NSND Hoàng Dũng: Trong gia đình có là “ông trùm”?

Nghệ sĩ Hồng Đăng, Hoàng Dũng, Việt Anh trong phim “Người phán xử”. Ảnh: TL.
Nghệ sĩ Hồng Đăng, Hoàng Dũng, Việt Anh trong phim “Người phán xử”. Ảnh: TL.
Vào vai ông trùm của giới xã hội đen nhưng với vai trò là ông bố của gia đình Phan Thị trong bộ phim “Người phán xử”, NSND Hoàng Dũng nói, anh không diễn mà hoàn toàn “bê” cách ứng xử ngoài đời vào phim. Chính vì vậy mà trong mắt các con, NSND Hoàng Dũng luôn tạo dựng được cái uy, sự tin cậy…

Tiếc cho Việt Anh

Giải VTV Awards năm nay đang trở nên rất gay cấn và thú vị khi có rất nhiều bộ phim được đề cử nhưng cuối cùng lại chỉ rơi vào hai bộ phim “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”. Ở hạng mục “Nam diễn viên ấn tượng”, nếu bình chọn thì anh sẽ chọn ai?

- Tôi sẽ chọn Trung Anh cho vai Lương Bổng, vì đây là vai diễn rất khó. Với khán giả, họ yêu Trung Anh chỉ đơn thuần về mặt cảm xúc, thấy hay, thấy diễn đạt thì thích thôi. Nhưng người trong nghề thì sẽ nhìn sâu hơn, kỹ lưỡng hơn về mặt chuyên môn, cách thức khai thác tâm lý nhân vật của diễn viên so với kịch bản ra sao. Thực ra, đất diễn của vai Lương Bổng trong phim “Người phán xử” rất ít, vậy mà Trung Anh làm được như vậy thì phải là người vô cùng giỏi nghề. Nhân vật của tôi cũng có cái khó riêng nhưng là vì nó có nhiều đất diễn. Hay vai Phan Hải của Việt Anh cũng vậy, có nhiều yếu tố để khai thác. Vai Lương Bổng nếu không có sự tìm tòi, tinh tế… rất dễ trở thành cái bóng bên cạnh ông trùm Phan Quân. Chính vì lẽ đó mà Trung Anh được đánh giá rất cao. Nói một cách không chủ quan rằng, nếu vai Phan Quân của tôi mà là người khác diễn thì Trung Anh sẽ còn nổi hơn nữa. Khán giả sẽ bị hút vào Trung Anh nhiều hơn.

Nhưng tại sao khi kêu gọi bình chọn từ khán giả, anh lại khuyên nên dành cho các nghệ sĩ trẻ?

- Là vì chúng tôi đã có sự ghi nhận của khán giả sau nhiều năm làm nghề, đã có không ít giải thưởng rồi. Các bạn trẻ họ cần có động lực, cần có dấu ấn để nuôi dưỡng đam mê và phấn đấu nhiều hơn nữa. Lẽ hẳn nhiên, nếu không có thì họ vẫn sẽ yêu thôi, nhưng rõ ràng khi được tôn vinh đúng lúc họ đang có nhiệt huyết nhất thì sẽ tạo thành bệ phóng rất mạnh mẽ. Khi chúng ta ở giây phút xuất thần nhất thì sự sáng tạo và hiệu suất sẽ cao hơn. Như Việt Anh chẳng hạn, từ vai diễn trong phim “Chạy án” mà từ tay ngang, anh đã trở thành một diễn viên tài năng, luôn để lại dấu ấn riêng cho từng vai diễn.

Nhưng danh sách cập nhật ở thời điểm hiện tại chỉ có tên của Kang Tae Oh (phim “Tuổi thanh xuân 2” - PV), Bảo Anh (vai Bảo Ngậu), Hồng Đăng (vai Lê Thành), NSƯT Trung Anh (vai Lương Bổng) và anh (vai Phan Quân) mà không có Việt Anh (vai Phan Hải). Anh nghĩ sao về vai diễn này của Việt Anh?

- Tôi thấy tiếc, vì Phan Hải là một nhân vật hay mà. Việt Anh đã diễn xuất đầy sáng tạo để ra chất con trai một ông trùm luôn khoa trương uy thế và bộc lộ tham vọng làm bá chủ trong giới xã hội đen. Lúc đầu, khán giả cũng chê trách Việt Anh nhiều lắm, nhưng rồi dần dần Việt Anh đã thay đổi “cục diện” và chiếm trọn tình cảm của khán giả với vai diễn này.

Không giáo dục con bằng mệnh lệnh

Việc anh đang dẫn đầu trong danh sách bình chọn ở hạng mục Nam diễn viên ấn tượng cho thấy sự thành công của anh trong vai Phan Quân. Tuy nhiên, có một điểm mà khán giả rất khó chấp nhận ở cách diễn của anh là, tại sao, một ông trùm đầy uy lực ngoài xã hội nhưng với ông con lại không ít lần bộc lộ sự nhu nhược, dễ dãi với sự hỗn hào của con trai?

- Các cụ có câu “Dao sắc không gọt được chuôi” mà. Các bạn cũng thế thôi, kể cả ngoài đời “hét ra lửa” nhưng về nhà, nếu chẳng may có nhỡ quát mắng con một câu đã ân hận cả tháng trời rồi. Cách hành xử của Phan Hải với bố, người ngoài có thể thấy ở đó sự hỗn hào nhưng trong thế giới của Phan Quân, xung quanh ông ta đều là những người có “máu mặt”, hung hãn, ăn nói bốp chát và lỗ mãng. Người ta chỉ bất bình khi những gì họ thấy là đi ngược với xung quanh mình, còn nếu nó giống thì họ sẽ thấy bình thường mà.

Còn một phần nữa, Phan Hải chính là phản ánh thời trẻ của Phan Quân. Làm ông trùm mà không có sự hung tợn, dữ dằn thì khó tạo được sự khiếp sợ cho người khác. Anh không bắt nạt họ thì sẽ bị họ bắt nạt lại thôi. Nếu cứ hành xử như Phan Quân bây giờ thì không thể làm nên cái uy của ông trùm được. Cứ nhìn Lê Thành sẽ thấy, rất thông minh, điềm đạo, đa mưu túc trí nhưng lại không khiến người ta sợ hãi. Trong giới xã hội đen, người nào tạo ra sự sợ hãi cho người khác thì người đó sẽ có sức mạnh. Trong phim, đã có lúc Phan Quân thừa nhận, “có những cái tôi không thay được Phan Hải” là vì vậy. Dám nghĩ rồi nhưng phải dám làm nữa.

Đó là trong phim. Còn ngoài đời, đã có khi nào anh phải bắt gặp hình ảnh của Phan Hải ở các con mình?

- Con tôi không giống Phan Hải, kể cả khoảnh khắc bồng bột nào đó thì cũng không hành xử như vậy với bố. Vì tôi không giáo dục con bằng mệnh lệnh, quyền uy của một người cha. Trong phim, tôi mang rất nhiều tính cách của ông bố ngoài đời vào vai Phan Quân. Với con, tôi luôn nói như vậy, nhẹ nhàng nhưng chắc chắn. Nhiều khi con trai đi chơi khuya, xin phép bố đi đến 11h đêm, nhưng nhìn đồng hồ 11h30 mà chưa thấy con về thì tôi sẽ gọi điện và chỉ nói rất nhẹ nhàng là “về”. Sau đó tôi tắt máy luôn chứ không cho cơ hội nói lý do, vì nếu có thì con đã gọi điện thông báo từ trước rồi. Hiểu tính bố nên chỉ 15-20 phút sau là con đã có mặt ở nhà. Có lần con về nhà rồi, xin phép và nói rõ lý do, tôi thấy hợp lý thì lại cho đi. Mình đặt ra những nguyên tắc nhưng phải có sự ứng xử linh hoạt, không cứng nhắc thì con cái mới phục. 

Điều gì ở anh khiến các con thấy khâm phục nhất?

- Tôi nghĩ là tình yêu. Điều đầu tiên là mình phải yêu các con đã. Tuy nhiên, trong cuộc sống, các con tôi chưa bao giờ nói ra rằng “Con khâm phục bố lắm” mà tất cả là sự cảm nhận và thể hiện bằng hành động.

Cảm ơn NSND Hoàng Dũng!

Nói về việc, nếu phim “Người phán xử” có phiên bản điện ảnh, NSND Hoàng Dũng chia sẻ: “Tôi thấy sự thuận lợi nhiều hơn vì khán giả đã hiểu về phim, về nhân vật nên khi sang cách kể của điện ảnh, đạo diễn sẽ không phải tái hiện lại thế nào là Phan Quân, thế nào là Lê Thành nữa... Thay vào đó, sẽ là cách khai thác khác đi vào chiều sâu của nội dung và tính cách nhân vật. Hiệu ứng của phim cũng dễ dàng được tạo lập hơn. Nhưng với điều kiện là khung diễn viên phải được giữ nguyên, ít nhất là ở tuyến nhân vật chính. Nếu thay thế hết vai bằng diễn viên khác thì có thể họ vẫn làm tốt, hoặc tốt hơn nhưng khán giả sẽ bị hụt hẫng. Các diễn viên cũ đang sống với nhân vật rồi thì sang phiên bản điện ảnh, chắc chắn họ sẽ hiểu nhanh hơn là để người mới thay thế.

Theo Theo Gia đình & Xã hội
MỚI - NÓNG