Gặp Tổng chỉ huy thi công cống Hiệp Hòa ngày ấy

Gặp Tổng chỉ huy thi công cống Hiệp Hòa ngày ấy
TP - Vì sao một công trình lớn như cống Hiệp Hòa lại mong manh và dễ đổ sập xuống cướp đi mạng sống của cả gần trăm người? Ai phải chịu trách nhiệm về thảm họa này?

> Cứu hộ bằng những bàn tay trần tứa máu
> Xé lòng nỗi đau sau 35 năm mới kể

Ngày đó, khi mộ của 98 thanh niên chết thảm vừa xanh cỏ, một phiên tòa xử những người có trách nhiệm trong vụ sập cống Hiệp Hòa được mở và kỹ sư Hồ Như Hồng – Tổng chỉ huy đã bị kết án 6 năm tù giam (ông thụ án 3 năm và được đặc xá). Từ đó, rất ít người biết thông tin về người kỹ sư từng được coi là linh hồn của những công trình thủy điện lớn của tỉnh Nghệ Tĩnh này. Sau nhiều ngày tìm kiếm, tôi đã biết được địa chỉ của ông Hồ Như Hồng và cuộc gặp bất ngờ đã mở ra nhiều thông tin về thảm họa lịch sử ấy....

Kỹ sư Hồ Như Hồng ngày ấy và bây giờ
Kỹ sư Hồ Như Hồng ngày ấy và bây giờ.

Ông Hồ Như Hồng đang sống một ngôi làng nổi tiếng có nhiều danh nhân bậc nhất Việt Nam: Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông cũng nổi danh ở làng này, nên khi tới đây ai cũng có thể dẫn tôi tới nhà. Ngôi nhà ngói có kiến trúc cổ xưa, tôi ngạc nhiên khi thấy tấm biển: “Nhà thuốc Đông y gia truyền Hồ Như Hồng”. Sau 30 năm, người dân ở đây biết tới ông là một lương y chứ chẳng mấy ai còn nhớ ông là kỹ sư phải chịu trách nhiệm chính trong vụ sập cống Hiệp Hòa.

Ông Hồng tóc đã bạc, gương mặt khắc khổ vẫn toát lên vẻ thân thiện khi tôi đề cập tới câu chuyện cống Hiệp Hòa. Kể về câu chuyện ấy, dường như có một nỗi đau sâu kín và những ký ức về thảm họa ấy dội về:

“Tôi đang làm giảng viên Đại học Thủy lợi thì tỉnh Nghệ Tĩnh xin về. Từ đó, tất cả các công trình trọng điểm của tỉnh tôi đều tham gia. Hồi chiến tranh chống Mỹ tôi trực tiếp chỉ huy công trình Bara Nam Đàn, rồi tham gia làm các công trình Vách Bắc, hồ Kẻ Gỗ. Công trình Đại thủy nông Đô Lương, trong đó có cống Hiệp Hòa, mang tầm cỡ thế giới với chiều dài của kênh đào lên tới 530 km, kênh chính dài 53 km, tưới tiêu cho 37 vạn hecta. Nếu không có hệ thống kênh này thì ba huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu gần như không trồng được lúa, dân chắc phải ăn khoai lang vì ở đây địa hình trên thì thiếu nước ngọt dưới lại nhiễm mặn. Có thể nói con kênh này nắm giữ sự sống của cả tỉnh, không chỉ có ý nghĩa về thủy lợi mà cả nước sinh hoạt. Cống Hiệp Hòa nằm trong hệ thống Bara Đô Lương. Vì vai trò quan trọng của nó mà trở thành trọng điểm ném bom của Mỹ. Mỹ đã ném 91 quả bom vào cống Hiệp Hòa, làm sập cống dài 30m.”.

Lưu lượng nước qua cống Hiệp Hòa lúc ấy chỉ đạt 18m3/s. Ít ra cũng phải đạt 30m3/s mới đủ tưới tiêu cho 37 vạn hecta đất nông nghiệp. Chủ tịch tỉnh Trương Kiện lúc đó đã cho vời kỹ sư Hồ Như Hồng đến làm Trưởng ban công trình hoàn chỉnh hệ thống Đô Lương, trong đó trọng điểm là khơi thông cống, tu bổ Hiệp Hòa. Để kịp có nước cho vụ chiêm xuân, tỉnh đã huy động một lực lượng lớn trên 5 vạn người cùng hầu hết các xe cơ giới trên địa bàn thực hiện mục tiêu đó.

Khí thế lao động càng khẩn trương khi có tin Tổng Bí thư Lê Duẩn sắp vào Nghệ Tĩnh và sẽ lên thăm công trình cống Hiệp Hòa. Cũng vì sự kiện này mà ngày 28/11/1977, Tỉnh ủy đã điện kỹ sư Hồ Như Hồng về Vinh để báo cáo tiến độ. Đêm ngày 2/1/1978, Hồ Như Hồng quay lại công trường thấy nước đã tràn vào móng cống. Bức tường dài 180m ngăn phía trên cống đã làm xong 150m, còn 30m, ông Hồng dặn kỹ sư Trần Nhương (chỉ huy công trường cống Hiệp Hòa): Khi nào thật an toàn thì đổ bêtông. (Nếu như bức tường 180m hoàn thiện sớm thì không thể xảy ra tai nạn được, theo ông Hồng).
Sự nuối tiếc lẫn đau đớn chạy trên gương mặt già nua của ông, khi kể cho tôi nghe về ngày kinh hoàng ấy: “ Tối hôm đó, tôi làm việc tới 4 giờ sáng mới về lán. Sáng định mệnh 3/1/1978, 8 giờ đã thấy anh em đổ bê tông. 11 giờ tôi từ Bara Đô Lương trở về thấy anh em đổ bê tông gần xong, tôi phấn khởi mặc bộ quần áo bảo hộ lao động để xuống cống kiểm tra, phát hiện thấy một đường nứt trên cống từ thời Mỹ ném bom nhưng theo tôi không đáng ngại lắm. Tôi ra khỏi cống lúc 12h kém10 phút. Dẫu đã giữa trưa nhưng hai đơn vị Thanh Chương và Quỳnh Lưu xung phong ở lại làm việc. Cuối cùng, Quỳnh Lưu về trước, Thanh Chương ở lại. Tôi ra bảo hậu cần cấp thêm cho anh em bánh mì. Tôi vừa đi được 100m thì nghe tiếng “Rầm”. Cống sập. Lúc ấy tôi ngất đi”.

Gặp Tổng chỉ huy thi công cống Hiệp Hòa ngày ấy ảnh 2

Tôi hỏi: “Là chỉ huy, lúc ấy cống sập, ông ngất có phải vì lo trách nhiệm?”. Ông Hồng lắc đầu: “Lúc ấy nghĩ tới hàng trăm người đang làm việc dưới miệng cống, tôi xót thương quá, chứ tôi không ngại trách nhiệm”. “Ông là kỹ sư giỏi, có nhiều năm làm công trình thủy lợi, theo ông vì sao cống Hiệp Hòa bị sập, phải chăng vì coi thường yếu tố kỹ thuật như thời ấy vẫn có câu: Chỉ cần vật tư, không cần kỹ sư?”; ông lắc đầu: “ Khi làm công trình, về lý thuyết phải làm trong điều kiện địa chất đồng chất, nhưng ở đây đất bị nhàu nát, càng đào xuống càng nhão, không lường được. Khâu khảo sát thiết kế không được coi trọng. Bình thường đất ôm chặt lấy cống, nhưng khi đào đất để hở cống, cống lại không có cốt thép nên bị sập... Bài học này phải trả giá bằng mạng sống của cả trăm thanh niên, chỉ nghĩ tới điều này cũng đủ làm tôi chết lặng”.

 Bài học này phải trả giá bằng mạng sống của cả trăm thanh niên, chỉ nghĩ tới điều này cũng đủ làm tôi chết lặng .

Ông Hồ Như Hồng

Nhìn ông lúc này tôi có thể hình dung ra gương mặt kỹ sư Hồ Như Hồng khi cống sập. Ngất đi, nhưng khi tỉnh lại, kỹ sư Hồ Như Hồng đã thể hiện bản lĩnh của một người tổng chỉ huy. Ngay chiều hôm đó, đài BBC của Anh đưa tin tai nạn sập cống ở miền Trung Việt Nam làm 400 người thiệt mạng, trong khi con số thực tế là 93 người tử vong tại chỗ (không kể 5 người chết vì bị thương nặng sau đó). Hồ Như Hồng bàn với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế cho công bố thông tin số nạn nhân tử nạn.

Có vị lãnh đạo muốn an táng những người thiệt mạng ngay tại công trường, nhưng ông Hồng kiên quyết phản đối vì nếu chôn cất ở đây thì thân nhân sẽ đến khóc than, không khí tang thương sẽ rất khó hoàn thành được công trình.

Lúc đó cái rét mùa đông đang độ tê tái, tỉnh Nghệ Tĩnh cấp cho Hồ Như Hồng khoảng 100 cái chăn bông để đi thăm hỏi động viên những gia đình có con em chết trong vụ tai nạn. Theo logic thông thường, đến nhà những người ấy vào thời điểm họ vừa mất người thân sẽ nguy hiểm cho kỹ sư Hồng. Nhưng ông vẫn mang chăn đi lại nhận được sự thông cảm từ phía gia đình người bị nạn. Xã Thanh Liên, nơi ông Hồng từng làm công trình đập Cầu Điền đã cử người tới động viên người kỹ sư này.

Sau thảm họa cống Hiệp Hòa ai phải chịu trách nhiệm? Trung ương Đảng tổ chức một cuộc họp với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Duy Trinh, tham dự cuộc họp có ông Phạm Hùng, ông Tố Hữu, ông Song Hào, ông Nguyễn Thọ Chân – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, ông Nguyễn Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi. Ban đầu ông Nguyễn Thọ Chân nêu quan điểm: Cách chức và tước bằng của kỹ sư Hồ NhưHồng. Ông Tố Hữu lên tiếng: “Có rất nhiều người không làm gì thì lý lịch rất trong sạch, còn có làm có sai, bằng kỹ sư là điều kiện để anh Hồng làm việc, tước đi có nên không?”. Ông Song Hào phát biểu: “Xét động cơ làm chương trình này có đúng chủ trương không. Tôi nghĩ là đúng, nhưng cách thực hiện đã chủ quan”.

Cuối cùng, cuộc họp đi đến kết luận: Khiển trách Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, cách chức Trưởng ban công trình hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi Đô Lương kiêm Trưởng phòng Xây dựng cơ bản của Ty Thủy lợi, hạ một bậc kỹ sư của Hồ Như Hồng (lúc đó ông Hồng kỹ sư bậc 3).

Ít lâu sau Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm tỉnh Nghệ Tĩnh, nghe báo cáo về thảm họa cống Hiệp Hòa đã thốt lên một câu có lẽ đúng cho mọi thời: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt bằng phá hoại”.

Sau đó hai tháng, ông Trường Chinh lúc đó là chủ tịch Quốc hội đã điện Chủ tịch tỉnh Trương Kiện ra Hà Nội cho biết, một số bà con ở xã Cát Văn gửi thư ra Quốc hội yêu cầu xử lý vụ cống Hiệp Hòa bằng pháp luật. Sau đó Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thể hiện một số quan điểm: Vụ sập cống Hiệp Hòa phải được xử lí bằng pháp luật để thể hiện sự nghiêm minh, đề cao tinh thần trách nhiệm; đề cao tinh thần làm việc tôn trọng khoa học, kỹ thuật.

Ngay sau đó, 56 người có trách nhiệm liên quan tới vụ sập cống Hiệp Hòa được mời đến lấy khẩu cung. Kỹ sư Hồ Như Hồng là người cuối cùng, người thứ 56.

Tháng 10/1980, phiên tòa diễn ra ở Hội trường thị trấn Đô Lương, cách không xa nơi sập cống. Rất đông người nhà những người tử nạn và bà con trong tỉnh kéo nhau đến theo dõi phiên tòa. Hội trường không đủ chỗ, phiên tòa được tường thuật trực tiếp bằng loa phát thanh. Điều lạ là, phiên toà không có vành móng ngựa, bị cáo không mặc áo tù.

Nhiều người dân thắc mắc vì sao một chủ trương lớn của tỉnh, một thảm họa làm chết 98 người mà chỉ có người phải đứng trước tòa gồm ông Đào Nhiệm – Phó Ty Thủy lợi; ông Hồ Như Hồng và ông Trần Nhương – Trưởng tiểu ban công trình cống Hiệp Hòa?

Hiếm có phiên tòa nào mà cả dân và bị cáo đều khóc khi cáo trạng được đọc lên.

Tòa tuyên án Hồ Như Hồng 6 năm tù. Sự nghiệp của người kỹ sư 41 tuổi coi như kết thúc. Nhưng ngay sau khi ra tù, ông vẫn được tỉnh tin tưởng mời làm một số công trình thủy lợi. Hồ Như Hồng làm nốt công trình ở huyện Quỳnh Lưu rồi về quê tiếp nối nghề thuốc đông y gia truyền của cha ông.

Có nhiều người dân đang chờ ông bắt bệnh, mắt ông ngấn nước: “Mình sống đến từng này tuổi là lãi lắm rồi, chỉ xót thương cho những nam nữ thanh niên tử nạn khi tuổi đôi mươi phơi phới. Giờ còn ai nhớ họ?...

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.