Với cặp nhân vật Phan Quân- Phan Hải trong phim “Người phán xử”, nhiều người thắc mắc sao “hổ phụ không sinh hổ tử”?
Các bạn thấy hình ảnh của Phan Hải bây giờ không giống với hình ảnh của ông Phan Quân, đúng không? Và thấy hai bố con rất xung khắc. Thế nhưng tôi nghĩ thế này, Phan Hải là hình ảnh thời trẻ của ông Phan Quân. Phan Quân ngày xưa tôi nghĩ cũng thế. Cũng nông nổi, cũng bạo liệt, cũng như vậy. Nếu như không có Phan Hải như thế thì không có một Phan Quân điềm đạm bây giờ và không bao giờ trở thành ông trùm của một thế giới ngầm.
Và phải như thế. Đôi khi cái sự quyết liệt, gay gắt của Phan Hải, tức Phan Quân ngày xưa thì mới biến Phan Quân thành người đứng đầu. Thế rồi những va đập của cuộc đời dạy cho Phan Quân một bài học và Phan Quân muốn rằng, con mình không bị vấp như mình ngày xưa nữa. Ông muốn con ông thay đổi nhưng điều đó thì cần thời gian.
Theo ông vì sao khán giả yêu mến cặp đôi Phan Quân- Lương Bổng?
Vì sao người ta yêu quý Lương Bổng, là vì trong khi đối thoại, khi sống với nhau người ta không thấy đấy là xã hội đen. Và cặp đôi này cho người ta niềm tin tuyệt đối. Khi xem phim, yêu nhân vật nào rồi thì khán giả rất hay lo lắng rằng nhân vật đó có bị làm sao không? Người ta yêu Lương Bổng vì Lương Bổng cho họ niềm tin tuyệt đối không bao giờ phản bội Phan Quân. Đó là điểm mạnh về mặt tình cảm, nhất là trong thế giới ngầm. Điểm mạnh ấy nó hơn bất cứ loại vũ khí nào. Tôi cho rằng nó là nghĩa khí giang hồ, mà trong thế giới ngầm thì họ tôn trọng nghĩa khí này vô cùng.
Trong phim thì Lương Bổng và Phan Quân rất gắn bó, thân thiết. Còn ngoài đời thì sao, thưa ông?
Ngoài đời cũng thế thôi. Có vấn đề gì mà không hài lòng thì cũng “tạt” thôi! (Cười).
Phải nói thêm rằng, việc chúng tôi thân thiết ở ngoài đời là một lợi thế khi diễn xuất. Bởi chỉ cần nghe cách thoại là chúng tôi hiểu nhau được rồi, tương tác với nhau để diễn đoạn đó như thế nào. Chúng tôi không sợ bị thiếu kiểm soát hay sợ để lộ ra nét diễn hay chi tiết nào đó gây phản cảm. Đôi khi chỉ một ánh mắt không đúng chỗ cũng gây thắc mắc cho khán giả.
Tôi nói thật, Trung Anh đã làm được điều mà không phải diễn viên nào cũng làm được. Tôi đánh giá nhân vật của Trung Anh rất khó nhưng lại rất hay. Tức là lời ít, đất diễn không nhiều, toàn bên trong, xung đột bên ngoài không nhiều nhưng Trung Anh đã làm cho người ta tin, làm cho người ta yêu. Như thế mới là khó. Tôi cứ nghĩ nếu như đổi vai, tôi không làm được vai đó đâu. Vì sự nông nổi và vội vàng của tôi.
Trong mắt Phan Quân, Phan Hải là người thế nào?
Trong suy nghĩ của Phan Quân, Phan Hải rất ngu, rất dại. Đôi khi có rất nhiều cách thể hiện sự quan tâm, yêu thương đến con nhưng với thằng này là phải chửi, chửi thật mạnh vào. Thế nên tất cả mọi điều ông Phan Quân lo lắng cho con để nó không vấp vào những sai lầm mà ông ấy từng trải qua nên mọi câu thoại đều như muốn găm vào đầu nó, chốt vào đầu nó để cho nó phải hiểu ra. Như các bạn thấy, khán giả yêu mến Phan Quân vì sự bản lĩnh, nhẹ nhàng của ông trùm. Nhưng với Phan Hải thì gần như không có sự bản lĩnh đấy. Bản lĩnh đấy mất đi chứng tỏ ông Phan Quân không yên tâm gì về thằng con này, bất lực về thằng con này. Rõ ràng đó là điểm yếu của Phan Quân với Phan Hải. Lúc nào Phan Quân cũng phải gào lên với Phan Hải, quản lý Phan Hải không khác gì với một đứa trẻ con. Tôi cho rằng đó cũng là một trong những sắc thái khá hay, tạo nên những điểm khác trong diễn xuất ở nhân vật Phan Quân.
Được biết, trong lúc quay “Người phán xử” có cảnh ông bị ám sát và phải nằm ngoài trời mưa lạnh. Không biết lúc đó có mưa lạnh không và về ông có bị ốm không?
Thực ra hôm đó không ốm nhưng mấy hôm sau thì ốm và lạnh thì lạnh thật. Chúng tôi đi quay phim thì oái oăm lắm. Hôm trời lạnh thì mặc áo mùa hè, hôm mùa hè thì mặc áo mùa đông. Những chuyện như thế không chỉ riêng chúng tôi đâu, đoàn phim nào cũng vấp phải. Thế nhưng, nói thật là một bộ phim dài quá, quay trong điều kiện thời tiết khốc liệt quá, mình cũng già rồi nhiều lúc oải lắm. Có những lúc chỉ mong: nhắm mắt vào mở mắt ra, xong phim. Đấy, nhiều lúc mệt! Lắm hôm tự lái ô tô đi quay về, tôi phải đỗ lại để chợp mắt một lúc. Đôi khi chỉ nhoằng một cái nhưng rất nguy hiểm.
Hôm nọ đi quay bổ sung tôi có nhìn cậu phụ trách ánh sáng, tôi còn đùa: “Cái cậu này, đang làm việc ai cho phép cậu đi tắm?”. Người cậu ấy ướt không còn chỗ nào nữa vì mồ hôi. Bạn chỉ cần nhìn thấy người ta thôi, bạn đã thấy nóng như thế nào rồi. Tôi không cần tả nữa.
Đấy, đôi khi ở cái tuổi này rồi, yêu nghề, nhìn người ta diễn say sưa là một chuyện nhưng những lúc nghỉ thì phải nói là oải thật. Tôi nếm trải nhiều rồi mà những lúc như vậy cũng không chịu được.
Theo ông, điều gì khiến nhân vật Phan Quân có được tình cảm của người hâm mộ dù là trùm tội phạm?
Trước hết, Phan Quân có lẽ là nhân vật đầu tiên trên màn ảnh Việt được khai thác đời sống tâm lý kỹ hơn, sâu hơn phần con người của một tội phạm. Trước đây các nhân vật chỉ khai thác về mặt tội ác, phần con người thiếu.
Như chúng ta thấy, ngay cả những người điên rồ, chém giết, cướp bóc thì họ đều có mục đích của họ. Khai thác Phan Quân đa chiều như vậy để chúng ta có cách nhìn về nhân vật tội phạm đúng hơn. Ở nhân vật Phan Quân, cả những người dân hiền lành lương thiện cho đến những người "xã hội" đều có sự đồng cảm với nhân vật này.
Ngay từ tập đầu, thì câu nói "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất" của Phan Quân được xem như là tuyên ngôn của nhân vật này. Nó đánh vào tâm lý, sự đồng cảm của khán giả khởi điểm từ câu nói đó.
Cả đời lăn lộn, hi sinh chỉ vì gia đình. Câu nói đó rất hay và rất Việt Nam. Nó thể hiện đúng văn hóa tâm linh, văn hóa cội nguồn: Gia đình là trên hết. Tuyên ngôn đó ngay từ đầu đã giúp Phan Quân "đánh gục" khán giả.
Đôi khi người ta giành giật miếng ăn về chỉ để cho vợ, cho con họ. Tôi cho đặc điểm đó khiến nhiều người thích nhân vật Phan Quân.
Bên cạnh đó, ở nhân vật Phan Quân có nhiều nét mà một người đàn ông cần, muốn có và mong có. Là gì? Đó là sự bình tĩnh, thông minh, can đảm, cứng rắn. Nhưng một điều nữa, khán giả thấy thích ở nhân vật này chính là vì Phan Quân là người sống tình cảm.
Ở ngoài đời, ông có hay phải "phán xử" các cuộc tranh cãi giữa các nhân viên, giữa hai người con, giữa bạn bè đồng nghiệp?
Việc "phán xử" của tôi giờ bớt đi rất nhiều vì từ đầu năm nay, tôi đã nghỉ hưu, không còn công tác ở cơ quan. Chính vì vậy, họp hành, nhận xét, kiểm điểm hay nói như bạn là "phán xử" bớt đi rất nhiều.
Hiện tôi chỉ "phán xử" việc ở nhà. Nhưng ở nhà, mọi người cũng chỉ gặp nhau buổi tối, thời gian nói chuyện còn ít nên không có nhiều cơ hội "phán xử". Nói vui nhưng thật, ở nhà tôi chơi với chó và "phán xử" hai con mèo.
Từ "phán xử" nghe cũng mạnh mẽ nhưng theo quan điểm của tôi, nếu như phải "phán xử" thì nên làm theo cách đơn giản, không cần nói to.
Mọi người thắc mắc là tại sao trong phim có những đoạn to tiếng với Phan Hải. Tôi trả lời là tôi nói to vì tôi đã bất lực.
Tôi thường chọn cách nói nhẹ nhàng, gọn nhẹ. Đó là nét tính cách đời thường của tôi và tôi mang vào trong nhân vật Phan Quân ở "Người phán xử".
Nhiều người cho rằng cảnh bạo lực trên phim ảnh có một phần tác động đến lối sống bạo lực trong xã hội hiện nay. Quan điểm của nghệ sỹ về vấn đề này như thế nào?
Phim xã hội đen không thể tránh được cảnh đánh đấm. Các bạn đang nâng cao quan điểm quá. Những phim nước ngoài xuất hiện những cảnh máu me, chém giết thì các bạn cho rằng nó bình thường. Ngoài đời như bạn biết rồi, bạo lực nó không ở mức như vậy. Cảnh bạo lực trong phim các bạn hiểu là chúng tôi đánh giả, nó còn là yếu tố nghệ thuật, hấp dẫn khán giả nữa. Phim là giả. Có ai đổ máu đâu. Chúng tôi khoe kĩ thuật đấy chứ. Tất cả những cảnh phim giả và chúng tôi làm nó giống thôi. Nói kích động thì không chính xác.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, người lớn chúng ta đủ hiểu, ở tuổi nào cho các cháu xem phim như thế nào. Nếu chúng ta không nói trên phim thì cuộc đời cũng diễn ra như vậy. Phim ảnh cũng là phản ánh cuộc sống nhưng có mục đích là cải tạo cuộc sống.