Tính đến năm 2010, Việt Nam có 1186 bệnh viện với 187.843 giường. Nguồn chất thải rắn từ hệ thống bệnh viện này lên tới 350-400 tấn/ngày, trong đó 40 tấn chất thải nguy hại.
Với nước thải, mỗi ngày các bệnh viện xả ra khoảng 150 nghìn m3. Nếu không được xử lý tốt, những thành phần nguy hại trong chất thải y tế như vi sinh vật gây bệnh, chất gây độc, gây ung thư có thể tạo ra nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Thế nhưng, hiện 66% bệnh viện tại Việt Nam chưa có hệ thống xử lý nước thải - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo “Giải pháp Công nghệ xử lý chất thải cho các Bệnh viện” tổ chức sáng 12-4 -2012 ở Hà Nội.
Còn với chất thải rắn, hầu hết bệnh viện xử lý còn thủ công, thô sơ: 67% bệnh viện xử lý bằng lò đốt, 32,2% xử lý bằng lò thủ công hoặc chôn lấp. Hầu hết trạm y tế cấp xã chưa có hệ thống xử lý rác thải, phải chôn lấp.
Chất thải rắn y tế nguy hại chiếm khoảng 10-25% gồm vật sắc nhọn, bệnh phẩm, chất thải hóa học bao, chất thải dược phẩm, chất thải phóng xạ...
Nước thải từ các cơ sở y tế gồm phát sinh từ hoạt động chăm sóc và sinh hoạt trong bệnh viện. Nó có thể chứa vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất độc, đồng vị phóng xạ... Lo ngại chủ yếu tập từ nguồn nước thải bệnh viện tập trung vào vi sinh vật gây bệnh đường ruột dễ dàng lây truyền qua nước.
Vi sinh vật gây bệnh trong chất thải lây nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể người. Sự xuất hiện của các loại vi khuẩn kháng sinh và kháng hóa chất khử khuẩn có thể liên quan đến thực trạng quản lý chất thải y tế không an toàn.
Vật sắc nhọn không chỉ gây ra vết thương trên da, mà còn làm nhiễm trùng vết thương nếu chúng bị nhiễm bẫn. Thương tích do vật sắc nhọn là tai nạn thường gặp nhất trong cơ sở y tế.
Một khảo sát của Viện Y học lao động và môi trường năm 2006 cho thấy, 35% số nhân viên y tế bị thương tích do vật sắc nhọn trong vòng 6 tháng qua, và 70% trong số họ bị thương tích do vật sắc nhọn trong sự nghiệp. Tổn thương do vật sắc nhọn có khả năng lây truyền các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như HIV. Việc tái chế hoặc xử lý không an toàn chất thải lây nhiễm, bao gồm cả nhựa và vật sắc nhọn sẽ gây tác động lâu dài tới sức khỏe cộng đồng.
Nguồn nước có thể bị nhiễm bẩn do các chất độc hại có trong chất thải bệnh viện. Chúng có thể chứa vi sinh vật gây bệnh, thủy ngân từ nhiệt kế và bạc từ quá trình tráng rửa phim X quang.
Một số dược phẩm nhất định, nếu xả thải mà không xử lý có thể gây nhiễm độc nguồn nước cấp. Bên cạnh đó, việc xả thải bừa bãi chất thải lâm sàng, ví dụ xả chung chất thải lây nhiễm vào chất thải thông thường, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Không khí cũng sẽ bị ô nhiễm một khi phần lớn chất thải nguy hại được thiêu đốt trong điều kiện không đảm bảo. Việc đốt chất thải y tế đựng trong túi nilon PVC, cùng với những loại dược phẩm, có thể tạo ra khí axit, thường là HCl and SO2.
Trong quá trình đốt các dẫn xuất halogen (F, Cl,. Br, I..) ở nhiệt độ thấp, cũng sẽ tạo ra axit như hydrochloride (HCl). Điều đó dẫn đến nguy cơ tạo thành dioxins, một loại hóa chất vô cùng độc hại, ngay cả ở nồng độ thấp.
Các kim loại nặng, như thủy ngân, có thể phát thải theo khí lò đốt. Những nguy cơ này có thể tác động tới hệ sinh thái và sức khỏe con người trong dài hạn.
Trước thực trạng đáng lo ngại về rác thải y tế hiện nay, năm 2010 Bộ Y tế đã thành lập Cục Quản lý môi trường y tế chuyên trách về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phê duyệt Đề án xử lý chất thải y tế giai đoạn 2010-2015 và định hướng tới 2020 với phương châm dùng công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cho hay, Ngân hàng thế giới (WB) vừa đồng ý cho Việt Nam vay 150 triệu USD để xử lý chất thải y tế, trong đó có 140 triệu USD dành cho đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, 10 triệu USD còn lại để xây dựng chính sách, hệ thống quan trắc và các vấn đề liên quan khác.
Nắm bắt được nhu cầu rất lớn và cấp thiết của Việt Nam về vấn đề này, một cuộc Hội thảo chuyên về xử lý chất thải y tế với chủ đề “Bảo vệ Môi trường và Sức khỏe” vừa được tổ chức ngày 12-4 vừa qua.
Hội thảo do Đại sứ quán Pháp và Cơ quan thương mại Pháp UBIFRANCE Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm giới thiệu công nghệ và thành tựu nghiên cứu mới nhất tại châu Âu trong lĩnh vực quản lý rác thải bệnh viện.
Công ty APB Environnement giới thiệu ứng dụng thực tiễn từ các dự án thực hiện cùng đối tác của mình là EAU PURE, ECODAS và ISEA. APB Environnement cũng giới thiệu những giải pháp phù hợp với chính sách phát triển bền vững, vừa hạn chế thải carbon vào môi trường vì không cần thu gom và vận chuyển, vừa đảm bảo bảo vệ sức khỏe người dân và thân thiện với môi trường.
Hai nhà khoa học thuộc Viện Pasteur Paris cũng đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực dùng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải tại Pháp.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia Y tế và chuyên gia về bảo vệ môi trường.