Phá rừng làm thủy điện, chây ỳ nộp phí

Phá rừng làm thủy điện, chây ỳ nộp phí
TP - Trong khi các thuỷ điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi lớn, nhưng tập đoàn này lại chây ỳ trong việc nộp phí dịch vụ môi trường rừng...

Thủy điện và những hệ lụy:

Phá rừng làm thủy điện, chây ỳ nộp phí

Mới trả được 5%

Theo ông Quách Đại Ninh, Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), đến hết quý 1 năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới trả được 30 tỷ đồng, tương đương 5% tổng số nợ hơn 500 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) năm 2011. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trả 17 tỷ đồng và Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Nhim trả 13 tỷ đồng.

Theo ông Ninh, trước đây EVN đã có văn bản xin phép hoãn trả nợ nhưng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN phải trả toàn bộ số tiền này cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để chi trả cho các chủ rừng. “EVN có trách nhiệm phải trả nợ, không có lý do gì EVN lại chần chừ trong việc trả số nợ này”, ông Ninh nói. Số tiền hơn 500 tỷ đồng nêu trên, EVN chỉ là đơn vị đứng ra thu hộ các chủ rừng.

Trước việc nhiều doanh nghiệp nợ tiền DVMTR, ngày 19-3, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, đề nghị chỉ đạo các đơn vị chi trả tiền DVMTR. Cũng theo Bộ NN&PTNT, chương trình thí điểm tại Lâm Đồng hiện các nhà máy thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh đang chi trả khoảng 55 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 hộ dân bảo vệ rừng được hưởng thu nhập bình quân 8,1 - 8,7 triệu đồng/năm, cao gấp ba lần so với thu nhập nhận khoán trước đây để bảo vệ hơn 203.000ha rừng. Lâm Đồng cũng là tỉnh đầu tiên thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, đến nay Quỹ đã ký hợp đồng với 768 hộ gia đình với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng để bảo vệ 35.000ha rừng.

Hiện việc chi trả DVMTR đã được áp dụng thí điểm trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, Đồng Nai, Hòa Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận và TP Hồ Chí Minh. Sau hơn 2 năm thực hiện , nếu tính toán trên sổ sách thì số tiền thu được khoảng 700 tỷ đồng nhưng thực tế mới thu được 240 tỷ đồng.

Theo một chuyên gia, sở dĩ các thủy điện phải nộp phí DVMTR, là vì khi làm thủy điện ảnh hưởng rất lớn đến môi trường rừng, nhiều diện tích rừng bị phá. Ngoài ra, việc bảo vệ và phát triển rừng liên quan trực tiếp đến nguồn nước cho thủy điện. Vì thế việc các thủy điện của EVN lãi lớn như vậy mà lại chây ỳ trong việc nộp phí môi trường rừng là không thể chấp nhận được.

EVN phải nộp

Việc nộp phí DVMTR thực hiện theo Nghị định 99 của Chính phủ. Theo đó, từ năm 2011 tất cả các cơ sở sản xuất điện, cung cấp nước sạch và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có sử dụng DVMTR trên phạm vi toàn quốc phải trả phí với mức 20 đồng/kW điện thương phẩm, 40 đồng/m3 nước thương phẩm và 1 - 2% doanh thu du lịch.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, tập đoàn đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải nộp phí năm 2012 đúng theo quy định. Riêng khoản nợ phí năm 2011 do tập đoàn gặp nhiều khó khăn nên sẽ nộp dần và đến quý IV năm nay sẽ phải nộp xong. Dù có quy định nhưng thực tế tiền dịch vụ môi trường rừng chưa được tính trong giá điện trước đây. “Số tiền nộp vào quỹ nói trên EVN phải ứng tiền ra để nộp chứ khoản tiền này chưa được tính vào giá điện”- ông Tri cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương khẳng định, EVN chắc chắn phải trả. Có điều hiện giá điện không được tăng khiến EVN gặp khó khăn trong khi kinh doanh bị lỗ.

Theo quan chức này, số tiền nộp quỹ bảo vệ và phát triển rừng nói trên so với các khoản phải nộp khác của EVN là không đáng kể. Việc thu phí DVMTR trong bối cảnh EVN không vay được vốn do nợ nần nhiều, ngay cả đầu tư lưới và nguồn cũng không có vốn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch thu chi Quỹ Bảo vệ và Phát triển môi trường rừng năm 2012. Theo đó, tổng số tiền thực thu của quỹ gần 501 tỷ đồng từ phí dịch vụ môi trường rừng; trong đó nguồn thu từ các công trình thuỷ điện là hơn 484 tỷ đồng, từ các cơ sở sản xuất nước sạch gần 13 tỷ đồng...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG