> Nhiều xét nghiệm dồn vào nơi 'xã hội hóa'
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, xã hội hóa công tác khám chữa bệnh khiến tăng tỷ lệ nhập viện không phù hợp chẩn đoán bệnh và không phù hợp phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Cơ chế phân bổ kinh phí khám chữa bệnh theo giường bệnh như hiện nay dẫn đến việc các bệnh viện cố gắng tăng hoặc bảo vệ số giường bệnh hiện có đã chỉ định nhập viện đối với một số loại bệnh mà đúng ra có thể điều trị ngoại trú, dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện.
Hiện tượng nhập viện đối với các bệnh thông thường (như đẻ thường, cắt u nang buồng trứng, chăm sóc sản phụ tại nhà) tại các bệnh viện tuyến cuối vẫn còn cao.
Ngoài ra, cơ chế tự chủ tài chính dẫn đến sự chênh lệch ngày càng lớn về thu nhập của cán bộ ở các bệnh viện tuyến trên và ở các chuyên khoa có mức tăng thu cao.
Điều này dẫn đến xu hướng dịch chuyển cán bộ từ các bệnh viện ở nông thôn ra thành thị, từ tuyến dưới lên tuyến trên.
Hoặc dẫn đến xu hướng chọn lựa những chuyên khoa hấp dẫn về thu nhập, khiến xảy ra tình trạng thiếu cán bộ thuộc những chuyên khoa có thu nhập thấp như lao, phong, tâm thần, gây mất cân bằng trong cung cấp dịch vụ y tế.
Một bất cập còn tồn tại khi thực hiện xã hội hóa y tế và tự chủ tài chính tại bệnh viện công là tình trạng lạm dụng quyền tự chủ của lãnh đạo bệnh viện gây tiêu cực, mất dân chủ trong bệnh viện, ông Khuê nói.
Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh chiếm 85% trong tổng chi cho y tế. Việc triển khai chính sách xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh và tự chủ tài chính trong các bệnh viện diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau.
Theo thống kê của ngành y tế, lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là máy móc chẩn đoán hình ảnh để phục vụ khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Tính riêng các bệnh viện trung ương, đã có 50 thiết bị y tế có giá trị được lắp đặt, đưa vào sử dụng tại 16 cơ sở như hai máy PET-CT, 11 CT- Scaner, ba hệ thống máy cộng hưởng từ, một hệ thống máy gia tốc tuyến tính và nhiều thiết bị kỹ thuật cao khác như thiết bị phá sỏi ngoài cơ thể, máy phaco...
Kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động của các bệnh viện công lập chỉ chiếm 23,2% trong tổng số nhu cầu chi cho hoạt động. Với các bệnh viện trung ương, tỷ lệ này là 9,8%.
Nguồn thu xã hội hóa là nguồn quan trọng bổ sung vào nguồn thu của bệnh viện nhằm đảm bảo công tác chuyên môn.
Theo TS Khuê, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện hiện nay là công bằng cho tất cả người bệnh từ thầy thuốc, trang thiết bị, thuốc vật tư, tiêu hao.
Người nghèo, trẻ em, các đối tượng chính sách đã được Nhà nước mua bảo hiểm y tế đảm bảo việc tiếp cận công bằng các dịch vụ khám chữa bệnh.
Phát triển các dịch vụ y tế theo yêu cầu đã bổ sung thêm nguồn lực tài chính cho việc cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh; giúp cho bệnh viện có thêm kinh phí để hoạt động, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại, có thêm kinh phí phát triển kỹ thuật cao, đào tạo được những chuyên gia giỏi giúp chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, cứu sống được nhiều người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.
Thực tế, với mức giá thu dịch vụ của đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế như hiện nay, người nghèo, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng lợi nhiều từ những nguồn thu dịch vụ này.
Bằng chứng là tại các bệnh viện người nghèo vẫn được hưởng y tế kỹ thuật cao với giá viện phí bằng với giá Nhà nước quy định tại Thông tư 14 và Thông tư 03.
Hôm nay, dự kiến Bộ Y tế sẽ báo cáo trước Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội về một số vấn đề liên quan xã hội hóa công tác khám chữa bệnh và tự chủ tại bệnh viện công. |