> Bộ sưu tập “bản đồ chủ quyền” của Việt kiều trẻ
> Hệ thống hóa tài liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Đây là những tư liệu quý góp phần khẳng định, chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong đó, Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ 1919 là Atlas đầu tiên do Nhà nước Trung Hoa phát hành với số lượng nhỏ, in bằng ba ngôn ngữ Trung - Anh - Pháp, gồm 46 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc đương thời.
Các bản đồ này đều chỉ giới hạn cương vực Trung Quốc đến đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo TS Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng, cùng với 2 Atlas Trung Quốc địa đồ (1908), Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933) được ông Thắng chuyển về Viện trước đó, cả ba Atlas này là những tư liệu có giá trị quan trọng.
Từ năm 1906, nhà Thanh (1644-1912) vạch ra chương trình thiết lập bản đồ bưu chính và sau đó được chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục, thể hiện các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì họ không đưa vào Atlas.
Do đó, đây là tư liệu không chỉ chứng tỏ cương vực Trung Quốc đến đảo Hải Nam mà còn cho thấy trong suốt chiều dài lịch sử, nước này chưa bao giờ coi Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của mình.
Đến nay, Viện đã tiếp nhận 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản) cùng 3 Atlas do ông Thắng gửi về.