Nhà xuất bản Hội Nhà văn tạm dừng hoạt động: Vì sao?

Cán bộ, công nhân viên NXB Hội Nhà văn vừa vui mừng gặp gỡ đầu năm mới đã vội buồn vì tạm ngưng hoạt động.
Cán bộ, công nhân viên NXB Hội Nhà văn vừa vui mừng gặp gỡ đầu năm mới đã vội buồn vì tạm ngưng hoạt động.
TP - Dư luận râm ran: Nhà xuất bản Hội Nhà văn tạm ngưng hoạt động đã nửa tháng nay. Thật khó tin khi cơ quan chủ quản của đơn vị này vừa tưng bừng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Nhưng chuyện thật như đùa, chỉ vì gần một năm trôi qua, “con thuyền” chuyên chở sách văn chương vẫn loay hoay chẳng tìm ra “vị thuyền trưởng” mới. 

Cuộc về hưu gây ồn ào của ông Phạm Trung Đỉnh (tức nhà văn Trung Trung Đỉnh) trôi qua đến nay đã ngót một năm, ghế giám đốc NXB Hội Nhà văn vẫn trống. Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đồng ý đề xuất của Hội Nhà văn Việt Nam (cơ quan chủ quản của NXB Hội Nhà văn) để nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Giám đốc NXB tạm thời làm Phó giám đốc phụ trách, xử lí những công việc của ông Trung Trung Đỉnh trước đây. Nhưng đến nay, giải pháp tạm thời của Hội Nhà văn đã hết hiệu lực ở Cục xuất bản từ ngày 31 tháng 3 vừa qua. NXB Hội Nhà văn tạm ngừng hoạt động, bởi không có giám đốc, tức là thiếu người chịu trách nhiệm xuất bản theo luật.

Thiếu minh bạch như Hội nhà văn Việt Nam?

Phóng viên Tiền Phong Chủ nhật có cuộc trao đổi với ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản, In và phát hành. Cởi mở và thẳng thắn, ông Chu Hòa xác nhận: Hội Nhà văn Việt Nam vừa gửi công văn lên Cục Xuất bản xin gia hạn cho ông Trần Quang Quý tiếp tục những công việc của người đứng đầu NXB thêm 3 tháng nữa. Tức là loay hoay gần một năm trời, Hội Nhà văn vẫn không tìm được người thay thế ông Đỉnh.

Theo một cán bộ có trách nhiệm ở NXB Hội Nhà văn: Ông Phạm Trung Đỉnh về hưu từ ngày 1/10/2016. Trước đó Hội Nhà văn Việt Nam đã ủy quyền cho ông Trần Quang Quý, Phó Giám đốc phụ trách NXB từ ngày 1/9/2016. Hội Nhà văn cũng đã làm công văn gửi Cục Xuất bản về việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo NXB Hội Nhà văn. Sau khi nhận được công văn của Hội Nhà văn Việt Nam, Cục Xuất bản đã hồi đáp với câu hỏi: Tại sao Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tạm thời giao ông Trần Quang Quý, Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn phụ trách Nhà xuất bản kể từ ngày 1/9/2016 nhưng không nêu rõ thời hạn phụ trách và đề nghị Hội Nhà Văn Việt Nam thực hiện việc thỏa thuận bổ nhiệm ông Trần Quang Quý theo đúng qui trình, cần làm xong trước ngày 15/11/2016. Đến chiều 15/11/2016, Hội Nhà văn có công văn trả lời Cục Xuất bản: Ông Trần Quang Quý sẽ tạm thời giữ vai trò Phó Giám đốc phụ trách đến hết ngày 31/3/2017. Cục Xuất bản chấp nhận. Nhưng nay, Cục Xuất bản không đồng ý “gia hạn” tiếp.

Tại sao? Cục trưởng Cục xuất bản giải thích rõ ràng: “Anh Trần Quang Quý không đủ tuổi bổ nhiệm. Nhưng để cho việc hoạt động của NXB Hội Nhà văn thuận tiện chúng tôi đã chấp nhận sự thay thế của Phó Giám đốc Trần Quang Quý trong một thời gian”. Chấp nhận sự thay thế chỉ là cách cho thêm Hội Nhà văn thời gian để hoàn thiện nhân sự, không phải cách để ông Trần Quang Quý dần dần hợp thức hóa vị trí này: “Anh Trần Quang Quý đương nhiên vẫn không đủ điều kiện để làm giám đốc. Không đủ là không đủ”, ông Chu Hòa nhấn mạnh.

Nhà xuất bản Hội Nhà văn tạm dừng hoạt động: Vì sao? ảnh 1 Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Hòa. Ảnh: N.H.D.

NXB Hội Nhà văn đã tạm ngừng hoạt động nửa tháng nay chỉ vì thiếu “thuyền trưởng”, lỗi thực sự do đâu? Cục trưởng Cục xuất bản bày tỏ thái độ quyết liệt: “Không nên đổ trách nhiệm cho cơ quan quản lí nhà nước, NXB Hội Nhà văn nên thực hiện theo luật. Việc không có giám đốc thì kể cả đơn vị cấp cao hơn Cục cũng không thể làm trái luật mà cho phép hoạt động được. Chúng tôi đã nới thời gian để NXB Hội Nhà văn kiện toàn bộ máy nhưng đến nay vẫn không kiện toàn. Anh không thể ném việc anh không chịu làm sang cơ quan quản lí nhà nước được. Anh không chịu bổ nhiệm giám đốc chứ không phải cơ quan quản lí nhà nước không cho anh hoạt động”. Ông Chu Hòa dẫn luật xuất bản: “Về nguyên tắc, Cục không có quyền, chỉ có cơ quan chủ quản mới có quyền đề bạt giám đốc. Nhưng cơ quan chủ quản đề bạt giám đốc phải có sự thỏa thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự thỏa thuận của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong trường hợp anh Trần Quang Quý là không đủ tuổi bổ nhiệm thì chắc chắn không đạt được thỏa thuận”.

Trước câu hỏi của phóng viên: “Ở vị trí Cục trưởng, đã bao giờ anh gặp tình huống nào như ở NXB Hội Nhà văn chưa?”. Ngay lập tức, ông Chu Hòa trả lời: “Chưa bao giờ gặp hiện tượng nào thiếu minh bạch như Hội Nhà văn Việt Nam. Về công văn xin gia hạn lần hai cho ông Trần Quang Quý, ông Chu Hòa trả lời: “Hội Nhà văn phải kiện toàn bộ máy ở NXB  để làm việc. Còn không nên xin những cái không thể được. Anh không thể bắt người khác làm những điều luật không cho, để rồi sau có chuyện anh nói là tại họ. Đó là một cách ngụy biện rất dễ nhận ra trong việc chấp hành pháp luật. Anh đổ trách nhiệm cho người khác”.

Giám đốc không nhất thiết là nhà văn

Khó hiểu khi Hội Nhà văn Việt Nam gần một năm trôi qua vẫn không tìm được người xứng đáng ngồi vào ghế giám đốc. Chẳng lẽ “nhân tài như lá mùa thu”? Giám đốc NXB Hội Nhà văn có nhất thiết phải là một nhà văn không? Ông Chu Hòa giải đáp: “Không nhất thiết phải là nhà văn, quan trọng là người ấy phải có nghiệp vụ xuất bản. Chẳng lẽ ông giám đốc NXB Từ điển Bách khoa  phải là ông làm từ điển? Ông đứng đầu NXB Hàng hải có nhất thiết là một hoa tiêu không? Tất nhiên nếu trùng hợp được cả hai năng lực thì rất tốt”. Ngay trong đội ngũ NXB Hội Nhà văn theo ông Chu Hòa vẫn có những gương mặt có thể đáp ứng được tiêu chuẩn ngồi vào ghế trống: “Bộ máy của họ vẫn còn có phó giám đốc, vẫn còn có những người khác đủ tiêu chuẩn nhưng họ không chịu”.

Chỉ vì trống ghế giám đốc, NXB Hội Nhà văn đang phải tạm ngưng hoạt động. Điều này tác động không nhỏ đến đời sống của cán bộ công nhân viên ở đây. Một vị lãnh đạo NXB cho biết: “NXB là cơ quan hạch toán độc lập, lấy thu bù chi, không được hưởng lương ngân sách của nhà nước, không được rót kinh phí hỗ trợ từ Hội Nhà văn. Từ ngày 31/3 đến nay NXB ngừng hoạt động bởi liên quan đến giấy phép xuất bản, trong khi đó chữ ký của ông Trần Quang Quý hết hiệu lực. Ngay cả những đề tài chúng tôi đăng ký với Cục Xuất bản  từ tháng 3 nhưng khi đề tài đưa về NXB đã sang tháng 4 rồi, vẫn bị ngừng vì không có người ký…”. Tình trạng này kéo dài, NXB Hội Nhà văn sẽ không thể cho ra đời những cuốn sách hợp pháp. Một nhà xuất bản lại không có khả năng xuất bản thì… tồn tại cũng như không.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Nhiều anh em trẻ làm được

Tác giả “Ngõ lỗ thủng” thú nhận, ông không thể không quan tâm đến câu chuyện ở NXB Hội Nhà văn, nơi ông từng gắn bó nhiều năm. Ông đã biết chuyện NXB tạm ngưng hoạt động, vì lo lắng nên ông nhắn tin chất vấn Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. “Ông Hữu Thỉnh gọi điện lại cho tôi, bảo rằng: “Tôi sẽ giải quyết, sẽ giải quyết. Bây giờ tôi đang họp”. Phóng viên hỏi nhà văn Trung Trung Đỉnh: “Theo anh, họ có giải quyết thật không?”. Ông Đỉnh đáp: “Không biết được, phải hỏi họ chứ”. Phóng viên gọi điện hỏi ông Chủ tịch Hội thì nhận được câu trả lời gần giống đáp án dành cho Trung Trung Đỉnh: Đang bận. Để sang tuần nhé!

Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhìn nhận: “Chẳng thiếu nhân sự lãnh đạo đâu. Chỉ thiếu người để Chủ tịch Hội thích. Bây giờ nếu không có người thì đẩy anh em trong NXB lên, nhiều anh em trẻ làm được”.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách: Vất vả lắm, khổ lắm!

Trước câu hỏi của phóng viên Tiền Phong Chủ nhật: “Nghe đồn nhà thơ có khả năng trở lại NXB Hội Nhà văn?”. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách cười lớn: “Đâu, không phải. Làm gì có chuyện ấy. Tôi nghe tin đồn này cơ, ông Nguyễn Trí Huân (Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) trở về NXB”. Lại hỏi tiếp: “Nhưng cứ đặt giả thiết, Hội Nhà văn mời ông trở lại, ông có nhiệt tình không?”. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách cười: “Tôi còn hơi sức đâu mà làm nữa. Vị trí ấy vất vả lắm, khổ lắm”. Cựu giám đốc NXB Hội Nhà văn từ chối bày tỏ tâm trạng trước hoàn cảnh “thuyền không lái” của cơ quan cũ: “Tôi bây giờ không dám phát biểu gì”.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.