Làm rõ vai trò giám sát, phản biện của MTTQ

Làm rõ vai trò giám sát, phản biện của MTTQ
TP - Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam trong hệ thống chính trị và nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội là nội dung được các chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, thành phố tập trung đóng góp ý kiến tại Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 8-3.

> Nhân dân phải được tham gia phản biện
> Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiểm tra thực hiện Nghị quyết T.Ư 4

Liên quan quy định tại điều 6, các đại biểu cho rằng, Dự thảo đã làm rõ, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước, không chỉ thông qua Quốc hội, HĐND như Hiến pháp hiện hành.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quyền đại diện của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, vì vai trò đại diện nhân dân thực hiện các quyền dân chủ của MTTQ là rất quan trọng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai cho rằng, Hiến pháp cần có những định chế mạnh hơn về giám sát và phản biện xã hội; đi liền theo đó là các văn bản dưới luật quy định ngay từ đầu; phải giữ cho được vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Có như vậy, MTTQ mới có vị trí thực tế trong xã hội, là bộ phận trong hệ thống chính trị.

Ông Trịnh Ngọc Giao, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, đề nghị làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQ vì hoạt động này có phạm vi, lĩnh vực và đối tượng khác nhau, nên tách riêng mà không gộp chung một khoản như trong dự thảo.

Ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, đề nghị tách hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ theo hướng “giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện phản biện xã hội theo quy định của pháp luật”.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Lai cho rằng, đối tượng của giám sát là con người, cán bộ cụ thể, đối tượng của phản biện là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, cần xem xét tách hai hoạt động này cho phù hợp.

Vai trò của Quốc hội

Ngày 8-3, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo về các nội dung liên quan quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về vị trí, vai trò của Quốc hội tại điều 74 (sửa đổi, bổ sung điều 83), TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận xét, việc thay đổi từ “cơ quan duy nhất có quyền” thành cơ quan “thực hiện quyền lập hiến, lập pháp” là hợp tình, hợp lý, đúng với thực tế khách quan, bởi nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị và cá nhân tham gia hoạt động này.

Tuy nhiên, không nên bỏ nhiệm vụ, quyền hạn “quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh” của Quốc hội để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể có quyền trình dự án luật và các ban soạn thảo dự án, bảo đảm tính chất ổn định của chương trình và tính nghiêm túc trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

TS Thanh đề nghị có một điều riêng hoặc một khoản trong điều 84 của Dự thảo về đoàn đại biểu Quốc hội (của tỉnh, thành phố) vốn chưa được đề cập trong Hiến pháp 1992.

Một số đại biểu tán thành việc bổ sung nội dung “quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ” trong khoản 4, điều 75 của Dự thảo.

Cần bảo đảm đủ quyền lực cho Chính phủ

“Hiến pháp cần phân công quyền lực cho Chính phủ, bảo đảm cho Chính phủ có đủ quyền lực và có đủ cơ chế đồng bộ để vận hành thống nhất, thông suốt quyền lực, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành các mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước”.

Đây là một trong những nội dung được các đại biểu tham dự Hội thảo về chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp, phục vụ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, do Bộ Nội vụ phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 8-3.

GS.TS Phạm Hồng Thái, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề nghị: Hiến pháp chỉ nên quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, không cần phải quy định “là cơ quan chấp hành của Quốc hội”.

Ông Phạm Đức Bảo, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng, chính phủ hành pháp mới là chính phủ mạnh, đảm bảo an ninh quốc gia. Chính phủ thực hiện quyền hành pháp đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cần tăng cường vai trò của Chính phủ; Thủ tướng là người lãnh đạo, điều hành Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội.

Đa số đại biểu cho rằng, không nên quy định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực chất đây chỉ là cơ quan đại biểu cho nhân dân, quyết định những vấn đề của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chế định Chính phủ và chính quyền địa phương là chế định rất quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Cần làm rõ chế định này trong Hiến pháp để xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, quy định về chính quyền địa phương phải thiết kế lại để thể hiện được tính tự chủ, độc lập. Đây là vấn đề lớn và còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Mô hình chính quyền địa phương không thể thực hiện đồng nhất trong cả nước, phải nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Mô hình chính quyền đô thị phải khác với ở nông thôn nên các cấp hành chính và tổ chức chính quyền cũng phải khác nhau.

Nhiều ý kiến ủng hộ chính quyền đô thị chỉ nên 2 cấp. Cũng có ý kiến cho rằng, ở đâu có UBND, ủy ban hành chính thì ở đó phải có cơ quan để giám sát, phải có HĐND. Tuy nhiên, vấn đề thiết kế ở cấp nào có cấp chính quyền đầy đủ thì cần phải bàn thêm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG