Biển đảo mình, bà con cứ đánh bắt

Biển đảo mình, bà con cứ đánh bắt
TP - Ngày 15/4, tàu cao tốc Lý Sơn đưa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cập đảo sau gần 2 giờ đạp sóng. Trên bến cảng, hàng ngàn ngư dân tập trung chào đón bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt.

> Ý tưởng táo bạo đảo tiền tiêu Lý Sơn giữa Biển Đông
> Phản đối Trung Quốc đưa khách du lịch tới Hoàng Sa

Nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt cháy đen lần đầu tiên được diện kiến Chủ tịch nước. Chuyện của những ngư dân quả cảm bám biển giữ đảo được kể lại và được lắng nghe chân thành.

Hoàng Sa, Trường Sa là ruộng vườn của ngư dân Lý Sơn

Vừa bước xuống tàu, Chủ tịch Trương Tấn Sang đến bắt tay thăm hỏi bà con ngư dân trên đảo. Ông Nguyễn Quốc Chính, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn), từng là ngư dân bám biển Hoàng Sa, Trường Sa nay đã nghỉ, thay mặt hơn 687 đoàn viên của xã nói lên những khó khăn của ngư dân Lý Sơn khi đánh bắt trên biển.

Những gì bà con cô bác nói hôm nay tôi hoàn toàn đồng ý. Thưa bà con cô bác, quốc gia nào cũng có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ trên bản đồ đều bình đẳng như nhau. Phần chủ quyền biển đảo của mình, bà con cô bác cứ đánh bắt, không có gì phải tranh cãi

“Ngư dân Lý Sơn bao đời nay vẫn bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, xem ngư trường này như là ruộng vườn của mình, là nơi che chở cho ngư dân mỗi lúc ra khơi. Ngày nay, ngư dân làm ăn càng khó khăn phần vì thiên tai, phần vì nhân tai, thường bị tàu Trung Quốc gí đuổi. Nhiều ngư dân phải nằm lại Hoàng Sa, Trường Sa khi đánh bắt cá do bão táp phong ba”.

Ông Chính đơn cử ngay trường hợp tàu QNg 96382 của Lý Sơn bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin ngày 20/3 vừa rồi để minh chứng. Trước đó, hàng loạt tàu cá Quảng Ngãi bị đẩy đuổi khỏi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khi đang đánh bắt hợp pháp trên biển chủ quyền.

Ông Chính cho biết thêm, từ ngày thành lập Nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân nhất là ngư dân trẻ ngày càng ý thức hơn về pháp luật trên biển, trách nhiệm của mình trong đánh bắt hải sản, nhờ đó năng suất sản lượng tăng cao, thu nhập của ngư dân Lý Sơn trung bình được 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc là phi lý, cần lên án và ngăn chặn.

“Xua đuổi, bắn cháy tàu cá của ngư dân là hành động ngang ngược xem thường luật pháp quốc tế, vô nhân đạo. Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng cần quan tâm bảo vệ ngư dân. Khi bị Trung Quốc bắt, gặp nạn đề nghị Nhà nước sớm giúp đỡ, giúp đỡ nhiều hơn nữa để ngư dân sớm quay lại bám biển”, ông Chính nói.

Ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết: Ngư dân Quảng Ngãi và nhất là ngư dân hai huyện Lý Sơn và Bình Sơn ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản luôn gặp phải sự đẩy đuổi, bắt bớ, tịch thu phương tiện của phía Trung Quốc.

Trung bình mỗi năm có 35 tàu cá bị tàu Trung Quốc đẩy đuổi. Riêng trong quý 1/2013 tình hình căng thẳng hơn, đã có 25 tàu cá của 2 huyện này bị tàu Trung Quốc bắn, đẩy đuổi không cho làm ăn trên vùng biển chủ quyền.

Chủ tịch nước xúc động lắng nghe câu chuyện giữ cờ Tổ quốc giữa Hoàng Sa của ngư dân trẻ Bùi Văn Phải. ẢNH: Nguyễn Thành
Chủ tịch nước xúc động lắng nghe câu chuyện giữ cờ Tổ quốc giữa Hoàng Sa của ngư dân trẻ Bùi Văn Phải. ẢNH: Nguyễn Thành.

Nếu để cháy cờ Tổ quốc thì tàu cá mình sẽ thành “tàu lạ” 

Hai ngư dân Lê Văn Cương và Bùi Văn Phải hết sức bất ngờ khi được Chủ tịch nước mời ngồi cạnh mình để trò chuyện. Anh Cương, người hơn 20 năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa kể với Chủ tịch nước: Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường chính, vì ở đây nhiều cá mực, hải sản lạ dễ đánh bắt, tránh trú khi gặp bão. Nhưng nay, tình hình khó khăn hơn trước, vì gặp tàu Trung Quốc.

Lý Sơn hiện nay có hơn 400 tàu thuyền, với tổng công suất 43.372CV trong đó có 158 tàu đánh bắt xa bờ khai thác chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa.

Hiện nay, Lý Sơn có hai Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh và An Hải với 979 đoàn viên, 81 tàu thuyền tham gia. Từ đầu năm 2012 đến tháng 4/2013 ngư dân Lý Sơn đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa xảy ra 15 vụ bị tàu cá nước ngoài bắt giữ, phạt tù, phạt tiền, tịch thu tài sản, đập phá, ngăn cản không cho hành nghề.

Trong đó 2 tàu bị bắt, tịch thu tài sản; 13 tàu bị đập phá, ngăn cản không cho khai thác, thiệt hại ước tính hơn 1.698 triệu đồng.

Năm 1992, anh Cương đánh bắt ở Hoàng Sa thì gặp bão. 9 ngư dân trên tàu mãi mãi nằm lại với biển Hoàng Sa, riêng Cương và một ngư dân khác may mắn được tàu cá đồng đội cứu sống. Về đất liền, anh Cương lại đóng mới tàu cá và tiếp tục bám biển Hoàng Sa, Trường Sa từ đó đến nay.

Những chuyến ra khơi gần đây, tàu cá anh Cương và nhiều ngư dân khác luôn gặp tàu cá và tàu hải giám Trung Quốc trên ngư trường truyền thống của ta.

Chủ tịch nước hỏi anh Cương: Anh có kiến nghị gì?

Anh Cương đáp: “Tình hình tranh chấp hiện nay, ngư dân xin kiến nghị Nhà nước hỗ trợ bà con, có chính sách vay vốn ưu đãi để có điều kiện bám biển vươn khơi, vừa đánh bắt, vừa bảo vệ chủ quyền”.

Ngư dân 24 tuổi Bùi Văn Phải - chủ tàu QNg 96382 - người dũng cảm cứu lá cờ Tổ quốc giữa Hoàng Sa, đứng lên nói chuyện trong tiếng vỗ tay vang dội của ngư dân Lý Sơn.

Ngồi cạnh Chủ tịch nước, Phải kể lại sự việc tàu bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin vào ngày 20/3 vừa qua. Câu chuyện chàng trai mồ côi cha, 13 tuổi bám biển và theo nghiệp chú bác trên đảo đi Hoàng Sa, Trường Sa khiến Chủ tịch nước đặc biệt xúc động.

Tâm sự với Chủ tịch nước, Bùi Văn Phải bộc bạch: “Dù bị bắn cháy cabin tàu nhưng cháu và anh em vẫn quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Nếu để cháy cờ thì tàu cá mình sẽ thành tàu lạ, tàu Trung Quốc lại càng có cớ để bắt bớ, quấy phá. Phải giữ cờ Tổ quốc để mình khẳng định chủ quyền trên biển Hoàng Sa”.

Nắm tay dặn dò, hỏi han động viên tinh thần của chàng ngư dân trẻ, Chủ tịch nước xúc động khi nghe Phải tâm sự: “Cháu định ra khơi, nhưng nghe tin bác Chủ tịch ra thăm nên nán lại để được gặp bác!”.

Ngư dân Nguyễn Thanh Lâm từng có tàu cá 2 lần bị nạn tại Hoàng Sa. Năm 2010, tàu anh Lâm bị tàu Trung Quốc đâm. Đến năm 2011, khi đánh bắt trên biển Trường Sa, tàu gặp bão trôi dạt xuống Malaysia bị tịch thu tàu cá, bắt giam 1 năm.

Dù hai lần gặp nạn nhưng Lâm vẫn kiên quyết bám biển. Khi nghe Chủ tịch nước hỏi về nguyện vọng, anh Lâm nói ngắn gọn: “Nhà nước, Chính phủ làm thế nào để giúp ngư dân ra Hoàng Sa, Trường Sa an tâm khẳng định chủ quyền biển”.

