Thương Tín - một ngọn gió Tuy Hòa

Thương Tín và con gái nhỏ.
Thương Tín và con gái nhỏ.
Lai rai quán xá Sài Gòn nhiều lần với Thương Tín, nhận ra sau cái tên là thấy con người thật của chàng tài tử điện ảnh này, Tín uống rất nồng nhưng lặng lẽ, không “nổ”, không “chém gió”.

Càng uống, cặp mắt Tín càng sáng. Có lúc, sáng đến lấp lánh. Dường như đó là thứ ánh sáng tự soi rọi vào chính mình, để thấy rõ cả những vinh quang và thăng trầm.

Biết Tín là người Tuy Hòa - nơi khi xưa thi sĩ Trần Mai Ninh đã reo lên: “Ơi cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần và phóng túng …” - tôi càng cảm mến hơn, bởi vì mảnh đất này, thời chống Mỹ, người bạn thi sĩ yểu mệnh Trần Vũ Mai đã từng “ngang dọc” để viết ra trường ca “Cảm giác lạc quan” (sau đổi thành “Ở làng Phước Hậu”) với những câu thơ rơm rớm: “Ơi Tuy Hòa bên trong Tuy Hòa ngoài mặt/ Đừng say nữa hãy tỉnh lên nào…”.

Tôi cũng đã nhiều lần đến Tuy Hòa để cảm nhận ra cái chất người Tuy Hòa “Chuyên cần và phóng túng” làm sao. Và tôi chợt nhận thấy, Thương Tín chính là một ngọn gió Tuy Hòa đang thổi “chuyên cần và phóng túng” trong thế giới kịch trường và điện ảnh của Sài Gòn hoa lệ.

So với bạn bè cùng trang lứa, Thương Tín và Thế Hiển có duyên nổi tiếng khá sớm. Khi tuổi trẻ cả nước say mê ca khúc “Hát về anh” của Thế Hiển: “Một ba lô/ Cây súng trên vai…” thì năm 1983, ở tuổi 27, Thương Tín đoạt cú “đúp” giải thưởng cả sân khấu lẫn điện ảnh. Đó là Huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu Toàn quốc với vai Thuyền trưởng trong vở “Ngôi sao biển” của đạo diễn Doãn Hoàng Giang và giải Diễn viên nam xuất sắc nhất ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI với vai Tám Thương trong phim “Bài ca không quên” của đạo diễn Nguyễn Văn Thông.

Thành công ấy đã mở ra trước mắt Thương Tín một chân trời đầy hứa hẹn, tuy nhiên, cũng thấp thoáng thông báo những truân chuyên đang rình rập trong đời sống và có thể bủa vây bất kỳ lúc nào.

Từ thành công này, Thương Tín vừa bươn chải trên sân khấu kịch trường để tạo nên bao thành công mới, vừa dấn thân qua những thước phim để nghiễm nhiên người đời coi anh là một tài tử điện ảnh có hạng, có phần còn lấn át cả cái gốc sân khấu bản thể của anh.

Nếu Chánh Tín đã tạc tượng hình ảnh người chiến sĩ tình báo qua nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa” mà Thương Tín cũng có tham gia, thì Thương Tín cũng đã góp phần khắc họa hình ảnh người chiến sĩ biệt động qua nhân vật Sáu Tâm trong phim “Biệt động Sài Gòn”.

Tôi cũng đã từng chén thù, chén tạc với chính Sáu Tâm. Anh có tâm sự rằng hình như tất cả những hiểm nguy mà anh vượt qua trong cuộc đời chiến sĩ biệt động đều là những khoảnh khắc thăng hoa khôn lường, khó lặp lại trong đời thường. Vậy mà anh cũng thừa nhận Thương Tín đã cố gắng đến cạn kiệt mình để vào vai Sáu Tâm một cách sinh động nhất.

Vào được một vai diễn kiểu như thế, không phải dễ, không phải diễn viên nào cũng có thể làm được. Cặp mắt xanh của đạo diễn Long Vân đã nhận ra Thương Tín.

Trước đó, Thương Tín cũng đã nhập vai Tư Thiệt trong “Vụ án viên đạn bạc” của đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc. Anh Ngọc học điện ảnh ở Nga về nên rất khắt khe trong nghề. Sinh thời, anh cũng đã từng khen ngợi vai Tư Thiệt trong phim anh đạo diễn, khi cùng tôi khề khà cuối chiều ở quán rượu dưới nhà anh đầu đường Quán Thánh, Hà Nội.

Sau “Biệt động Sài Gòn”, Thương Tín lại nhập vai chiến sĩ biệt động trong phim “Trời xanh qua kẽ lá” của đạo diễn Khôi Nguyên cũng rất được. Trong vệt nhập vai những nhân vật chính diện, Thương Tín vẫn rất ưng ý với vai Giám đốc Vinh trong “Nắng đỏ” do Lâm Tới đạo diễn và vai Quang trong “Ám ảnh” do nữ đạo diễn Đức Hoàn - nổi tiếng với Mỵ trong phim “Vợ chồng A Phủ” - thực hiện.

Thương Tín bảo, khi nhập vai chính diện thì phải hiểu rõ cả những vai phản diện xung quanh để tạo ra cách diễn hiệu quả nhất. Còn khi nhập vai phản diện thì lại phải hiểu ngược lại những vai chính diện xung quanh để có thể lột tả chân thực từng vai phản diện.

Bởi vậy, bên cạnh một “Thương Tín biệt động”, người xem phim cũng không thể không tấm tắc một “Thương Tín tướng cướp” như Lý Đạo Đương trong phim “Săn bắt cướp” của đạo diễn Trần Phương, như Hoàng Long trong phim “Tiếng gọi lúc mờ sáng”… Cứ thế, ngọn gió Tuy Hòa Thương Tín mải miết “Chuyên cần và phóng túng” bao nhiêu năm qua.

Tuy nhiên, đi giữa hào quang và bóng tối, con người ta, nhất là những tài năng hơi chút “dị biệt”, thế nào cũng có lúc phải gắng gỏi vật lộn với những “cảm giác mạnh” mà mình đã bị nhiễm tự lúc nào không hay.

Thương Tín cũng không ngoài dòng thác lũ đó. Song điều quan trọng nhất của con người là phải có bản lĩnh, phải dám đứng dậy từ chính chỗ mình khụyu xuống. Tôi đồng cảm và quý Thương Tín ở bản lĩnh đó. Không chỉ dám đứng lên mà còn dám chịu trách nhiệm với tất cả những suy nghĩ và hành động của mình trong cuộc sống.

Chừng một năm nay, trong lúc Thế Hiển nhiều lần tâm sự với tôi về ước muốn có một đứa con với người vợ trẻ, nhưng vì tuổi đã cao, thấy nhiều khó khăn quá, khó khăn không biết sẽ vượt nổi bằng cách nào, thì cũng chính Thế Hiển lại báo tin mừng cho tôi rằng Thương Tín mới có một đứa con gái với người vợ trẻ - một thiếu nữ Phan Rang.

Gần đây, tôi đã gặp Thương Tín cùng vợ và con gái nhỏ sau giờ trưa anh ra ga đón hai mẹ con từ quê ngoại trở về. Nhìn cặp mắt Thương Tín long lanh yêu thương con gái nhỏ nghịch ngợm, nhìn cặp mắt người vợ trẻ hân hoan chứng kiến hai cha con nựng chiều nhau, tôi thấy đáy lòng trào lên nhiều cảm động.

Hạnh phúc là gì nhỉ? Có phải là bắt đầu từ những niềm vui thầm lặng này chăng? Và từ chỗ bắt đầu chân thật đó, lại thấy một Thương Tín vững tin đi tiếp trên con đường nghệ thuật, dâng hiến cho đời những vai diễn không thể nào quên. Ngọn gió Tuy Hòa có lúc từng uể ải lướt qua những sầu buồn, giờ đây lại tiếp tục “chuyên cần và phóng túng” trước mùa xuân.

Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG