Di tích sai phạm, phạt xong cho tồn tại?

Công trình sai phạm ở chùa Hương vẫn đang chờ ý kiến của cơ quan chức năng, nhà khoa học. Ảnh: Toan Toan
Công trình sai phạm ở chùa Hương vẫn đang chờ ý kiến của cơ quan chức năng, nhà khoa học. Ảnh: Toan Toan
TP - Một trong những điểm nóng về sai phạm di tích, Hà Nội thời điểm này vẫn treo hai di tích quốc gia có sai phạm, dù chưa có mức xử lý nhưng dễ rơi vào con đường giơ cao đánh khẽ.

Phạt cho xong!?

Sau khi phát hiện một số sai phạm ở chùa Trăm Gian hồi tháng 9, Hà Nội mạnh miệng hứa xử lý và khắc phục sớm trong tháng 11. Sai phạm ở ngôi chùa này là một số hạng mục tu sửa vượt quá phép như vườn tháp, nhà ni quá trình giám sát không chặt chẽ… Hội nghị quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa được tổ chức tuần trước, tuy nhiên cũng chưa có quyết định xử lý triệt để.

“Tôi sợ nhất cách xử lý xong rồi lại cho tồn tại. Trong ngành di sản có một sự thật đáng buồn: Chưa kỷ luật ai, chưa xử lý hình sự ai khi để xảy ra sai phạm”.

             PGS.TS Đỗ Văn Trụ

GS Trần Lâm Biền, một trong các chuyên gia dự hội nghị do Hà Nội tổ chức, cho biết, theo đánh giá của các nhà khoa học, việc tu bổ ở chùa Trăm Gian là quá phép. “Cuộc họp phê phán từ Hà Nội, huyện Chương Mỹ cho đến xã, nhà chùa. Bờ tường trước đó tạm bợ, xây trên đá xếp, nay người ta làm bằng đá thực sự đẹp hơn. Tất nhiên cái gì sai thì bắt buộc phải làm lại. Đó là lát lại sân cho đúng mạch tâm linh, không được để lồng đèn ở trụ tường bao vì lồng đèn của đền, không phải chùa”, GS Biền nói. Về xây nhà ni ở cùa Trăm Gian với quy mô nới thêm gian, tiện nghi trong nhà hiện đại, ông cho rằng “nó nằm khuất nẻo, không ảnh hưởng đến cảnh quan”.

Xử lý sai phạm tự ý hạ giải, xây dựng gác khánh tại chùa Trăm Gian mấy năm về trước cũng được xếp vào hàng giơ cao đánh khẽ. Những sai phạm lần này cũng được một số người coi là “vặt vãnh” so với những sai phạm lớn ở di tích khác.

Tuy nhiên, cách xử lý này khiến cho tình trạng sai phạm không ngừng tái diễn ở hàng trăm di tích lớn nhỏ. Sai phạm nhỏ chẳng mấy chốc lại dẫn đến sai phạm lớn, nếu cơ quan quản lý vẫn giữ cung cách xử lý lâu nay. Sư trụ trì nhiều khi lấy lý do “thiếu hiểu biết” để tái phạm. Thực tế, nhà chùa đều phải biết quy trình, quy định của Luật Di sản khi nắm trong tay các di tích từ cấp tỉnh đến quốc gia.

Chùa Hương phải làm gương

Hương nghiêm pháp đường, công trình quy mô lớn, hai tầng và một gác mái được xây dựng không phép ngay vùng bảo vệ cấp 1 của di sản tại chùa Hương. Sau khi báo chí phát hiện, Hà Nội hứa vào cuộc xử lý, tuy nhiên sau gần một tháng, mọi việc giậm chân tại chỗ. Cả Sở VHTT lẫn địa phương đều trong trạng thái chờ, thủ tục thẩm tra không biết lúc nào mới xong.

“So sánh thế này nhé, sai phạm ở chùa Hương gấp nghìn lần chùa Trăm Gian. Giữa không gian sờ sờ đấy, xây nhà ba tầng để làm chỗ ở cho khách khứa không theo bất kể một luật nào, coi thường pháp luật”, GS Biền nói. PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, nói, không thể hiểu nổi trong khu vực lõi lại có công trình sai phạm như thế. Không thể xử lý theo kiểu phạt cho tồn tại. Bởi vì, nếu xử không nghiêm, di tích khác sẽ nhờn. Đã có quy định xử phạt, mức độ lớn nhất là dỡ bỏ.

“Xử lý mạnh mới có tính răn đe. Tôi sợ nhất cách xử lý xong rồi lại cho tồn tại. Trong ngành di sản có một sự thật đáng buồn: Chưa kỷ luật ai, chưa xử lý hình sự ai khi để xảy ra sai phạm. Điều này thanh tra Bộ đã thừa nhận”, ông Trụ nói.

Hương nghiêm pháp đường là công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đón tiếp khách của nhà chùa. Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản, cho rằng, “không thể tùy tiện đập bỏ vì đầu tư công sức, tâm huyết và là công trình phục vụ sinh hoạt cần thiết”. Ông nói thêm: “Nếu vị trí phù hợp, không ảnh hưởng tới di tích thì có thể chỉnh sửa, cải tạo cho phù hợp với dáng dấp truyền thống, di tích. Phạt cho tồn tại là ở khía cạnh như vậy, chứ không phải cứ phạt xong rồi sẽ được tồn tại”.

Khu di tích và danh thắng Hương Sơn là di tích quốc gia được giao cho huyện Mỹ Đức quản lý, có hẳn Ban quản lý di tích. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhấn mạnh, công trình thuộc địa bàn Hà Nội, nên các cơ quan quản lý văn hóa của Hà Nội phải vào cuộc. “Cục Di sản cũng cần có ý kiến về mức độ vi phạm, xem có đến mức cần dẹp bỏ không”, ông Trụ nói.

PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất, từ Sở tới các phòng ban quản lý văn hóa chuyên trách, UBND huyện Mỹ Đức, BQL chùa Hương đều phải xem xét, thông tin lại cho các cơ quan thông tin đại chúng: Thông tin rõ ràng, phân định đúng sai và trách nhiệm của ai, đến đâu. Ông cũng nêu quan điểm, xử lý sai phạm ở chùa Hương phải mang tính chất làm gương cho các khu di sản khác, để không xảy ra xây dựng tự phát.

MỚI - NÓNG