Thiếu thiện ý?
PGS-TS Nguyễn Lân Trung, con trai của cố giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân không ngại bày tỏ quan điểm của gia đình, xung quanh vụ “bắt lỗi” cuốn từ điển của cha mình. Anh khẳng định, trước hết nói đến ngôn ngữ là nói đến vấn đề về lịch sử, văn hóa, bởi ngôn ngữ gắn với văn hóa, gắn với lịch sử. Do vậy, cách nhìn nhận của mỗi nhà nghiên cứu ngôn ngữ là khác nhau, khó nói cách nhìn này đúng, cách nhìn kia sai.
Anh cho biết hoàn cảnh ra đời của cuốn từ điển gây bão: “Bố tôi làm cuốn sách này trong 5 năm, khi đã 90-95 tuổi. Phải hiểu là trong thời kỳ đó, không ai làm (từ điển tiếng Việt-pv) thì bố tôi bắt tay vào làm”. PGS-TS Nguyễn Lân Trung cảm thấy: “Đối với một người đã có đóng góp như thế, đã khuất như thế thì thái độ như thế, gia đình thấy không được”. Anh nhắc lại nhiều lần: “Thấy không thiện ý”. Theo anh, việc khảo cứu từ điển Nguyễn Lân không có vấn đề nhưng phải lưu ý, ngôn ngữ có yếu tố lịch sử, “ở thời đại công nghệ người ta nghĩ từ này có nghĩa thế này nhưng trước đây quan niệm của các cụ lại nghĩ khác”. “Phải khảo cứu trên phương diện khoa học như vậy và trao đổi một cách thiện ý, thiện chí, đằng này thiếu cả hai điều ấy thì gia đình không bàn”, PGS-TS Nguyễn Lân Trung bộc bạch.
Sau vụ “bắt lỗi” từ điển của cố giáo sư Nguyễn Lân, cũng có thể mở ra một trào lưu mới: “Nhặt sạn” từ tác phẩm nổi tiếng của người đã khuất. Theo PGS-TS Nguyễn Lân Trung nếu trào lưu ấy diễn ra thì thật sự đáng ái ngại: “Tất cả các tác giả đã khuất mang ra phân tích theo quan điểm hiện nay thì sẽ rất khác. Họ đều có thể bị lôi ra như vừa rồi. Đó là một trào lưu không tốt, không có sự trân trọng. Thí dụ, thủ pháp trong tiểu thuyết trước đây khác lắm, bây giờ bảo sao lại viết như thế thì khó”.
Trên trang cá nhân, một người cháu nổi tiếng của cố giáo sư Nguyễn Lân cũng đã lên tiếng xoay quanh câu chuyện liên quan đến ông mình. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bắt đầu khá nhẹ nhàng: “Sắp đến ngày giỗ của ông, tình cờ facebook lại nhắc nhở tấm ảnh đặc biệt của ông và các cháu trai (…). Cảm ơn tình cảm của nhiều người đã quý mến dành cho ông những “mỹ từ” to tát, nhưng tôi chắc chắn rằng ông không thích và không tự nhận bao giờ. Ông chỉ thích một điều đó là làm việc, làm việc và làm việc”. Đến đây vị bác sỹ nổi tiếng mới đi vào vấn đề chính: “Những quyển sách mà ông viết trong những năm cuối đời, ngoài 90 tuổi đã thể hiện một nỗ lực phi thường của một người nhỏ bé. Tôi cũng cảm ơn những người đã đọc rất kỹ các quyển sách của ông để tìm ra các sai sót. Đây sẽ là những đóng góp mà chắc chắn nếu ông còn sống sẽ được ông thay đổi bổ sung trong các lần tái bản của mình”. Và tiến sỹ y khoa khiến người theo dõi trang cá nhân của ông phải giật mình vì nhắc một kỷ niệm thâm thúy, thay lời muốn nói: “Nhớ mãi lần tôi và Lân Thắng trèo lên cột nước ở Kim Liên về bị ông đánh cho một trận chỉ vì cái tội hay khoe “trên cao nhìn thấy ông bé tí như con kiến”. Đúng là “ếch chết tại miệng”.
“Của Ceasar trả lại cho Ceasar”?
Sau “cơn bão”, không ít người nghi ngờ giá trị quyển từ điển dày 2.111 trang của cố giáo sư Nguyễn Lân liệu có trở về số 0? PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định: “Bằng 0 là không đúng. Cuốn sách của cụ Nguyễn Lân vẫn còn rất nhiều giá trị. Khoan bàn đến những sai sót, thì đây là dấu ấn nhất định ghi nhận một người đã bền bỉ, đã ham thích tiếng Việt cũng như yêu quý đất nước mà làm nên công trình như thế. Công sức đó ta phải ghi nhận. Nhất là khi đó cụ Nguyễn Lân tuổi già sức yếu. Công trình cũng là dấu ấn một thời”.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Văn Tình không đồng tình khi nói cuốn sách của tác giả Hoàng Tuấn Công xuất phát từ một thái độ không thiện ý, bởi “chứng cứ tường minh, dựa trên những cái đã có để làm rõ vấn đề, cũng không phải lấy con mắt hiện đại để soi vào quá khứ, đây là thực tế ngôn ngữ học, thuần túy khoa học. Tức là cái gì của Ceasar, trả lại cho Ceasar”. Theo tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, việc làm của tác giả Hoàng Tuấn Công là tốt, bởi “đã gọi là công cụ từ điển, những cái để lại cho hậu thế, phải chuẩn”. Để vấn đề được khách quan, PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, nên có cuộc hội thảo hoặc tọa đàm, mời gia đình cụ Nguyễn Lân tham dự, “các con cụ có thể thanh minh hoặc nếu có khả năng nên có sự trao đổi cho rõ”.
Tác giả Hoàng Tuấn Công cũng bày tỏ quan điểm của mình trên trang cá nhân: “Khi viết sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân- Phê bình và khảo cứu”, chúng tôi không nhằm “tấn công” hay “ném đá” bất kỳ một cá nhân nào”. Anh đưa ra chứng cứ: Từng viết rất nhiều bài phê bình về các cuốn từ điển tiếng Việt, cũng như các thể loại văn chương, sách công cụ tra cứu khác… Lý do khiến anh viết cả cuốn sách để bắt lỗi, đơn giản chỉ là: “Sai ít thì gói gọn trong một bài (hoặc nhiều bài); sai nhiều thì viết hẳn thành một cuốn sách để hầu bạn đọc”.
Một số người đưa ra giải pháp với cuốn từ điển của cố giáo sư: Với những cuốn từ điển có sai sót lớn không nên tiếp tục tái bản. Thậm chí, có người còn cho rằng, nên thu hồi những cuốn từ điển có sai sót đã được xuất bản và đền bù cho độc giả đã mua sách một cuốn từ điển “nghiêm chỉnh”, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng sản phẩm tinh thần. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành tái khẳng định với phóng viên TPCN, Cục vẫn cho phép xuất bản từ điển của cố giáo sư Nguyễn Lân. Ông đồng quan điểm với PGS.TS Phạm Văn Tình: Từ điển của cố giáo sư Nguyễn Lân vẫn có những giá trị không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo ông Chu Hòa, trong những lần xuất bản tiếp theo (nếu có), ở lời giới thiệu không nên bỏ qua ồn ào vừa qua xoay quanh cuốn từ điển, để bạn đọc có cái nhìn nhiều chiều về cuốn sách.
PGS.TS Phạm Văn Tình không đồng tình với ý kiến của một số độc giả, không tái bản từ điển của cố giáo sư Nguyễn Lân: “Chẳng hạn hiện nay ta vẫn cho in lại cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes (Từ điển Việt-Bồ-La, PV) cuốn đó nhiều thứ bất hợp lí. Những nó là minh chứng có một thời người ta làm cuốn từ điển như thế. Nó mang giá trị lịch sử hơn là tra cứu Với người nghiên cứu thì điều đó vô cùng giá trị”. Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học ví von từ điển “có giá trị lịch sử hơn tra cứu” giống như những phát hiện hóa thạch trong lĩnh vực khảo cổ. Và ông kết luận: “Cuốn từ điển của cụ Nguyễn Lân xuất bản để tra cứu là một chuyện phải bàn, còn để lưu lại một dấu ấn thì không sao cả”.
Không ai lên tiếng vì… tế nhị
Không ít nhà nghiên cứu đã “né” khi phóng viên TPCN ngỏ ý phỏng vấn xung quanh vấn đề “bắt lỗi” từ điển của GS. Nguyễn Lân. Một nhà nghiên cứu xin được giấu tên giãi bày: “Vấn đề này tế nhị, giới khoa học cũng có yếu tố nhân văn, người ta nhìn ra được vấn đề nhưng không ý kiến. Bởi, thứ nhất nể cụ Nguyễn Lân. Thứ hai là con cháu cụ đông, cũng khiếp. Người ta ngại đụng, chẳng phải đầu thì cũng phải tai. Ông Tuấn Công là người dám đương đầu và đủ sức đương đầu, ông ấy có lý lẽ đâu ra đấy, rất giỏi. Ai đã từng đọc Hoàng Tuấn Công, dù không quen thân đều phải công nhận đó là người làm khoa học thực thụ”.
Một nhà nghiên cứu khác lại cho rằng: “Ở Việt Nam, bao giờ cũng coi trọng tuổi tác, truyền thống, coi trọng cao niên. Nhưng trường hợp cụ Nguyễn Lân sai sót lớn quá, khó chấp nhận. Nếu không khéo để thế hệ sau nghĩ rằng đó là khuôn vàng thước ngọc thì e không tiện. Tất nhiên đó là nỗi buồn rất lớn của gia đình cụ Nguyễn Lân. Hoàng Tuấn Công xới lên vấn đề rất đúng, cần thẳng thắn nhìn vào sự thật. Ở ta, thường có một vùng cấm ngầm mà lâu nay chưa thoát ra được. Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của những người gắn bó với khoa học nước nhà như cụ Nguyễn Lân nhưng chúng ta cũng cần có cái nhìn khách quan trong chuyện này”.
Tuy nhiên, có một hiện thực không thể phủ nhận trong một bộ phận dư luận ở ta. Khi câu chuyện “bắt lỗi” từ điển của cố GS Nguyễn Lân nổ ra, không ít người đã buông lời chỉ trích nặng nề và phủ nhận toàn bộ giá trị tác phẩm của người đã khuất. Đó cũng là một cách tiếp nhận vấn đề cực đoan, kém văn minh. Nên nhớ, chính bản thân cố giáo sư đã từng nhận: “Tôi đã 95 tuổi, một mình soạn quyển từ điển dày 2.111 trang ấy, tất nhiên không thể hoàn hảo được”.