Chủ tịch nước hỏi: “Bị thế có sợ không?”. Anh Lâm quả quyết: “Dạ, ngư dân chúng tôi không sợ. Mình bám biển để giữ đảo mà!”.

Mọi người vỗ tay tán thưởng. Chủ tịch nước ngợi khen tinh thần quả cảm, mạnh dạn bám biển bảo vệ chủ quyền của những ngư dân trẻ Lý Sơn.

Nhân dân cả nước luôn dõi theo...

Phát biểu trước hàng ngàn ngư dân Lý Sơn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh, khen ngợi tinh thần kiên trì, kiên quyết bám biển của ngư dân Lý Sơn, bởi đây là vùng trọng điểm về đánh bắt hải sản, khai thác nguồn lợi trên biển.

Chủ tịch nước chia sẻ những khó khăn mà ngư dân gặp phải trong thời gian qua. Mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng đánh bắt cá ở Lý Sơn vẫn trên đà phát triển, kết quả đạt được là rất đáng mừng. Lý Sơn là vùng trọng điểm dù đội tàu Lý Sơn không lớn nhưng kết quả mang lại là rất lớn.

Chủ tịch nước ân cần nhắc nhở ngư dân và lãnh đạo các nghiệp đoàn khi khai thác đánh bắt trên biển truyền thống “có trục trặc gì phải báo cáo cho cơ quan chức năng chính xác và kịp thời.

Cơ quan chức năng Việt Nam có trách nhiệm can thiệp đến các nước. Đó là chức trách của Nhà nước Việt Nam. Ra biển tính mạng là số một.

Khi ra biển, bà con phải thường xuyên liên lạc để được cơ quan chức năng hướng dẫn và can thiệp kịp thời khi có sự cố. Bà con yên tâm, Đảng, Nhà nước luôn bám sát hoạt động của bà con, ra biển bà con luôn có cơ quan chức năng bảo vệ và nhân dân cả nước luôn dõi theo”.

Chủ tịch nước cũng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ bổ sung, hoàn thiện những chính sách hỗ trợ, để giúp đỡ hỗ trợ hơn nữa ngư dân bám biển. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự tự lực cánh sinh, sự đoàn kết đồng lòng trên biển, trong đó nghiệp đoàn nghề cá phải giữ vai trò chủ đạo.

Xăng dầu của ngư dân bị đánh phí đường bộ là bất công

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn và đại diện các bộ ban ngành, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu đánh giá, kiểm tra lại, nhất là phí đường bộ tính vào giá xăng, thuế môn bài... đã được báo chí phản ánh rất nhiều trong thời gian qua.

Ông Võ Văn Thưởng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng việc đánh phí đường bộ vào giá xăng dầu là điều bất công lâu nay đối với ngư dân. Hầu hết ngư dân khi ra khơi đều không có đủ tiền để mua dầu, mà phải thông qua các chủ nậu. Khi về bán hải sản lại cho chủ nậu để trừ chi phí, vô tình ngư dân bị ép hai đầu. “Đây là vấn đề bức xúc lâu nay, nhà nước cần can thiệp”, ông Thưởng đề nghị.

Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính trả lời. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Lâu nay việc khai thác thủy sản đều qua đội ngũ chủ nậu, vì ngân hàng cho vay thế chấp tài sản cao, ngư dân không đủ điều kiện phải xoay xở bên ngoài. Đến nay chưa loại bỏ được kiểu hoạt động của đội ngũ này và thực tế hiện nay ngư dân cần đội ngũ này, quan trọng là phải tìm cách tác động đến đội ngũ này để hạn chế việc “ăn gian” của ngư dân.

Liên quan chi phí xăng dầu cho ngư dân, khi Chủ tịch hỏi: “Thực tế như thế nào?”, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng, giá xăng dầu Chính phủ đã điều chỉnh không đưa lệ phí đường bộ vào giá xăng dầu nữa. Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT rà soát lại toàn bộ chuyện này.

“Chính sách tốt rồi nhưng phải hoàn thiện chính sách. Cần bổ sung những kiến nghị chính đáng của ngư dân để sớm giúp đỡ ngư dân bám biển. Chiến lược hoàn thiện thì chính sách cũng phải hoàn thiện”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG