Khắc phục thiệt hại sau sự cố môi trường Formosa:

500 triệu USD phải đến được tay người dân

Thuyền ngư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang nằm bờ sau sự cố Formosa. Ảnh: Sỹ Lực
Thuyền ngư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang nằm bờ sau sự cố Formosa. Ảnh: Sỹ Lực
TP - Về việc triển khai 500 triệu USD bồi thường của Formosa, lãnh đạo Bộ TN&MT đề nghị MTTQ Việt Nam giám sát chặt chẽ ngay từ đầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là dành tối đa để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Bảo đảm làm sao số tiền bồi thường phải đến được tay người dân, không có thất thoát, tiêu cực.

Ngày 26/8, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hải sản, thủy sản chết hàng loạt.

Để tránh những sự cố đáng tiếc về môi trường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có cơ chế giám sát doanh nghiệp đang và sẽ triển khai dự án. Nếu dự án có vấn đề, người dân phải được cung cấp giấy phép để thực hiện giám sát.

Đề cập vấn đề tiền bồi thường thiệt hại thủy hải sản chết hàng loạt tại miền Trung, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin, hiện tại Formosa đã chuyển vào kho bạc 250 triệu USD, tới ngày 28/8 tới, Formosa sẽ chuyển nốt 250 triệu USD tiền bồi thường còn lại. 

Theo ông Nguyễn Hữu Chí, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, phải lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ của các ngành, 4 địa phương bị thiệt hại, tuy vậy, đến nay mới chỉ có tỉnh Thừa Thiên - Huế có báo cáo về phương án hỗ trợ, còn 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh chưa báo cáo. Ông Chí cho biết thêm, khi đã có phương án và tiêu chí của các tỉnh, 500 triệu USD này sẽ được triển khai hỗ trợ theo quy định: 15 ngày một lần và 45 ngày thì quyết toán.

500 triệu USD phải đến được tay người dân ảnh 1

Thuyền ngư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang nằm bờ sau sự cố Formosa. Ảnh: Sỹ Lực

Nhận định năm 2016 là năm có nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nói thêm, quốc gia nào cũng phải trải qua thời kỳ khủng hoảng môi trường như vậy. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã quan tâm nhiều đến môi trường nhưng vì phát triển kinh tế, nhiều tỉnh vẫn luôn chấp thuận mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư hơn là quan tâm vấn đề môi trường. 

“Xung đột môi trường sẽ dẫn đến xung đột kinh tế và cả xung đột chính trị”, ông Võ Tuấn Nhân nói. Bổ sung thêm về đối tượng ảnh hưởng do sự cố Formosa, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng, 500 triệu USD bồi thường chỉ có thể sử dụng cho 4 tỉnh bị ảnh hưởng. Nhưng thực tế, cả ngư dân tại Nghệ An cũng bị ảnh hưởng. Ông Tạc đề nghị MTTQ Việt Nam có khả năng huy động được nhiều nguồn lực khác nhau, có thể hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng gián tiếp từ sự cố môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tiếp tục rà soát số tiền và hiện vật quy ra tiền của tổ chức, địa phương chưa phân bổ để có phương án hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. Giám sát nguồn kinh phí hỗ trợ, đền bù cho nhân dân bị thiệt hại để mang lại hiệu quả. “Không thể để tình trạng nhà gần có nhiều quà, nhà xa thì không thấy hỗ trợ đâu”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Bộ TN&MT tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, mở rộng đối tượng tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường. Cần giám sát các đối tượng, trước hết là các doanh nghiệp đang hoạt động. Yêu cầu MTTQ các cấp lên danh sách các doanh nghiệp nghi ngờ để phối hợp tiến hành kiểm tra, giám sát; Tiếp đó là doanh nghiệp sắp hoạt động, nếu có nguy cơ mất an toàn về môi trường thì phải thông báo kịp thời cho người dân. Người dân phải được nắm thông tin về giấy phép, đề án bảo vệ môi trường của các dự án đó để giám sát chặt chẽ

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các xã bị ảnh hưởng gián tiếp, bởi sự cố môi trường thuộc tỉnh Nghệ An, cho phép Nghệ An rà soát những trường hợp bị ảnh hưởng. Nguồn hỗ trợ từ Chính phủ, không dùng từ gói hỗ trợ của Formosa.


MỚI - NÓNG