Sách “Văn nhân Bình Định - Một góc nhìn”:

Bị đánh vì… chê huỵch toẹt?!

Bị đánh vì… chê huỵch toẹt?!
TP - Cuốn “Văn nhân Bình Định - một góc nhìn”  (Chân dung-phê bình- tiểu luận) của cây bút văn xuôi Bình Định Lê Hoài Lương (NXB Hội Nhà văn 2015) hiện đang gây tranh cãi. Trong những vấn đề được nêu, thiết nghĩ mấu chốt chính là ở chỗ trong sách Lê Hoài Lương thẳng thừng chê “vỗ mặt” không ít văn nhân khác.

 Dù cuốn sách được coi là tổng kết các gương mặt văn chương của xứ võ, được nhà nước tài trợ in ấn- loại sách vốn từ lâu được mặc định chỉ toàn âm hưởng ngợi ca Tiền Phong Chủ nhật có cuộc gặp gỡ các bên liên quan.

Lê Hoài Lương “Tôi chỉ muốn họ xuất hiện một cách sòng phẳng…”

Bắt chước “Làm từ thiện để làm gì”, tôi hỏi ông viết cuốn này để làm gì?

Tôn vinh văn chương Bình Định. Vì yêu và tự hào thực sự. Nhân tiện, ngay trong lời đầu sách, về cái câu “Đất võ, trời văn” mà người ta hay gán cho Bình Định, tôi chỉ đồng ý nửa vế đầu. Còn “trời văn”, nghe nó “láo” làm sao ấy, không thuyết phục mọi người dù khá thuận miệng. Bởi ngoài trời còn có trời. Tự cho mình là “trời văn”, thế thì những mảnh đất nổi tiếng văn chương khác như Nam Định, Quảng Nam thì nằm dưới … “trời văn” (Bình Định – NV) hết à? Nên tôi cho rằng chỉ nên xưng là “Miền đất võ – Xứ văn chương” là vừa đủ.

Trong số những người được ông đưa vào sách, có những người ông không ưa ngoài đời? 

Về mặt con người, thì thực sự mà nói nhiều người tôi không ưa. Tuy nhiên với cuốn sách này tôi không quan tâm đến ưa hay không, yêu hay không yêu, chơi hay không chơi. Tôi chỉ quan tâm đến một điều căn bản nhất, muốn họ xuất hiện trước bạn đọc một cách sòng phẳng như chính họ, từ văn tài tới cá tính. Bởi đây là cuốn “Chân dung, phê bình, tiểu luận”. Phần chân dung là đầu tiên, rất rõ. Và phê bình phải có khen chê. Các tác giả hiện lên đúng với họ. Tuyệt đối không có yếu tố thích hay không, bạn hay thù. Và tôi chịu trách nhiệm với bạn đọc từng chữ một khi viết về con người đó.

Nhưng bạn đọc cũng có nhiều loại bạn đọc, mỗi người có những  yêu ghét khác nhau. Ông có biết rằng mình không thể tự cho mình thay mặt số đông bạn đọc?

Bị đánh vì… chê huỵch toẹt?! ảnh 1

 Tác giả Lê Hoài Lương - (phải) trao đổi với báo Tiền Phong.

Quá đúng, mình không thể thay mặt số đông bạn đọc. Nhưng tham vọng tôi muốn đem đến cho bạn đọc hiện lên đúng là họ, từ con người đến văn tài. Dẫu gì, điều đó sẽ rất chủ quan, thậm chí rất cực đoan, nên tôi muốn dịu bớt tình hình bằng dùng chữ “Một góc nhìn”. Cố gắng đưa đến bạn đọc một cách trung thực nhất về hình ảnh con người đó, cả những cái xù xì nhất, thô nhám nhất, cái vui nhất, tưng tửng nhất, ngộ nghĩnh nhất. Bởi tôi nghĩ văn nhân vẫn là con người với tất cả các góc cạnh.

