> Hành khách quay lưng với xe hợp tác xã
Dịp Tết, một số tuyến xe khách Thanh Hóa tại bến Giáp Bát đã tăng giá vé thêm 50%. Ảnh: Trọng Đảng. |
Từ Hà Nội về huyện Yên Cát (Thanh Hoá), bình thường Mai Hồng Thắng, sinh viên ĐH Thương mại chỉ mất 100.000 đồng tiền vé, nhưng đầu tuần qua khi bắt xe về quê ăn Tết, Thắng phải trả cho nhà xe 160.000 đồng. Một số tuyến xe khách từ Hà Nội chạy về các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ... của Thanh Hoá cũng có mức tăng giá vé như trên.
Một số hành khách về Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng... những ngày qua cũng phản ánh, họ bị các nhà xe thu giá cao gần gấp đôi so với tuần trước. “Bình thường đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng tôi chỉ trả 160.000 đồng, nhưng hôm qua cũng với quãng đường này nhà xe thu 250.000 đồng. Nếu bắt xe dọc đường, bị thu 300.000 đến 350.000 đồng”, anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên Cty Viễn thông Quân đội Viettel vừa bắt xe từ Giáp Bát về Đà Nẵng nghỉ Tết phản ánh.
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng kế hoạch, Cty Quản lý bến xe Hà Nội xác nhận có thực trạng một số DN vận tải tại bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình đã tăng giá vé trong những ngày qua. Tuy nhiên, các DN tăng giá vé chủ yếu là các DN chạy tuyến đường dài vào Nam. Ở miền Bắc chỉ có một số tuyến chạy về các huyện của tỉnh Thanh Hoá là tăng giá vé.
So với ngày bình thường mức tăng trong dịp Tết được các DN áp dụng từ 40 - 50%. Cụ thể, nếu trước đây giá vé đi Đà Nẵng là 160.000 đồng thì nay tăng lên 250.000 đồng; Sài Gòn 690.000 nay tăng lên 830.000. Với tuyến chạy các huyện của Thanh Hoá, nếu trước đây giá vé về Yên Cát 100.000 đồng thì nay tăng lên 160.000 đồng, Ngọc Lặc 80.000, nay tăng lên 110.000...
Ông Sơn nói, các DN gửi thông báo tăng giá vé cho biết, do dịp Tết họ chỉ có khách chiều về, còn chiều đi hoàn toàn rỗng nên họ phải tăng giá để bù chi phí xăng dầu. “Tuy nhiên chúng tôi yêu cầu các DN chỉ tăng trong dịp Tết, sau đó phải trở lại giá bình thường”, Trưởng phòng Kế hoạch, Cty Quản lý bến xe Hà Nội cho hay.
Về nhu cầu đi lại và đáp ứng của bến xe trong những ngày áp Tết vừa qua, ông Sơn cho biết, hiện lượng khách đến các bến xe tăng 10 đến 20% so với ngày bình thường. Các bến vẫn đủ nguồn xe phục vụ hành khách.
Nhiều tuyến đường Thủ đô tê liệt Chiều qua lượng phương tiện trên các tuyến phố Hà Nội tăng đột biến, khiến nhiều tuyến đường rơi vào tê liệt vì ùn tắc. Ngoài phương tiện của người dân, trên phố còn xuất hiện dày đặc xe ba gác, xe thồ chở đào quất, cây cảnh đi bán hoặc giao cho khách hàng. Nhiều tuyến phố đã cấm taxi như Tây Sơn - Tôn Đức Thắng, Thái Hà - Chùa Bộc, Láng Hạ - Giảng Võ, Xuân Thủy - Cầu Giấy... nhưng phương tiện cũng lèn như nêm. Do tắc đường trên diện rộng nên nhiều người làm việc tại các công sở đã phải nán lại cơ quan hàng tiếng đồng hồ mới về được. |