Hôm nay (29/6), ngày tiễn biệt ông, xin được chia sẻ cùng quý độc giả như một nén tâm nhang tưởng nhớ vị giáo sư đáng kính.
Mảnh tóc vàng
Day dứt nhất không phải là về nước, mà là làm sao gói đồ bên kia đem về. Cái tâm mình muốn như vậy mà không biết trong nước có tiếp nhận đúng như mình mong mỏi. Hay như có nhiều người nói đừng đem về: Đem về rồi nó cũng thất lạc hết, vô chỗ này chỗ kia rồi cũng sẽ mất hết… Đối với mấy người đó tôi có thể trả lời một câu như thế này: “Tôi thà mất ở Việt Nam còn hơn mất bên Pháp. Bởi tôi mất ở đất Việt còn có một người Việt thấy được, lượm lại được. Tôi mất bên Pháp nó sẽ rụng luôn, bởi tiếng Việt họ đọc không được, họ không thiết tha gì. Tôi tính đem về dù cho mất hết ở Việt Nam tôi cũng chịu”.
Nhưng cứ nghĩ khi dọn hết đồ rồi, cái nhà mình trống rỗng, cái này là cái chỗ mình ở, mình biết hết từng đường đi nước bước. Dứt cái đó ra, cái núm ruột mình đi theo chứ không phải không. Tôi bàn với Tươi (người thân cận ở cạnh GS Trần Văn Khê lúc đó - PV): “Tươi ơi, giúp cho bác nhớ cái này, cái này sách gì vậy con, lựa vô thùng làm sao…”. Miệng nói, mà cái lòng mình bị xé. Cái nếp sống mình đã quen nửa thế kỷ nay. Nhưng bây giờ phải chọn lựa. Ông Romain Rolland có nói: “Những sự thay đổi dẫu cho mình muốn đến đâu nhưng khi nó tới, mình không thể nào không khỏi chút u buồn”. Nhưng cái u buồn đó mình chấp nhận. Dù không biết tương lai sẽ ra sao. Bây giờ thấy ai cũng tử tế với mình hết, nhưng sự đón nhận không biết tới mức độ nào. Huống chi cái hiện vật mình đem về không có giá trị thương mại, chỉ có giá trị tinh thần.
Tôi với Tươi lục lọi những món đồ tôi để đầy 4-5 chục năm, cao… bằng cái phòng này. Trong đó có những hiện vật mà tới giờ tôi cũng không biết còn hay không. Mất cũng không sao, vì là những hiện vật riêng của tôi. Ví dụ, tôi có cái va-li trong đó chứa một mảnh tóc vàng của người con gái Đức. “Việt Nam toàn thấy tóc đen không”, tôi nói. “Tôi thèm thấy cái tóc vàng. Hồi đó tới giờ mới thấy tóc vàng, tôi nghĩ nó đẹp như tơ”. Thì gặp cái cô tóc vàng đẹp quá, tôi chỉ nói vậy thôi. Cô đó có học với tôi trong trường Sorbonne, sắp làm luận án tiến sĩ. Cô qua Pháp vừa làm việc vừa tị nạn, vì cô bị người ta theo dõi bên Đức, cha mẹ không còn ai. Khi nào trốn sợ hãi, cô tới tôi... Lần đó, cô nghe nói, nước mắt cô chảy. Cô chạy xuống bếp kiếm cái kéo, nắm tóc, xoẹt cái để lại cho cả một mảnh tóc trong cái bao thơ.
“Mình ra đi năm 1949, hồi đó mới 28 tuổi, tới bây giờ 85 tuổi về ở đây luôn. Quãng đời thiệt dài ở nước ngoài, đi bốn biển năm châu, trở về thấy đất nước thương tất cả, thấy cái ngọn chuối cũng thương, thương cái cây me, thương mọi người... Có cảm giác hình như mình trở về, mình lội được trong tình thương của dân tộc”.
GS Trần Văn Khê
Tôi ở một mình, có một cô gái Việt xin được làm em, nhưng mà thương tôi, lo lắng cho tôi. Dịp Noel, cô trang hoàng phòng tôi, dọn bàn ăn đón Noel. Tôi rót nước vô chén làm bản đờn. Cô nói: “Anh đặt tên đờn này đờn gì chưa?”. Chưa! “Cái đờn này em kêu là bolophone” (“bol” tiếng Pháp là “chén”- PV). Rồi cô vẽ cho tôi một bức tranh cô con gái rất đẹp, mặt như người Việt Nam, mà cái tay áo rộng vén cái màn nhìn xuống. Tôi treo trên tường mỗi ngày nhìn lên… Mấy cái đó tôi gói giấu trong cái rương đồ quý mà tôi cất riêng. Giờ nó có mất, không tiếc nữa, chứ hồi xưa nhớ mất một cái thấy tiếc, thấy khổ trong người lắm.
Hoặc những cái bình bằng đất mà người ta cho tôi. Cái bình đất đâu có ai thèm. Nhưng mà đất là của nước Nga làm tại Hungary, người ta cho tôi nhân dịp đem giới thiệu cái đờn Việt Nam được hạng Nhì. Đối với tôi, món đó thiêng liêng lắm. Nhưng tôi chấp nhận rằng nó sẽ mất, cũng như nó bể bất thình lình. Khi góp những món đồ đó đi về thì xót xa lắm, nhưng mà phải làm, tôi vừa làm vừa nói cái này mình đang cắt thịt của mình. Cảm giác là như vậy đó.
Đem dọn hết thành bốn trăm mấy chục thùng. Đứng cùng mấy đứa con chụp hình, nó cũng xót ruột như mình vậy… Trong lúc gửi đi tôi cũng sợ cái nầy nữa. Ông Gechter là thầy của tôi, người Pháp lấy vợ Nhật. Mà ông ấy không muốn ở Pháp, ông đem hết tư liệu của ông gửi theo tàu về bên Nhật. Ông và vợ đi máy bay. Ông qua tới nơi, tàu chìm. Ông ráng quên, hai năm sau, ông chết. Thì tôi chấp nhận rằng, nếu thầy mình đã bị vậy thì mình cũng có thể bị, cái đó tôi cho là số trời. Tôi tin rằng, có một đấng thiêng liêng nào đó ủng hộ tôi hồi đó tới bây giờ, từ cái bịnh đau cho tới bao nhiêu cái chuyện tai nạn nguy hiểm, tôi qua hết là nhờ có một sự bảo vệ. Tôi không có đạo nào hết, nhưng tôi xin cái người thiêng liêng nào đó ủng hộ tôi đến giờ ủng hộ cho tôi chuyến này đi về bình yên.
Trong tình thương dân tộc
Nếu xin hồi hương, tôi phải bỏ bảo hiểm xã hội bên Pháp. Mà tôi được bên kia bảo hiểm 100%. Tức là từ nằm bệnh viện tới thuốc men không tốn một xu. Nếu bỏ hết mà đi, không biết về nước rồi sao, mình đau rồi thế nào. Nhưng tôi chấp nhận. Dọn đồ đưa xuống tàu, tôi theo dõi từng chút. Qua hải quan, tôi có giấy hồi hương thì họ miễn thuế, nhưng tôi còn ở lại đó thì cái món đồ gửi đi phải đóng tiền. Tùy theo giá trị hiện vật, mình phải làm tờ khai. Nhưng tôi nói với cô Thủy (Trương Ngọc Thủy) - Giám đốc Sở VHTT thành phố làm một cái thơ bằng tiếng Việt đưa thầy kiện bên đây dịch qua rồi đưa cho họ. Thư nói tôi là giáo sư, hàng này gửi về là gửi ngay địa chỉ của tôi và những món này không có tính chất thương mại, mà tính chất văn hóa, sau khi tôi qua đời sẽ tặng hết cho đất nước Việt Nam lập nhà lưu niệm.
Tây miễn thuế hết, cho không. Gửi 400 thùng không xét, không đóng thuế. Về tới đây cũng vậy, Sở Văn hóa đi lãnh không tốn một đồng xu. Hải quan coi thấy văn hóa phẩm thì tính ra: “Một cuộn băng video 10.000 đồng, tổng cộng trên 100 triệu, vì giáo sư đem về cho đất nước thì chúng tôi xin lấy tượng trưng 1/5 tức là 20 triệu”. Thì bác cũng sẵn sàng, cái chuyện đó theo luật lệ, “nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Nhưng cô Thủy nói: “Không sao, để đó, Sở cháu lo”. Cô nói xong, họ miễn luôn hết, bác chỉ trả tượng trưng mấy ngàn đồng đặng làm cái giấy chứng nhận. Rút cuộc, mấy ngàn đồng họ cũng không lấy nữa, cho không…
Món đồ tới nơi, nhưng tôi vẫn chưa có nhà. Trong khoảng 2-3 năm trời, mỗi khi tính cho tôi nhà, lại có người giành. Có những người phản đối tại sao họ hy sinh mấy đời vì kháng chiến, không thấy được tưởng thưởng gì, còn ông này ông đi bên Tây làm chuyện gì không biết mà giờ ông về được một cái nhà vậy thì vô lý! Phản đối! Chính quyền thành phố cũng hơi ngại ngại thành ra cứ khoan cho. Tới chừng Trung ương ủng hộ, Thành ủy ủng hộ, Sở Văn hóa ủng hộ thì UBND phải thực hiện, vì vậy tôi có nhà. Cái hồi tôi quyết về đây chưa có nhà, hành lý để trong bảo tàng viện, bước ra tay không, tôi nói mình giống một người lữ hành bây giờ chỉ có bộ đồ bận đây, quần áo đem theo, còn tất cả cái gì hồi đó mình gom góp đến giờ có thể không biết nó ra làm sao. Cảm giác đầu tiên nó vậy.
(còn tiếp)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng Giáo sư Trần Văn Khê
Ngày 28/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến viếng GS.TS Trần Văn Khê, chia buồn cùng tang quyến tại nhà 32 Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh, TPHCM. Chủ tịch nước ghi dòng lưu bút: “Giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Khê người cả đời đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, góp phần to lớn trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam bằng tri thức âm nhạc. Trí tuệ, uy tín, tài năng, tâm huyết và sáng tạo của ông mãi mãi là tài sản quý báu của Văn hóa Việt Nam”.