Kết thúc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Đọng lại gì?

Kết thúc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Đọng lại gì?
TP - Báo cáo tổng kết của Trưởng ban giám khảo ( BGK) Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ có đoạn nói về niềm vui lớn lao mà liên hoan đạt được cũng như sự nhật trí cao, nghiêm túc của BGK trong chấm giải, bám sát tiêu chí của ban chỉ đạo liên hoan. NSND Lan Hương người có tác phẩm dự LH lại cho rằng kết quả giải thưởng là " cực kỳ hài kịch".

> Việc định giá Lưu Quang Vũ vẫn còn bỏ ngỏ
> Khai cuộc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Giới chuyên môn nói gì?

“Một kết quả cực kỳ hài kịch”

Ngay sau khi kết quả xướng lên, từ khán phòng bước ra sảnh rạp Công Nhân, NSND Lan Hương chủ động phát biểu với báo giới: “Tôi không xem hết nhưng so với một số vở đã xem thì bốn vai chính trong vở của tôi có đời sống sâu sắc mãnh liệt, họ diễn tốt diễn khó đến thế mà chỉ được giải Bạc là điều quá vô lý!”.

Bốn vai chính Lan Hương đề cập gồm vợ chồng Trương Ba và vợ chồng hàng thịt. Theo Lan Hương, ít nhất hai vai Trương Ba và hàng thịt phải được Vàng!

Lan Hương cũng tỏ ra không tâm phục khẩu phục giải đạo diễn, bởi: “Mùa hạ cuối cùng không có gì để nói về mặt đạo diễn. Sân khấu hôm nay phải mang hơi thở thời đại, phải có mảng miếng, hấp dẫn người xem. Mới không chỉ là ngày xưa nhân vật đánh máy thì nay chuyển sang dùng computer!”.

Hỏi: “Báo cáo tổng kết của Trưởng BGK nhận xét kịch hình thể Hồn Trương Ba da hàng thịt của chị “có tìm tòi, một số lớp thú vị nhưng hiệu quả nghệ thuật, đặc biệt là ý nghĩa của vở không tới được đông đảo khán giả một cách sáng rõ, chị thấy thế nào”, Lan Hương đáp: “Tôi không đồng ý với đánh giá này. Tôi đã thăm dò nhiều khán giả, họ nói dễ tiếp nhận, hấp dẫn. Tôi rất cảm kích vì nhờ có LH này tôi được dựng một tác phẩm đặc sắc của anh Vũ, tôi không cần giải nhưng quá quá thì không được! Những điều mà anh Vũ dự báo, nó vẫn đang tiếp diễn ở liên hoan này với một BGK làm cho người ta mất niềm tin”.

Lại quý hồ đa

NSND Lan Hương chia sẻ cảm xúc với báo giới về kết quả giải thưởng, sáng 16/9. Ảnh: H.H
NSND Lan Hương chia sẻ cảm xúc với báo giới về kết quả giải thưởng, sáng 16/9. Ảnh: H.H.

7 vị giám khảo: Nhà phê bình lý luận Hồ Ngọc- Trưởng BGK, NSND Mạnh Tưởng, NSƯT- đạo diễn Trần Minh Ngọc, đạo diễn Phạm Thị Thành, nhà văn Chu Lai, T.S Nguyễn Thị Minh Thái, NSƯT Thanh Trầm.

Quy chế giải thưởng lần này có một giải cho vở diễn, một giải đạo diễn và huy chương Vàng, Bạc diễn viên.

Chung cuộc, không có giải vở diễn. Có nghĩa, không tiết mục nào trong 12 tiết mục của 8 đoàn đáp ứng được tiêu chí “vở diễn mới dàn dựng có chất lượng nghệ thuật cao”?

Báo cáo tổng kết của Trưởng BGK- nhà lý luận phê bình Hồ Ngọc đánh giá Ngọc Hân công chúa (đạo diễn Thúy Mùi, Nhà hát Chèo Hà Nội): “Dàn diễn viên hùng hậu, tràn đầy sức trẻ, những giọng hát chèo xuất sắc, sự dàn dựng công phu” “một tác phẩm hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức biểu diễn” “không chỉ trình bày được nhiều lát cắt sắc sảo, rất đắt về chính sự thời bấy giờ với nhiều ẩn ý mang tính thời đại…có thể coi là ảnh xạ tài tình về một bài học sâu sắc cho ngày hôm nay”…

Một nhà phê bình sân khấu uy tín nhận xét Ngọc Hân công chúa mới chỉ sạch sẽ chứ chưa có gì đặc sắc, nhất là một số diễn viên nói và hát quá to. Thực tế đúng là như vậy. Song căn cứ vào đánh giá của BGK thì đây là vở hoàn hảo. Vậy mà rút cục lại rụt rè không dám tôn vinh?

Trong khi đó, cơn mưa phần thưởng đã giội xuống diễn viên: 50 giải cả thảy (16 Vàng, 34 Bạc). Ban đầu gọi là huy chương nhưng khi công bố, chỉ thấy gọi giải Vàng, giải Bạc. LH này là dịp các nghệ sĩ kiếm thêm huy chương, đặng làm căn cứ xét danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nhân dân. Nghe xướng giải và đối chiếu với các vai diễn, cảm giác BGK chỉ cốt sao khớp với con số 35% tổng số vai diễn dự LH của từng đơn vị- như quy chế đề ra, là được.

Cùng là giải Vàng, Minh Phương (Lời thề thứ 9), Quốc Chiêm (Nàng Si-ta), Phương Loan (Điều không thể mất- Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế) khiến người ta nhớ. Còn những giải Vàng có được nhờ Hai ngàn ngày oan trái, Ông không phải bố tôi, Ai là thủ phạm… dễ cũng tan luôn- về mặt ấn tượng, như chính những vở này.

Tạ Vũ Thu, Hoàng Tùng, Đàm Hằng, Hồng Phương (Hồn Trương Ba-Nhà hát Tuổi Trẻ), Sỹ Tiến (Lời thề…); Công Lý (Ông không phải…) nổi lên trong dàn nhận giải Bạc. Và nếu so họ với những giải Vàng quá non, hoặc đặt cạnh một số vai trung bình mà vẫn được Bạc, e rằng niềm vui có giải của họ khó trọn vẹn.

Những điểm sáng và…

Sau khi Ông không phải bố tôi khai diễn, một số khán giả tỏ ra “choáng”. Vài bậc tiền bối cảnh báo: Chưa đến nỗi đâu, chờ mấy vở sau xem. Quả thực, làm nghệ thuật kiểu con nhà nghèo, sẵn nong sẵn né có gì cứ bê đi mà không dựng mới, mời đạo diễn giỏi, nên tình cảnh vài ngày qua là sân khấu có lúc bị lùi đến ba chục năm. Mà không hẳn chỉ vì nghèo.

Có ba vở được hai đoàn cùng chọn: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Điều không thể mất, Hai ngàn ngày oan trái (tức Trái tim trong trắng), khiến không thể không gây so sánh. Càng xem Hồn Trương Ba của Nhà hát Kịch VN hôm nay (đạo diễn Tú Mai), càng nhớ Trọng Khôi, Lan Hương, Anh Dũng, Trần Tiến, Phạm Bằng, Mỹ Dung… Trong khi đó, Hồn Trương Ba của Nhà hát Tuổi trẻ đầy mới mẻ, hiện đại. Đẹp, ấm áp. Lẽ ra chọn diễn khai mạc, gióng cho khán giả cùng bạn nghề biết rằng: Có cách làm mới Hồn Trương Ba đây, so với mấy chục năm trước! (Dù có thể có đánh giá trái chiều).

Kết thúc Mùa hạ cuối cùng, dàn diễn viên đặt tay lên trái tim, đồng thanh: “Lưu Quang Vũ, chúng em nhớ anh” trong khi những cánh hoa đỏ như màu máu bay nhè nhẹ phía trên đầu họ- một khoảnh khắc xúc động. Trước khi LH khai màn, có báo đưa tít giật gân: Lưu Quang Vũ- Phạm Thị Thành đã nói xấu 18 cơ quan. Trong bài, đạo diễn Phạm Thị Thành kể lại kỷ niệm mấy chục năm trước dựng Mùa hạ cuối cùng. Hôm nay ngồi xem, thấy cái câu chuyện “bị vu nói xấu 18 cơ quan” kia đúng là một thời ấu trĩ xa vời, còn Mùa hạ cuối cùng giống bài thuyết giảng đạo đức hơn là vở kịch hôi hổi thời sự như ai đó tụng ca.

Cùng là gương mặt truyền hình quen thuộc, Công Lý trở thành điểm sáng duy nhất trong Ông không phải bố tôi. Chỉ vì vai phụ mà anh cam phận giải Bạc? Còn Quốc Khánh lại cho thấy anh sinh ra có lẽ không phải để vào vai hàng thịt! Điệu bộ cóm róm, lúc nào cũng như đang phân bua điều gì, luôn có xu hướng đưa người ra phía trước, ngúc ngoắc cúi đầu…, Quốc Khánh có vẻ chưa đầu tư đến nơi đến chốn vai này, cách anh lặp lại mình thật khó tin.

Hiện tượng khán giả ngồi bệt ở lối đi, khổ sở để được thưởng thức một tác phẩm sân khấu- theo một số người trong nghề thì từng xảy ra ở Liên hoan Chèo toàn quốc Quảng Ninh, Thái Bình những năm 2000. Nhưng ở LH này, kéo dài và liên tục hơn. Khán giả vỗ tay có lúc vài phút một lần, vì câu cải lương, điệu chèo mùi mẫn. Vì lời thoại sâu sắc và có lúc chỉ vì những câu thoại kiểu: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Xem Lời thề thứ 9, bà con bình rôm rả: Tiên Lãng là đây chứ đâu! Có nghĩa, khán giả kiểu “dân oan” và khán giả chờ được gãi ngứa vẫn đầy khán phòng dù mấy chục năm đã trôi qua.

Sáng 16/9, buổi lễ kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam đã diễn ra đầy màu sắc, phô diễn được nét độc đáo của nhiều bộ môn sân khấu. Cùng với tổng kết, trao giải Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ, BTC- Hội NSSK Việt Nam đã tôn vinh các nghệ sĩ lão thành; trao giải thưởng sân khấu 2012, phần thưởng cho các nghệ sĩ vừa đoạt giải xiếc quốc tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG