Đề xuất quan trọng về cán bộ, công chức cấp xã

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Nội vụ đề xuất lựa chọn giải pháp bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã. Thống nhất một cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc “có vào - có ra, có lên - có xuống”...

Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo đã được gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

“Có vào - có ra, có lên - có xuống”

Bộ Nội vụ khẳng định, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề rất trọng yếu, quyết định mọi việc, và cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Do vậy, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay”, Bộ Nội vụ nêu rõ và khẳng định lần sửa đổi này góp phần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Đề xuất quan trọng về cán bộ, công chức cấp xã ảnh 1

Bộ Nội vụ đề xuất chính sách đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đưa ra 3 nhóm chính sách lớn, trong đó có đề xuất chính sách thống nhất nền công vụ từ trung ương đến cơ sở, trong đó có chính sách về đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Cùng với đó là chính sách hoàn thiện quy định về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế tạo nguồn, thu hút thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị; và chính sách thống nhất nền công vụ từ trung ương đến cơ sở.

Nhóm chính sách này sẽ thực hiện cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc “có vào - có ra, có lên - có xuống”; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với cơ hội đào tạo, thăng tiến, tiền lương.

Theo Bộ Nội vụ, mục tiêu của chính sách nhằm thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo nền công vụ thống nhất từ trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Do đó, dự thảo đã bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện thống nhất quản lý cán bộ, công chức trong cùng hệ thống theo chiều dọc và theo chiều ngang; đồng thời quy định rõ điều kiện thực hiện và các điều khoản chuyển tiếp.

Giải quyết triệt để vướng mắc về giao biên chế

Qua đánh giá tác động, Bộ Nội vụ đề xuất lựa chọn giải pháp: Bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã. Thống nhất một cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xác định vị trí việc làm ở các cơ quan, tổ chức của xã, phường, thị trấn. Nghĩa là, mỗi vị trí việc làm, mỗi chức vụ, chức danh cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn phải căn cứ vào danh mục vị trí việc làm và khối lượng công việc cụ thể. Từ đó sẽ xây dựng số lượng biên chế cần thiết để giới thiệu ứng cử, bầu cử hoặc để tuyển dụng phù hợp với vị trí việc làm.

Lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định chuyển tiếp đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay đang làm việc ở xã, phường, thị trấn đã được tuyển dụng nhưng còn thiếu tiêu chuẩn hoặc tiêu chuẩn chưa đạt mức quy định.

Theo Bộ Nội vụ, việc lựa chọn giải pháp này là phương án tối ưu, bảo đảm phù hợp chủ trương liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung; giải quyết triệt để vướng mắc về giao biên chế và việc điều chuyển biên chế; tạo nên một nền công vụ thống nhất trong nền hành chính quốc gia.

Cơ quan chủ trì soạn thảo khẳng định, sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực thi hành, không phát sinh tổ chức hành chính mới, không tăng biên chế.

MỚI - NÓNG