Trước đó cũng đã có những cuốn sách về chân dung nhà văn. Đến lượt tôi, cả khen, cả chê tôi đều huỵch toẹt ra, muốn hiện lên một cách sòng phẳng nhất. Chứ không muốn nhặt ra mỗi người một tí rồi tỉa tót, tán này tán nọ. Chính vì vậy, ngay từ đầu tôi đã hình dung ra cuốn sách sẽ không suôn sẻ, nhưng tôi hoàn toàn chấp nhận.

Vậy ông đã thực sự khách quan với một số trường hợp gây “nổi cộm” trong tập sách này chưa, như Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Lê Văn Ngăn…?

Anh nhắc đến trường hợp cố nhà thơ Lê Văn Ngăn, bản thân tôi không thích con người ông. Và đây là tập chân dung, nên tôi có nói một ý đến sự “tẻ nhạt”, thậm chí là “bé mọn” của ông trong giao tiếp đời thường. Đó là thật. Tôi đắn đo, day dứt nhiều, bởi ngoài đời hai anh em từng có một cuộc bất như ý, thậm chí bốp chát với nhau ở Đà Lạt. Nhưng về thi tài, tôi đã viết với tất cả sự trân trọng kinh khủng nhất dành cho ông.   

Trong bài viết, tôi kể về cảm giác lần đầu tiên đọc thơ Lê Văn Ngăn, tập “Vào một thời im bóng” ông tự in roneo trước 1975, thế này: “Sau khi đọc, tôi đã hạnh phúc như bắt được vàng, thứ vàng ròng không pha tạp, vàng của một tài hoa thi sĩ, tài hoa thuần khiết, không phô phang. Cái hạnh phúc của người sửng sốt gặp một người yêu đất nước mình đến tận cùng máu thịt, yêu không khoa trương mà sâu thẳm chữ yêu này. Tôi đã chia sẻ cảm xúc ấy, và ông rụt rè ánh lên trong mắt niềm hạnh phúc. Rụt rè như cách sống của ông mà tôi từng biết”. Và nữa: “Tôi không thích con người ông trong đời sống, khi tiếp xúc. Thấy tẻ nhạt. Thấy bé mọn làm sao. Nhưng, thơ ông là một sự khác. Ông, chẳng biết tự bao giờ cứ lừng lững. Có thể nói thơ Việt thế kỷ XX, nhất là từ trước 1975, chỉ vài người gây chấn động mạnh trong tôi đến nay như Lê Văn Ngăn” (trang 240).

Còn với Nguyễn Thanh Mừng, tôi thực sự tôi quá nể, quá thích với các tập thơ đầu tiên, từ “Rượu đắng”, tới “Ngàn xưa”. Nhưng tôi thấy Mừng tự đánh mất mình kể từ sau trường ca “Khởi hành cùng ba chín mùa xuân” (2005). Bắt đầu của sự nghèo nàn về ý tưởng và khua khoắng chữ nghĩa. Tôi đã viết rất đúng và sòng phẳng cái cảm giác của mình về Nguyễn Thanh Mừng.

Hầu như không ai “dám” đưa vào sách kiểu nhận xét thế này về đồng nghiệp, như ông: “Trời ơi, Mừng Trang lùn thật, nhưng nói sách của họ cao quá đầu người thì hai người đó cao chưa tới mười xăng ti mét à?  … Chồng gộp luôn sách của huynh tỉ nhà báo lúc này cũng không quá cái đòn kê đít người nông dân ngồi sàng gạo…”

Đó là trong bài viết về Trần Thị Huyền Trang. Từ đầu năm 2007 trên báo Bình Định xuất hiện bài báo“Song kiếm đệ nhất miền Trung” ca ngợi cặp vợ chồng Thanh Mừng – Huyền Trang. Nói “đệ nhất” mà không ngó trước ngó sau xem thiên hạ còn ai. Và còn viết rằng “sách của mỗi người giờ đã chồng cao hơn người và chắc chắn sẽ còn dày thêm nữa”. Có điều nếu dừng lại ở đó thì không nói làm gì. Nhưng liên tiếp mấy năm sau, nhất là thời lùm xùm của Hội (văn nghệ Bình Định -NV), bài báo này lại liên tục xuất hiện y sì như thế ở rất nhiều trang báo, trang mạng khác.

Bị đánh vì… chê huỵch toẹt?! ảnh 2

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (phải) và cố nhà thơ Lê Văn Ngăn. Ảnh: Hoàng Tuấn

Còn tạị sao tôi so với cái “đòn kê đít người nông dân ngồi sàng gạo…”, vì trong cơ chế này, mọi hỗ trợ của nhà nước, kể cả sự hỗ trợ với cuốn sách của tôi, cho tới đồng lương, đều là tiền thuế của nhân dân cả, trong đó có ông bà, cha mẹ mình. Tội quá các ông các bà ngo ngoe vài chữ. Đừng cho nghề cầm bút là sang trọng để khua khoắng chữ nghĩa. Chúng ta đang sống bằng mồ hôi nước mắt của nhân dân, của nông dân. Tôi viết vậy ai đó cho rằng là miệt thị, nhưng tôi viết với tất cả ray rứt, đau đớn của mình.

   

Nhưng không chỉ vài trường hợp đó đâu. 52 nhân vật trong sách tôi đều viết như chính họ vốn thế. Trong đó nhiều người tôi chơi rất thân hàng ngày. Như với Hồ Thế Phất, tôi nhận xét: “Ông ghi lại cảm xúc bất chợt có lúc còn thô, ghi xong là thôi, là hết trách nhiệm. Nhiều bài lục bát thất vận của ông tức anh ách…”… Và tả cái cảnh ông ăn bánh xèo nhân mực, cắn ra túi mực đen “lèo phèo quanh miệng”, để kết rằng ông luôn là chính mình, chứ “vĩnh viễn không hề là người của thế giới văn minh”. Đọc xong ổng nhảy dựng lên. Hay như Mang Viên Long, ông xứng đáng được đưa vào sách, nhưng khi tôi viết ổng cũng không hài lòng. Nhiều người khác cũng vậy, dù thân thiết.  

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Định): “Làm thế là hèn…”

Tâm trạng của anh thế nào với những bài viết của Lê Hoài Lương?

Tôi chưa được đọc, sách cũng không được tặng. Từ 2010 đến nay tôi không hề qua lại, liên hệ gì với Hội VHNT Bình Định. Hiện vợ chồng tôi đang sinh hoạt với Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Khánh Hòa.

Vậy gián tiếp qua báo chí, dư luận, anh thấy sao?

Đọc qua báo chí, tôi thấy không Hội nào làm như vậy. Ngay từ cái tên thể loại ghi trên bìa  sách. Đây là sách của cá nhân hay của Hội? Muốn trích tuyển tác phẩm của người khác phải xin phép tác giả. Phải có hợp đồng sử dụng tác phẩm, nhất là sách kinh doanh có giá bìa, chứ không phải sách phục vụ. Tôi chỉ nghe có người xưng là Lê Hoài Lương điện thoại đến nói gửi tiểu sử, tác phẩm để làm sách. Tôi đáp không quen ai có tên như vậy, và tôi rất bận. Tôi biết có 4-5 trường hợp như tôi.

Tôi nghĩ nếu là một hợp tuyển nhà nước bỏ tiền xuất bản để tôn vinh một vùng miền văn học thì Hội phải có công văn gửi các tác giả đàng hoàng. Và phải có tiêu chí rõ ràng, rành mạch. Hội cũng phải có trách nhiệm với nhà xuất bản. Các Hội VHNT khác đều làm như vậy.

Bạn bè tôi sau khi đọc đã phản ứng rất nhiều. Tôi không thích những quyển sách như thế này. Chưa nói là thiếu văn hóa khi không tặng sách.

Còn về bài viết, tôi nói thẳng đây là cách làm rất hèn. Trong khi lại ca ngợi những người không ra sao hết. Làm văn hóa không ai lại “trả thù – trả ơn” như thế !

Anh đang là Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông, có cấn cái gì trong việc xử lý đơn thư liên quan đến cuốn sách này không?

Việc đấy là của anh Kha giám đốc Sở, tôi không tham gia.

Bây giờ anh muốn gì?

Tôi không muốn xuất hiện trên bất cứ cuốn sách nào của Hội VHNT Bình Định nữa. Đừng tự lấy tiểu sử, tác phẩm của tôi để in.


MỚI - NÓNG