Đề xuất chính sách tổng thể cho ngư dân

Đề xuất chính sách tổng thể cho ngư dân
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, Cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục thủy sản, Bộ NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Oai cho biết: Trước thực trạng 80% ngư dân đang phụ thuộc vào đầu nậu, Cục này sẽ đề xuất một chính sách tổng thể giúp ngư dân tiếp cận được vốn phát triển sản xuất.

> 'Chơi' thì lỗ, bỏ thì sạt
> Vòi tín dụng “đen”

Đề xuất chính sách tổng thể cho ngư dân ảnh 1
 

Thưa ông, vốn đi biển ngư dân đang dựa vào nguồn tín dụng “đen” của các đầu nậu, ông có biết điều này?

Theo Nghị định 41 của Chính phủ, ngư dân có thể vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng để sản xuất. Số tiền đó chưa thấm vào đâu, nên ngư dân không mặn mà. Do vậy, mỗi chuyến đi biển, ngư dân tìm đến các chủ nậu vựa (đầu nậu) vay lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng và các sản phẩm của ngư dân đánh bắt về cũng phải bán cho đầu nậu với giá thấp hơn mặt bằng. Đó là những ràng buộc với nhau trong cơ chế thị trường, nhưng rất bất lợi cho ngư dân.

Ông đánh giá thực trạng ngư dân phải vay tín dụng “đen” thế nào?

Đối với tàu cá xa bờ (90 CV trở lên) khoảng 23.000 nghìn chiếc, có khoảng 80% trong số đó phụ thuộc vào nguồn vốn của các chủ đầu nậu. Thực tế, một chuyến đi biển về, trừ tất cả các chi phí, cho người đi phần (người làm thuê cho chủ tàu) thì chủ tàu lời cũng không nhiều. Số lãi đó không đủ cho chuyến biển kế tiếp, do vậy, ngư dân lại tìm đến đầu nậu.

Như vậy, lâu nay, cơ quan quản lý biết mà vẫn để ngư dân dựa vào tín dụng “đen” của nậu vựa, không có cách nào giúp chủ tàu giải quyết sao?

Nhiều tỉnh khi cho vốn đóng tàu, đến khi bán tàu, thanh lý, thì tỷ lệ thu hồi vốn rất thấp, chỉ vài chục phần trăm. Một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả mang lại không cao vì, nhà nước cho vay vốn đóng tàu, nhưng không cho vay vốn để phục vụ sản xuất. Đây mới là vấn đề mấu chốt.

Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến ngành thủy sản, như đầu tư về cảng cá, khu neo đậu, xây dựng hệ thống thông tin, điều tra nguồn lợi, cung cấp dự báo ngư trường… Ngoài ra, có các quyết định 289, rồi 48 hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hiện chính sách riêng của nhà nước cho dân vay vốn để sản xuất vẫn chưa có.

Ông Nguyễn Ngọc Oai
Ông Nguyễn Ngọc Oai.
 

Theo ông, cần giải quyết vấn đề vốn cho ngư dân sản xuất ra sao?

Chúng tôi cũng rất trăn trở việc này. Ngư dân đang cần cơ chế, chính sách nào đó để vay vốn với lãi suất thấp, thậm chí là lãi suất 0%, thời hạn vay dài hơi hơn. Mức vay không phải là vài ba chục triệu, và phải một vài trăm triệu để phục vụ cho sản xuất. Có như vậy mới tháo gỡ được những khó khăn hiện nay, để ngư dân không phải vay nặng lãi, người đi biển được phân chia lợi nhuận cao hơn.

Trong chiến lược phát triển thủy sản, một số chương trình khai thác thủy sản xa bờ, chúng tôi cũng đề cập đến vấn đề này, nhưng chưa cụ thể. Tất nhiên, để làm được điều đó, phải có sự kết hợp giữa các bộ ngành. Với nghề cá cũng cần phải có quỹ tương tự quỹ tín dụng nhân dân hiện nay, cho ngư dân vay vốn thuận lợi nhất, thì rất tốt.

Thực tế, thời gian qua, một số báo đài, địa phương như Quảng Ngãi cũng lập quỹ hỗ trợ ngư dân, tuy nhiên, ở đây vẫn là quỹ hỗ trợ những rủi ro, do thời tiết, tai nạn, hoặc va chạm với tàu cá nước ngoài… Còn hỗ trợ sản xuất thì chưa có, vẫn còn trống. Đây mới chính là cái mà ngư dân rất cần. Vấn đề này, chúng tôi sẽ đề xuất với Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT để đề xuất Chính phủ chính sách tổng thể giúp ngư dân được tiếp cận vốn phát triển sản xuất.

Phạm Anh (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.