Chín tuổi - thôi học - triển lãm tranh

Chín tuổi - thôi học - triển lãm tranh
TP - Cuộc sống của một họa sĩ kiêm kiến trúc sư 9 tuổi có gì đặc biệt? Tất nhiên là cậu không đến trường và sống cùng bố mẹ như các bạn đồng lứa rồi…

Vũ Tuấn Kiệt, sinh năm 2003, bắt đầu gây chú ý từ lời giới thiệu của “người giám hộ”- KTS Phó Đức Tùng với báo giới. Đại thể, như ông Tùng nói lại, Kiệt cho rằng điều quan trọng nhất với con người là tự do.

Nhưng đó cũng là điều con người không thể đạt tới vì bản thân vốn không hoàn hảo, điển hình là đàn ông thì “vú” bị tiêu biến, đàn bà thì không có “chim”. Vì vậy đàn ông và đàn bà như hai nửa phải ghép vào nhau những mong đạt tới sự hoàn hảo. “Và làm thế nào để đạt tới sự hoàn hảo chính là đề tài xuyên suốt trong tranh của Kiệt,” KTS Tùng nói.

Nhưng xem tranh của Kiệt tại triển lãm cá nhân của cậu bé (kết thúc hôm 25-4 tại không gian ngoài trời trước số nhà 59 Lý Thái Tổ) thì thấy sự xuất hiện của “chim” và “vú” tuy khá nhiều nhưng được tạo hình và bố trí theo một cách không như đa số người lớn hình dung. Hai bộ phận này trong tranh Kiệt chủ yếu mang tính biểu tượng, nhiều khi, trở thành phần cấu thành của một cỗ máy phức tạp nào đó như là Cỗ máy sinh tử hay Cỗ máy luân hồi. Nhưng đó là những tên tranh do KTS Tùng đặt.

Còn Kiệt chỉ biết vẽ, hay nói cách khác là để cho bút tự chạy. Kiệt miêu tả: “Khi vẽ, trong đầu cháu cũng không nghĩ đến cái gì. Cháu nghĩ vẽ cái nét ở vị trí nào đầu tiên, xong cháu hình thành dần thôi.” Nhà báo hỏi: “Tức là mình chỉ nghĩ cái nét đầu tiên thôi, còn các nét tiếp theo nó hoàn toàn tự hiện ra trong đầu và mình tô theo như thế?” Kiệt: “Vầng. Hoặc nhiều nhất, cháu chỉ vẽ một nét cuối cùng để ra được bức tranh. Ở giữa thì cháu cứ vẽ
linh tinh”.

Tuy nhiên, những nét vẽ linh tinh của Kiệt sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Những đề tài như lớp học pháp thuật, thi đấu pháp thuật… cũng là bình thường với một họa sĩ nhí. Lạ là lối diễn đạt có phần trừu tượng, thiên về đồ họa với những nét vẽ rất chắc chắn- không khác gì của người lớn, mà người lớn đó phải là họa sĩ vào loại có cá tính.

Ngoài ra Kiệt còn quan tâm tới khá nhiều đề tài “người lớn” khác, chẳng hạn Nông thôn bị đô thị hóa. Bức tranh này trông chẳng khác nào một bản đồ quy hoạch nhìn từ trên cao. Kiệt không thích nông thôn bị đô thị hóa lắm, đơn giản vì sợ “mất cơm”.

Nét vẽ cứng cỏi và vuông vức của Kiệt có lẽ cũng bắt nguồn từ công việc hàng ngày của cậu: “quy hoạch đô thị”. Hỏi thành phố của Kiệt trông ra sao, cậu trả lời: “Cháu cũng làm nhiều, cháu cũng không nhớ.” Nhưng chắc chắn là thành phố của Kiệt sẽ ít nhà cao tầng, nhiều “nhà bình thường” và cây cối. Kiệt thích nhất là vẽ quy hoạch xong, “copy” một cái ra thành phố thật luôn.

Kiệt hiện đang sống, học tập và “làm việc” cùng KTS Phó Đức Tùng và ê-kip ở Xuân Mai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Nhưng vẽ tranh thì là việc riêng của Kiệt, không ai dạy cậu. Mỗi ngày Kiệt vẽ 1-3 bức tranh. Thường khi nào về nhà “nghỉ” (kỳ nghỉ có khi kéo dài cả tuần) thì cậu cũng nghỉ vẽ luôn. Kiệt có vẻ rất chí thú với công việc. Chị Thanh, mẹ Kiệt kể: “Thỉnh thoảng con đi lâu lâu không về, mình gọi điện, bạn ấy bảo: Mẹ ơi mẹ gọi cho con ít thôi nhé, vì mỗi lần mẹ gọi con nghe con cứ nhũn hết người ra.” Chị Thanh dùng từ “bạn ấy” để nói về con trai mình.

Hiến tế thần Tivi - một bức tranh của Kiệt
Hiến tế thần Tivi - một bức tranh của Kiệt.

Ở với bác Tùng, Kiệt không có bạn cùng lứa để chơi. Nhưng không sao, cậu thích chơi với chó, mà bác Tùng lại nuôi tới 9 con. “Cháu thân với 8 con. Con còn lại cháu không thân. Vì con đấy cũng không thích cháu,” Kiệt kể. Hỏi Kiệt có hiểu các bạn chó? Trả lời: “Cháu có thể thôi.” Theo Kiệt thì chó thường cảm thấy vui nhiều hơn người: “Mỗi lần có người vào nhà nó vui thì nó sủa. Kể cả có trộm nó cũng có vẻ như là vui, không phải đuổi trộm gì đâu”.

Hỏi, Kiệt có thấy mình khác các bạn (từng) cùng học không. Trả lời: “Chắc là giống nhau thôi ạ. Cách lựa chọn của cháu khác thôi.” Bố mẹ Kiệt mất nửa năm để suy nghĩ về đề nghị của con: không đi học nữa. Lý do: “Cháu bức xúc vì ở trường không được vẽ tranh tự do. Cô giáo bắt vẽ cây cối, người chơi… Cháu không thích.” Điều nữa khiến Kiệt không thích trường học là học quá nhiều và chơi hơi ít, cho dù Kiệt hoàn toàn không phải thành phần ham chơi. Vậy là “tốt nghiệp” lớp 2, Kiệt được ở nhà, tự
“tầm sư học đạo”.

Chị Thanh, mẹ Kiệt, một phụ nữ nhỏ nhắn và hòa nhã, cho hay, khi còn đi học ở một trường quốc tế, Kiệt rất hòa đồng, thậm chí giống như một chỗ dựa tinh thần của các bạn khác, nên các bạn rất thích chơi và chia sẻ với Kiệt. Kiệt học tương đối nhanh, không lười học. “Đương nhiên một đứa trẻ phải đến trường để đi học rồi,” chị Thanh nói. “Nhưng khi anh Tùng chia sẻ quan điểm và phân tích về tính cách của bạn ấy, gia đình cân nhắc một hồi rồi cũng đồng ý. Cũng cho bạn ấy thử một thời gian, nếu bạn ấy không thích nghi, lại cho đi học bình thường”.

Kiệt cũng không phản đối quyết liệt chuyện đi học. Kiệt nói với mẹ: “Nếu mẹ bắt con về đi học thì con sẽ đi học. Nhưng nếu cho con lựa chọn thì con vẫn thích đi cùng bác Tùng.” Bác Tùng- tức KTS Phó Đức Tùng là bạn thân của bố mẹ Kiệt. Chị Thanh khẳng định: “Mình cũng phải theo dõi xem việc bạn ấy đi có thực sự tốt cho bạn ấy. Nếu con về vẫn có tư duy tốt, một ý thức tốt về những quan điểm bình thường như mọi người, thì không vấn đề gì. Nhưng nếu con có cái gì đấy không phù hợp với mọi người chẳng hạn, mình sẽ phải xem lại”.

Không chỉ hòa đồng với chúng bạn, Kiệt còn dễ dàng hòa đồng với người lớn. Mẹ Kiệt: “Nếu chơi với các bạn thì bạn ấy vẫn rất bình thường, hoàn toàn rất trẻ con. Khi làm việc với bác Tùng, với nhóm các anh KTS, bạn ấy giống như một người lớn, làm việc tương đối chuyên nghiệp đấy ạ! Mình không biết thế nào, nhưng những bản vẽ của bạn ấy bác Tùng thấy rất ổn và dùng cũng rất nhiều.”

Chị Thanh nói chị và con giống như bạn của nhau. Thậm chí mỗi khi chị có chuyện gì chia sẻ với con, Kiệt cho mẹ những câu trả lời “rất ổn”. Bố mẹ Kiệt đều là nha sĩ và mở công ty sản xuất răng giả. Bố Kiệt có năng khiếu vẽ, từng học ĐH Mỹ thuật nhưng phải nghỉ vì gia cảnh khó khăn. Kiệt có một em trai kém 1 tuổi- “hiền và dễ tính hơn anh,” chị Thanh nhận xét.

Kiệt bắt đầu vẽ từ năm học lớp 2, nhưng để vung vãi nên toàn bị mẹ vứt đi. Gần 50 bức tranh, chủ yếu vẽ bằng mực tàu bút sắt, được triển lãm lần này là do KTS Tùng giữ lại. “Thực ra nhìn tranh bạn ấy mình chẳng hiểu gì,” chị Thanh nói. “Mình bảo bác Tùng, em chẳng thấy đẹp gì cả, cứ loằng ngoằng.

Nhưng bác và những người bạn của bác đều nói bạn ấy rất có ý tưởng, và có năng khiếu. Mình nghĩ đấy là một chút khả năng gì đấy, cũng chẳng có gì đặc biệt lắm đâu ạ.” Chị Thanh không cho rằng Kiệt sẽ trở nên nổi tiếng vì những bức tranh mà cậu vẽ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG