Muốn về phải góp tiền cho môi giới

Người thân của các lao động kẹt tại Nga đang rất lo lắng trước tình cảnh của con em mình Ảnh: Bảo Anh
Người thân của các lao động kẹt tại Nga đang rất lo lắng trước tình cảnh của con em mình Ảnh: Bảo Anh
TP - Muốn về nước, các lao động phải góp tiền cùng với người môi giới, nhưng vì suốt 4 tháng làm việc tại Nga, các lao động chưa được chủ sử dụng người Trung Quốc trả lương nên phải làm thêm 6 tháng nữa để kiếm tiền.
Người thân của các lao động kẹt tại Nga đang rất lo lắng trước tình cảnh của con em mình Ảnh: Bảo Anh
Người thân của các lao động kẹt tại Nga đang rất lo lắng trước tình cảnh của con em mình Ảnh: Bảo Anh.

4 tháng không được trả lương

Như Tiền Phong đã đưa tin, gần 40 lao động đến từ Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang đang mắc kẹt tại Nga. Những lao động này sang Nga từ đầu năm 2012, làm việc ở một xưởng sản xuất giày da - may mặc tại thành phố Ekaterinburg (thủ phủ tỉnh Sverlov). Họ đã gọi điện cho người thân kêu cứu, muốn sớm được về nước vì đang bị bỏ đói và không được chủ trả lương.

Ngày 4-5, trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại từ thành phố Ekaterinburg, anh Nguyễn Văn Thi (sinh năm 1987, thường trú xóm 8, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) nói rằng, anh là một trong hai lao động được trực tiếp tham dự buổi làm việc giữa đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cùng người môi giới (có tên Nguyễn Văn Dũng) và chủ sử dụng người Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cơ quan này đang nỗ lực cùng với Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga sớm xác minh để có biện pháp giúp đỡ lao động. Thực tế, những lao động trên đi theo đường dây cá nhân, không thông qua các công ty xuất khẩu lao động nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Theo anh Thi, tại buổi làm việc, lãnh đạo Đại sứ quán yêu cầu người môi giới phải có trách nhiệm đưa toàn bộ lao động về nước, nếu việc thoả thuận với lao động ở lại làm việc không thành.

“Đa số lao động đều muốn về nước càng sớm càng tốt vì môi trường làm việc quá khắc nghiệt, vất vả. Mọi người chỉ được chủ sử dụng người Trung Quốc cho ăn mà không hề được trả lương”, anh Thi nói.

Theo anh, các lao động chỉ muốn người trực tiếp quản lý là ông Nguyễn Văn Dũng thực hiện đúng hợp đồng. Tuy nhiên, ông Dũng hiện không có vai trò gì với người lao động mà việc quản lý do chủ sử dụng quyết định.

“Bọn em cũng muốn ở lại làm việc để kiếm tiền trả nợ nhưng khi đề xuất mức lương tối thiểu được nhận là 500 USD theo hợp đồng, chủ sử dụng Trung Quốc đã không đồng ý mà nói rằng sẽ trả lương theo sản phẩm”, anh Thi nói.

Cùng ngày, qua điện thoại từ Nga, lao động Trịnh Đình Quỳnh (xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) nói rằng, khi sang Nga, làm việc quần quật suốt ngày đêm. Theo hợp đồng, ba tháng đầu phải thử việc nhưng ai cũng phải làm việc 12 tiếng/ngày.

“Họ hứa là sẽ trả lương thử việc 250 USD/tháng nhưng đến nay khi biết bọn em muốn về nước, chủ không trả một đồng nào”, anh Quỳnh nói.

Theo anh Quỳnh, nếu ở lại làm việc sẽ rất bấp bênh vì không có gì đảm bảo rằng, chủ sử dụng Trung Quốc sẽ trả lương cho anh em theo như hợp đồng ký kết, chứ chưa nói đến chuyện tiền làm thêm giờ. Vì thực tế, trong suốt bốn tháng làm việc tại Nga, chưa người nào được trả lương.

“Vì không được chủ sử dụng đảm bảo chi trả lương theo hợp đồng cũng như đồng ý với một số điều kiện nên các lao động giờ chỉ muốn về nước càng sớm càng tốt”, anh Quỳnh nói.

Theo hai lao động trên, sau khi làm việc với đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, ông Nguyễn Văn Dũng phải có trách nhiệm đưa người lao động về nước. Nhưng theo anh Thi, ông Dũng hiện không có đủ tiền để đưa mọi người về nước.

“Ai muốn về nước, phải góp tiền cho ông Dũng. Nhưng vì các lao động đều không có tiền nên buộc phải làm thêm tiếp 6 tháng nữa”, anh Thi nói. Trong khi đó, theo anh Quỳnh, chỗ anh đang ở có 7 lao động. Hằng ngày, các lao động chỉ biết ngồi đợi ông Dũng mang cơm đến cho ăn.

Chủ sử dụng đe dọa người lao động

Chị Nguyễn Thị Hảo (sinh năm 1985, thôn Thượng Cát, xã Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam) nước mắt ngắn dài cho PV Tiền Phong biết, dù vẫn liên lạc được với chồng là anh Lê Trung Kiên (sinh năm 1984), nhưng không biết giờ chồng đang ở đâu tại Nga. Trước khi sang Nga, vì quá tin tưởng nên anh chị đã nộp 20 triệu đồng cho người môi giới.

Theo chị Hảo, qua điện thoại, anh Kiên cho biết, tại xưởng may nơi anh làm việc, ông chủ Trung Quốc cho treo một con chó to tại nhà ăn để uy hiếp tinh thần lao động khi biết tin nhiều người muốn về nước. “Chồng em cho biết, trước 30-4, ông chủ cho người cắt gân chó trước mắt các lao động với mục đích để uy hiếp”, chị Hảo nói.

Theo báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, hiện có khoảng 400 xưởng may quy mô lớn nhỏ (từ vài ba chục công nhân đến vài trăm công nhân) nằm rải rác trên khắp nước Nga. Chỉ riêng thủ đô Mátxcơva và các tỉnh xung quanh, ước tính có trên 200 xưởng may với khoảng 20.000 công nhân. Các xưởng may đều nằm ở những khu vực xa dân cư, trong cơ sở của các nhà máy cũ của Nga. Các nhà máy tiếp nhận lao động nước ngoài được phân làm 3 loại: nhà máy, công xưởng hoàn toàn hợp pháp (thường gọi là xưởng trắng); nhà máy, công xưởng bán hợp pháp (thường gọi là xưởng xám); nhà máy, công xưởng bất hợp pháp (xưởng đen). Phần đông lao động Việt Nam làm việc cho các xưởng may đen.

Theo chị Hảo, sau bốn tháng làm việc, anh Kiên được bà chủ cho ứng 2.000 rúp (khoảng 1,4 triệu VND), nhưng khi biết anh Kiên muốn về nước, ông chủ đã thu hồi lại khoản tiền này.

“Để lo cho chồng đi nước ngoài nên gia đình đang nợ nần chồng chất. Trước đây, đã vay 6 cây vàng cho chồng đi Hàn Quốc nhưng không thành, nay vay thêm 4 chỉ vàng cộng tiền mặt để đi Nga kiếm tiền trả nợ thì xảy ra sự cố. Nợ nần chồng chất thế này không biết khi nào mới trả được”, chị Hảo lo lắng.

Thực tế, vụ việc kiểu này không phải là lần đầu tiên xảy ra. Trước đây, đã có hàng loạt vụ lao động Việt Nam làm việc tại các xưởng may đen ở Nga bị đối xử tàn tệ bị phanh phui.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, những năm gần đây, tình trạng lao động Việt Nam sang Nga làm việc theo hình thức tự do (đa số được đưa qua bằng các con đường không chính thức như du lịch, thăm thân...) ngày càng nhiều.

Trong khi chỉ có khoảng 3.000 lao động Việt Nam sang Nga làm việc theo đường chính thống (thông qua các Cty xuất khẩu lao động được quản lý và được cấp visa lao động), có tới hơn 7.000 người sang Nga làm việc qua đường dây môi giới đen.

Sau khi đến Nga, các tổ chức trung gian, cò mồi thường rũ bỏ trách nhiệm, người lao động bị sang tay, trở thành lao động bất hợp pháp. Họ đều không có giấy tờ tùy thân và thường bị ép làm việc trong các Cty, xưởng may bất hợp pháp trong điều kiện làm việc, ăn ở mất vệ sinh, mất an toàn phòng cháy chữa cháy và tiền lương, thu nhập không được đảm bảo.

Đặc biệt, gần đây các cơ quan chức năng của Nga tổ chức truy quét lao động bất hợp pháp. Từ tháng 3 đến tháng 5-2011, phía Nga phát hiện tổng cộng 800 lao động Việt Nam làm việc tại ngoại ô Matxcơva trong điều kiện tồi tàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.