> Vụ Tiên Lãng, Văn Giang: Công an chỉ bảo vệ chứ không cưỡng chế
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn sáng 15 -6 trước Quốc Hội. |
Đại biểu Trần Du Lịch, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM nêu vấn đề, từ khi xảy ra vụ Vinashin, ông cùng nhiều Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đề xuất phương án Thủ tướng Chính phủ buộc một số tập đoàn, tổng công ty phải công bố thông tin giống như những công ty niêm yết thị trường chứng khoán cho phù hợp với tính chất sở hữu toàn dân, xã hội, mọi người giám sát.
"Tôi nhớ rằng, trong một số lần, Thủ tướng cũng đã đề cập và đồng tình, nhưng xin hỏi Phó Thủ tướng tại sao đến nay không làm mà chỉ khi nào thanh tra mới biết được là tập đoàn, tổng công ty đó đầu tư cái gì, hư cái gì?" - Ông Lịch hỏi.
Ông Lịch cũng nêu thực tế, nợ xấu ngân hàng thương mại hiện nay đang là vấn đề lớn đặt ra trong bài toán vĩ mô, cản trở vấn đề hấp thụ vốn.
"Dư luận cho rằng, trong nợ xấu này có phần của tập đoàn tổng công ty nhà nước: vay đầu tư không hiệu quả, gây áp lực tăng khoản nợ xấu. Vấn đề này có thế nào, tác động đến đâu? Xin Phó Thủ tướng cho biết" - Ông Lịch chất vấn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc công khai minh bạch chưa làm được vì nhiều nguyên nhân khách quan.
"Trong báo cáo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình Quốc hội đã khẳng định, yêu cầu tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công khai minh bạch trong thời gian tới".
Phó thủ tướng cũng nói thêm: "Khẳng định lần này của chúng tôi trước Quốc hội là các tập đoàn tổng công ty cần phải công khai minh bạch, công bố thông tin để có sự giám sát tốt hơn, như một công ty lên sàn chứng khoán".
"Làm thế cũng là góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước" - Phó Thủ tướng nói.
Về vấn đề nợ xấu, Phó Thủ tướng cho biết, nợ xấu ngân hàng gồm tất cả các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, hợp tác xã, nông dân chứ không phải riêng tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng thừa nhận, một phần nợ xấu ngân hàng là của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
"Chúng tôi công nhận rằng, nợ xấu hiện nay có một phần của tập đoàn tổng công ty nhà nước, đặc biệt một số tập đoàn làm ăn thua lỗ, thất thoát trong thời gian qua".
Tuy nhiên, theo ông Phúc, những tập đoàn thua lỗ, thất thoát này không phải nguyên nhân chính gây ra tình trạng nợ xấu ngân hàng.
"Tôi hỏi đồng chí Bình (Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thì tỷ lệ nợ xấu này cũng không phải cao".