Đêm nhạc chia hai phần. Phần âm hưởng dân gian với Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Nghe biển ru đêm… nhiều người không lạ. Nhưng mảng nhạc nhẹ, thậm chí rock với Vầng mây bất hạnh, Tình khúc bốn mùa… chắc sẽ gây ngạc nhiên. Với Nguyễn Trọng Tạo, viết thơ là để (sống) chết, viết nhạc là để chơi. Nên nhiều bài hát phát hành ở các cuộc rượu chán chê rồi ông mới gửi phát thanh truyền hình dàn dựng.
Như bài Non nước Cao Bằng bắt nguồn từ kỷ niệm 1979 ông cùng nhà văn Chu Lai đeo ba lô ngược những đoàn người chạy giặc, lên biên giới phía Bắc. Đến thị xã Cao Bằng, hai người đi hai hướng. Nguyễn Trọng Tạo được một nữ cán bộ tỉnh đoàn dẫn đường. Trong hoàn cảnh sống chết như thế, tất nhiên tình cảm quân dân rất thắm thiết. 25 năm sau gặp lại cố nhân tại Cao Bằng.
Chị ôm anh khóc, lúc đó anh mới mủi lòng… Trên xe đi về lẩm nhẩm những câu đầu tiên của Non nước Cao Bằng: “Nhớ quả mời của cây/ Nhớ rượu mời của lá…” Bài hát lưu hành bên chén rượu 5 năm mới được gửi đến VTV. Trống hội cổng làng cũng mất 4 năm “thử rượu” như thế.
Làng quan họ quê tôi có thể nói là bài nổi tiếng nhất của Nguyễn Trọng Tạo. Khi viết, Nguyễn Trọng Tạo chưa đến làng quan họ nào, cũng chưa nghe người quan họ hát trực tiếp. “Tôi thích quan họ. Đặc biệt thấy các cô quan họ hát cứ lúng la lúng liếng, đẹp, độc đáo. Xem phim Đến hẹn lại lên về xúc động, âm nhạc cứ vang trong đầu. Còn bài hát là do ông Hách đề nghị phổ chứ có ngẫu hứng gì đâu…”.
Nguyễn Trọng Tạo đọc bài thơ của Nguyễn Phan Hách vài lần nhưng chưa có cảm hứng gì. Ông nhét bài thơ vào túi áo. Đến khi mang áo ra giặt, lôi bài thơ ra khỏi chậu, đọc tự dưng lại cảm xúc. Bèn bỏ áo ở giếng vào viết bài hát. “Thời ấy ở Láng Hạ, trọ nhà dân”, anh kể. “16 năm sau mới đến Bắc Ninh. Bài hát về sau được tỉnh Bắc Ninh trao thưởng, tiền giải chia đôi cho Hách”. Riêng Lê Huy Mậu- tác giả phần lời Khúc hát sông quê được nhạc sĩ cho hưởng 100% tiền tác quyền ở thị trường phía Nam.
Nhiều lần Nguyễn Trọng Tạo được Bắc Ninh đặt hàng nhưng ông từ chối vì sợ không viết được bài bằng thế. Làng quan họ quê tôi được Dàn nhạc Leipzig trình tấu trong tuần Văn hóa Việt Nam tại Đức. Việc lựa chọn do hai Nhà nước làm việc với nhau, tác giả không được thông báo. Nguyễn Trọng Tạo biết do có người bạn khi đó làm đội trưởng đội lao động Việt Nam ở Đức được mời dự.
“Nghe bài của ông, tôi tự hào quá. Cùng bộ đội với nhau mà bây giờ ông oai thế,” bạn gọi về khoe. Bài hát được hãng JVC của Nhật đưa vào băng karaoke 100 bài hát Việt Nam, gồm cả mấy bài dân ca. Băng này sử dụng trong trường tiểu học để trẻ con Nhật biết cách phân biệt nhạc các nước. “Nếu để bên Nhật trả tác quyền thì tôi được 3.000USD. Nhưng nhà nước ta nhận trả nên tôi được 3 triệu đồng,” tác giả cho hay.
Với Khúc hát sông quê, đến nước nào, tác giả cũng được đồng bào mến mộ tranh nhau chiêu đãi. Có người sẵn sàng mời về ở nhà ở cả tháng. “Khán giả cho nhiều lắm, đến giao lưu cứ tự giác bỏ tiền vào hòm của BTC. Một cuộc như thế có khi được mấy nghìn Euro”. “Có lần tay nhạc sĩ Thụy Điển sang thăm Hội Nhạc sĩ, các vị giới thiệu tôi, đây vừa nhà thơ, nhạc sĩ có 2 bài nổi tiếng mấy chục năm. Anh kia nói, nếu ở nước tôi mà tôi có 2 bài nổi tiếng như anh thì tôi chỉ việc mua biệt thự xe hơi rồi du lịch thế giới thôi”, Nguyễn Trọng Tạo kể.
Nguyễn Trọng Tạo không phổ thơ của chính mình. Một là ông dùng thơ người khác, hai là đặt lời mới hoàn toàn. Ông lý giải: “Trong thơ đã có nhạc rồi. Giờ mình đem thơ mình ra phổ thấy nó nhàm lắm. Vì quen cái nhạc trong đấy rồi, không có cảm xúc gì mới nữa. Nhưng nếu một nhạc sĩ khác đọc được bài thơ họ lại có một rung cảm âm nhạc mới để đi với lời ca đấy. Mình đọc thơ người khác cũng thế…”.
Hai khách mời có bài trong đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo là Phú Quang- tham gia với tư cách ca sĩ hát Một dại khờ một tôi, và Giáng Son. Phú Quang cùng Ngọc Đại được Nguyễn Trọng Tạo đánh giá cao trong tổng số 6 nhà thơ đã phổ bài thơ Chia. Nếu Phú Quang bỏ hai câu đầu: “Tôi còn cái xác không hồn/ Cái chai không rượu/ Tôi còn vỏ chai” thì Ngọc Đại vẫn giữ nguyên tinh thần trào lộng đó, cho ra một bài tưng tửng khác hẳn kiểu trữ tình của Phú Quang. Tuy nhiên Ngọc Đại chỉ khoe Tạo bản nhạc rồi lại cất đi, cũng chả buồn mang bài ra dựng.
Nguyên văn Cỏ và mưa mà tác giả gọi là “thơ sex” chỉ vài câu: “Em cỏ khát ta mưa rào đầu hạ/ Cỏ uống mưa run rẩy cỏ đương thì/ Mưa rào đến rồi đi cỏ xanh niềm ngơ ngác/ Ta tạm biệt em lớ ngớ chẳng hẹn gì”. Giáng Son hứng chí đem phổ 3 câu đầu, còn một đoạn nhạc dài phía sau không lời đem đến bắt đền Trọng Tạo. Vì thế phần điệp khúc của bài như hiện nay chính là nhạc Son được Tạo phổ thơ.
“Làm nhạc buồn cười lắm. Có anh cứ coi là đại gia đi, thỉnh thoảng cứ: “Anh Tạo ơi, đến em có việc tí’. Đến chả có việc gì, thấy bày rượu các thứ, quân lính hầu hạ. Về đưa phong bì 10 triệu với chai rượu loại đắt tiền. Lâu lâu gọi đến lại làm đúng như thế. Lần thứ ba tôi mới hỏi: “Ý chú là định cái gì, chứ cứ mời anh lần nào cũng thế này ngại quá”. “Anh làm em bài hát đi!”. Tức là không dám nói từ đầu. Về làm bài hát đưa cho nó rồi thu thanh hắn thích lắm. Hắn mời toàn mấy ông quan chức cao cấp, và điện vào trong Hương Sơn từ hôm trước chở ra một con lợn rừng để đánh tiết canh. Tiết canh lợn rừng là hên, son. Mời các ông để có gì đâu, giới thiệu anh Tạo hát bài anh mới viết. Xong hắn lại đưa cho chai rượu và một cái phong bì. Về mình thấy 10 nghìn đô. Hỏi, chú có đưa nhầm không. Hắn bảo, nhiều người viết bài hát cho công ty của em rồi nhưng anh là đặc biệt. Thực ra bài hát dở lắm. (cười) Các nhạc sĩ viết theo đặt hàng thường chỉ được vài ba chục triệu, 5 chục là cùng... Bây giờ mình vẫn cứ có cảm giác mắc nợ. Về sau hắn mời có dám đi đâu”.
Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo