiều nét buồn. Cứ sáng sớm thấy chị đã ra ngồi đó, chiều tối mới vào nhà, xoay quanh một gốc cây để tránh nắng. Để ý, hầu như khách mua không có bao nhiêu. Trước tết dương lịch khoảng tuần, không thấy chị ngồi đó nữa, bà chủ nhà trọ nơi chị thuê ở cho biết, chị đã về quê.
Sạp trái cây vỉa hè của vợ chồng anh Vũ. ẢNH: SÁU NGHỆ. |
Dịp Tết dương lịch lại thấy chị. Tôi lân la hỏi chuyện, mới vài câu, mắt chị đã đỏ hoe, muốn khóc. Đành bắt sang chuyện thời tiết dạo này vùng ĐBSCL mà cũng se lạnh nên các bà các cô nom đẹp ra.
Chị khẽ cười và bấy giờ ngậm ngùi cho biết tên là Trần Thị Bích Dân, quê ở xã Ninh Qưới A (Hồng Dân), lấy chồng về thị trấn Hộ Phòng (Giá Rai, Bạc Liêu) có nghề buôn bán cua.
Ba anh em nhà chồng sau nhiều năm làm công cho người ta, tích luỹ được vốn liếng và kinh nghiệm nên mở vựa cua tại nhà, bán cho thương lái Trung Quốc nhưng bị lừa, mất sạch tiền bạc.
Chúng tôi rất buồn là sao khách du lịch Trung Quốc mà vào nước ta buôn bán được hà rầm. Thấy họ tự nhiên chúng tôi cũng tưởng họ đã đăng ký với các cơ quan quản lý của nước ta rồi nên mới mạnh dạn làm ăn Chị Trần Thị Bích Dân |
Theo lời chị Dân, thương lái Trung Quốc suốt năm đầu mua giá cao và thanh toán tiền sòng phẳng. Đặt hàng qua phiên dịch, đúng hẹn họ đưa xe tải đến lấy, chở đường bộ qua biên giới phía Bắc hoặc xuống tàu ngay trong tỉnh Bạc Liêu. Giá mua của thương lái Trung Quốc thường cao hơn giá tại địa phương 15-20% nên có nhiều người bán cho họ.
Vựa cua của gia đình chị gom trong vùng để bán, mỗi ngày 50 - 60 thùng, một thùng nặng gần 30kg nếu là cua gạch, hơn 20kg nếu là cua thịt.
“Lúc đó, một ngày chúng tôi lời khoảng 15 triệu đồng, khi gần tết lời càng cao hơn vì giá cao và bán được nhiều”, chị Dân nói.
Thế nhưng về sau, chị Dân kể tiếp, thương lái Trung Quốc bắt đầu thất hứa thanh toán tiền. Giai đoạn đầu, hai ngày cuối tuần họ lấy hàng nhưng không trả tiền, giải thích là do thứ bảy và chủ nhật nơi nhận chuyển tiền không làm việc. Giai đoạn sau, họ nợ nhiều ngày hơn và cuối cùng là biến mất, không liên lạc được nữa.
Chị Dân (phải) đang bán cua cho khách. |
Như chị Dân nói thì gia đình chị mất mấy tỷ đồng là còn ít, xứ Bạc Liêu và Cà Mau có vựa mất mười mấy tỷ. Vài chủ vựa lớn rủ nhau sang Trung Quốc mong tìm kẻ lừa đảo, gặp những người mua bán cua chuyên nghiệp bên đó cho biết, nhưng kẻ lừa đảo là khách du lịch nên chụp giựt, không thể tìm được.
“Chẳng biết thế nào, vì người Trung Quốc họ nói bao che cho nhau thì sao, đất nước họ mênh mông, biết đâu mà tìm? Chúng tôi chỉ buồn là sao họ vào nước ta buôn bán ngon ơ làm vậy. Thấy họ tự nhiên chúng tôi cũng tưởng họ đã đăng ký với các cơ quan quản lý của nước ta rồi nên mới mạnh dạn làm ăn”, chị Dân rân rấn nước mắt.
Từ đó trắng tay, còn mang nợ, chị Dân khủng hoảng tinh thần, phải đi viện mấy tháng. Chữa khỏi bệnh, chị lưu lạc đến vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh. Chị nói có ngày ở vỉa hè không bán được con nào, nhờ cung cấp cua cho vài nhà hàng quen biết nên mới sống lay lắt. Cua do chồng dưới quê chuyển theo xe đò lên.
Giọng chị buồn thê thảm: “Hồi nào có tiền tỷ ở quê có nhiều bạn bè, giờ ra vỉa hè trên này kiếm sống thì không còn ai dòm ngó tới, cũng không biết tương lai đi về đâu?”.
CHEN CHÚC VỈA HÈ
Từ chỗ chị Dân ngồi, theo vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh sang trái dăm chục mét gặp quầy bán trái cây của gia đình anh Nguyễn Văn Tôi và vợ Nguyễn Thị Liên. Hai vợ chồng cùng tuổi 38, ở xã Nhơn Ái (Phong Điền, Cần Thơ), vùng đất trù phú nổi tiếng về trái cây và lúa gạo từ xưa. Nơi đó có câu: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/Anh có thương em thì cho bạc cho tiền/Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”.
Nay huyện Phong Điền đang xây dựng vùng kinh tế xanh, tập trung vào cây ăn trái và du lịch. Vợ chồng anh Tôi có mấy công vườn trồng vú sữa, thu hoạch khá. Anh chị em và xóm giềng của anh chị Tôi cũng trồng trái cây, mấy năm đầu có nhiều người giàu lên.
Tuy nhiên, chính quyền và doanh nghiệp bán vật tư nông nghiệp đều khuyến khích trồng cây nhưng lại không có ai giúp cho việc bán trái, nên dần dần trái cây “được mùa dội chợ”.
Vợ chồng anh chị Tôi mới mua ghe chở trái cây đi bán xuống miền Kiên Giang, nơi ít trái cây. Được mấy năm thuận lợi, khi đường bộ phát triển, chợ và siêu thị mở ra khắp nơi thì ghe trái cây không còn lời lãi bao nhiêu nữa, vợ chồng anh chị Tôi lên bờ.
“Năm đầu, ngồi ở vỉa hè bị công an đuổi tới đuổi lui, còn tịch thu này nọ khổ vô cùng”, chị Liên nhớ lại. Về sau, họ tìm phòng trọ mướn để bày trái cây ra trước cửa và nay ở số 27, Nguyễn Văn Linh.
Chị Liên kể, tiền nhà mỗi tháng 5 triệu đồng, tiền hoa chi mỗi ngày 4.000 đồng, làm ăn ngày càng khó khăn, “năm nay khó nhất, vì vỉa hè mà mọc ra nhiều điểm bán trái cây quá trời”.
Anh chị có hai con, con trai đầu 17 tuổi, học xong lớp 7 thì nghỉ để phụ cha mẹ bán trái cây ở vỉa hè, con sau đang học lớp 4, phải gửi ông bà ngoại tận Hậu Giang nuôi.
Sạp trái cây vỉa hè của vợ chồng anh Tôi. |
Vườn vú sữa ở xã Nhân Ái của vợ chồng anh chị Tôi, nhờ anh chị em coi giùm. Đến mùa thu hoạch, anh về hái trái đem ra vỉa hè bán. Còn bình thường, hàng ngày để có trái cây các loại bán, anh Tôi chạy xe máy vào mua tận vườn. Cứ sáng sớm, anh Tôi đi đến đầu giờ chiều mới về. “Phải mua trái cây tận vườn bán mới mong có đồng tiền lời mà đắp đổi qua ngày”, chị Liên thở dài.
Cũng chính vì những nhà vườn như anh chị Liên tham gia lực lượng ngồi vỉa hè nên anh Trương Văn Vũ mới kêu: “Bây giờ khó sống quá”. Anh Vũ cũng bán trái cây ở vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh, nhưng từ chỗ chị Dân lại đi về tay phải (ngược hướng với vợ chồng anh Tôi) vài chục mét.
Anh Vũ quê ở xã Mỹ Đức (Càng Long, Trà Vinh) còn vợ ở xã An Lạc Tây (Kế Sách, Sóc Trăng). Gia đình hai bên nội ngoại đều có vườn trái cây rộng nhiều héc-ta, bên anh Vũ trồng xoài và dừa, bên vợ trồng cam, mận và bưởi. Sinh ra từ nhà vườn, hai vợ chồng giỏi buôn bán trái cây.
Bao nhiêu năm kinh doanh trái cây, mấy năm nay đi xuống hoài và chưa lúc nào khó như lúc này. Bây giờ chúng tôi may chăng hơn người làm mướn ở chỗ được làm chủ một khoảnh vỉa hè Anh Trương Văn Vũ |
Mấy năm trước, vợ chồng anh Vũ bán trái cây có quầy kệ đàng hoàng bên đường Nguyễn Văn Cừ cũng thuộc quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Theo lời anh thì lãi khá. Nhưng hơn năm nay mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ, nơi bán trái cây khấm khá của vợ chồng anh Vũ bị giải toả mất, nên phải phiêu dạt sang đường Nguyễn Văn Linh mướn nhà trọ, bày sạp vỉa hè.
Vợ chồng anh Vũ mua trái cây ở vựa về vỉa hè bán lẻ nên quả là khó cạnh tranh với các nhà vườn như vợ chồng anh Tôi, mua tận gốc.
“Chúng tôi chỉ còn dựa vào tay nghề mà hy vọng tồn tại. Bao nhiêu năm kinh doanh trái cây, mấy năm nay đi xuống hoài và chưa lúc nào khó như lúc này. Bây giờ chúng tôi may chăng hơn người làm mướn ở chỗ được làm chủ một khoảnh vỉa hè”, anh Vũ thở dài.
Đêm đêm, sạp trái cây được đậy lại, vợ chồng anh Vũ giăng mùng ngủ trên nền xi măng kế bên. Tôi ái ngại: “Ngủ như thế có khi lại khổ hơn người làm mướn vì người làm mướn đêm còn được về nhà của mình, đóng cửa lại có chốn riêng tư”.
Anh Vũ cười buồn, nói thêm: “Vợ chồng tôi có đứa con 4 tuổi, lời lãi năm nay chắc chỉ đủ mua cho con bộ quần áo mới và quà bánh cho cha mẹ khi về quê dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.