Cơ sở dữ liệu quốc gia về Trường Sa, Hoàng Sa
> Những người giành giật sự sống ở Trường Sa
> Sức mạnh phòng vệ bờ biển Việt Nam
Năm 2013, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu kết hợp với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Thông tin này được giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam cho biết tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013, tổ chức ngày 17/1.
Theo giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, năm 2013, Viện sẽ đổi thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là một bước ngoặt lịch sử trong lộ trình phát triển của Viện, là thành quả nỗ lực của các thế hệ cán bộ của Viện, là sự kiện hết sức có ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Viện, khẳng định vị thế của Viện trong hệ thống các cơ quan trực thuộc Chính phủ và các viện nghiên cứu của cả nước.
Lá cờ Tổ quốc làm bằng gốm trên nóc nhà văn hóa của đảo Trường Sa lớn. |
Trong năm 2012, Viện đã thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ gồm Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên,” “Nghiên cứu tổng thể tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa.”
Viện cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai và bàn giao theo lộ trình dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và phát huy giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long,” dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”... đồng thời hoàn thành 29 Chương trình cấp bộ và 49 đề tài thuộc các chương trình Tây Nguyên 3, Chương trình Nghị định thư, Quỹ Nafosted…
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Viện Khoa học xã hội Việt Nam trở thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo Nghị định số 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là dấu mốc khẳng định vị thế, tầm nghiên cứu cơ bản và chiến lược của Viện.