Đinh Hoài Xuân 'điên' với cello

Đinh Hoài Xuân tự đứng ra tổ chức chuỗi hòa nhạc quốc tế tôn vinh tiếng đàn cello.
Đinh Hoài Xuân tự đứng ra tổ chức chuỗi hòa nhạc quốc tế tôn vinh tiếng đàn cello.
TP - Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân được biết tới với các dự án nhạc nhẹ hóa cello trong đó hoành tráng nhất phải kể MV Hướng về Hà Nội biến ca khúc của Hoàng Dương thành một dạng giao hưởng hợp xướng. Dự án mới nhất của Xuân là chuỗi hòa nhạc quốc tế Cello Fundamento, với tham vọng làm khởi sắc tiếng trung hồ cầm tại Việt Nam.

Đinh Hoài Xuân có thể không phải người trẻ chơi cello hay nhất Việt Nam nhưng chắc không ai nổi tiếng hơn cô lúc này. Với 2 MV công phu nhạc Trịnh Sóng về đâu và bán cổ điển Hướng về Hà Nội, Hoài Xuân bắt đầu có chỗ đứng trong thị trường. Nên nhiều người tỏ vẻ ái ngại khi biết cô bỏ hết để đi Rumani học tiến sĩ.

Không ai biết đó là chiến lược của Xuân. “Từ đầu, tôi đã muốn trở thành nghệ sĩ cổ điển. Nhưng do môi trường, thị hiếu của khán giả, tôi mới đi đường vòng... Tôi vẫn phải cố gắng học đến cùng để đạt trình độ nhất định.”

Đó có lẽ là điều làm nên sự khác biệt của Xuân so với nhiều bạn cùng trang lứa. Cô thú nhận ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, tuy học khá nhưng cô cũng chỉ ở top 5. Mà học bổng chỉ tìm đến với vị trí nhất nhì. Biết thế nên Xuân tự thân vận động là chính. Cô bắt đầu với những khóa học ngắn ở Pháp, Đức, rèn luyện ngoại ngữ và chinh phục thị trường trong nước.

Xuân kể khi bắt tay thực hiện MV Hướng về Hà Nội trong túi có 4 triệu, sau mươi tháng cô đã huy động đủ 1 tỷ. Đủ để ê-kip 130 người (hơn 80 trong đó là thành viên dàn nhạc và dàn hợp xướng) hoàn thành MV chất lượng 4K ra mắt tại rạp phim. Về sau, chính nhờ sản phẩm “ăn chơi” này mà Xuân vượt qua 3 ứng viên nước ngoài rất nặng ký để có được Học bổng toàn phần Tiến sĩ biểu diễn tại Rumani. Vì Hội đồng duyệt đánh giá cao tính xã hội của Hướng về Hà Nội.

Hoài Xuân cho hay, để đáp ứng được yêu cầu của khóa học, cô phải làm việc 6-11h mỗi ngày. Một phần vì say mê cello, phần vì “quốc sỉ”, muốn giữ hình ảnh du học sinh Việt Nam. Riêng tập đàn mỗi ngày ít nhất 4 tiếng, chuẩn bị biểu diễn thì 8 tiếng. Chơi đến trầy cả đầu ngón tay. “Nhiều khi 8 tiếng trôi qua như một tiếng, càng tập càng mê”, Xuân kể. “Cello về trong cả giấc mơ...”. Bà giáo thấy Xuân bị ám ảnh quá phải bảo cô nghỉ học đàn một tháng. Cô bộc bạch: “Tôi không hề thấy vất vả, mệt mỏi. Mà ngược lại, hạnh phúc được sống đúng những gì mình mơ ước. Chỉ có ăn, học và diễn. Hàng tháng học bổng tự về tài khoản. Ngày ở Việt Nam phải vừa đi dạy, vừa chạy sô kiếm tiền...”.

Tất nhiên người Hà Nội không mấy ai cho con học cello nên Xuân dạy piano. Cô có 6 năm học organ và piano tại Nhạc viện Huế. Sau đó trường nâng cấp thành Học viện Âm nhạc, bổ sung ngành cello. Vừa nhìn thấy cây đàn, Xuân đã thấy đẹp, nghe tiếng trầm ấm nữa, kết luôn. “Người Việt còn ít biết đến cello, trong khi trên thế giới thậm chí nó còn được yêu thích hơn những nhạc cụ khác vì âm sắc trầm đặc biệt”, Xuân nói. Cô hy vọng với sự tác động của Cello Fundamento, 5-10 năm nữa sẽ xuất hiện thêm nhiều nhân tài cello. Và một ngày không xa, Việt Nam sẽ có giải cello quốc tế...

Sau hơn hai năm phải nói là điên cuồng tập luyện và đi diễn ở Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Hy Lạp, Xuân nay đã khác xưa. Ngoài việc có thể nhắm mắt chơi tác phẩm từ đầu đến cuối, cô còn thêm phần bản lĩnh. “Ngày xưa trước khi biểu diễn không tránh khỏi chút lo lắng. Giờ sắp đến buổi hòa nhạc quan trọng tại Nhà hát Lớn mà tôi không mảy may lo lắng gì cả,” Xuân cho biết.

Cũng có thể do cô còn đang mải lo kiếm đủ 2 tỷ để trang trải cho buổi hòa nhạc 30/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là kỳ thứ hai và cũng là buổi ra mắt chính thức của chuỗi hòa nhạc Cello Fundamento do Xuân sáng lập và tổ chức. Năm ngoái, cô tự lo cho 4 nghệ sĩ Rumani lưu diễn tại 3 học viện âm nhạc của Việt Nam. Năm nay chương trình có sự tham dự của 9 nghệ sĩ cello, vilon, piano, clarinet đến từ Mỹ, Đức Áo, New Zealand, Rumani, Ucraina... Họ đều đoạt giải cao tại nhiều cuộc thi quốc tế và đều là solist của những dàn nhạc lớn, trong đó có thầy giáo của Xuân.

Ngoài việc muốn truyền tình yêu cello cho khán giả, đêm nhạc cũng đem lại những số liệu khảo sát phục vụ cho việc học tiến sĩ của Xuân. Năm sau, cô dự tính sẽ đem cả 80 nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng Rumani về Việt Nam trình diễn tốt nghiệp luôn.

Xuân cam kết tổ chức các chương trình Cello Fundamento “đến hết đời”. “Tôi xác định cống hiến cả đời cho cello, nghiêm túc. Nhiều phụ nữ còn phải cân bằng giữa gia đình, con cái và công việc, mưu sinh. Nhưng tôi chỉ muốn tập trung cho cello. Cello Fundamento như đứa con tinh thần của tôi. Tôi muốn khi mình nhắm mắt xuôi tay, chương trình vẫn tiếp tục lan tỏa với chất lượng tốt”.

Chương trình có mức vé rẻ nhất 1 triệu, đắt nhất tới 10 triệu. Số tiền bán vé hạng kim cương này dành để xây trường học trên vùng cao. Số tiền bán các hạng vé còn lại chia đôi. Một nửa thuộc công ty tổ chức. Nửa thuộc về Xuân sẽ được tặng cho quỹ Cơm Có Thịt. “Tôi đi học đã có học bổng nên cũng không có nhu cầu gì cho bản thân”, Xuân nói. “Tôi chỉ muốn chương trình có ý nghĩa và tương lai tốt đẹp về lâu dài”.

Xuân kể, hiện vẫn chưa có nhà lẫn xe vì còn bận rộn với cello. Cũng từng có người cho nhà, nhưng Xuân không yêu nên không lấy. Vì yêu Xuân nghĩa là phải yêu luôn cây cello. Tuy nhiên cô hé lộ: “Hiện tại, tôi gặp được bạn đồng hành, khuyến khích con đường tôi đi. Tôi đang thấy rất ổn”. Cô cho biết thêm bạn trai là người Việt ở nước ngoài, chính anh đã động viên cô tổ chức Cello Fundamento.

MỚI - NÓNG