TPHCM, Đồng Nai: Ngăn y tế cơ sở quá tải

0:00 / 0:00
0:00
Một trường hợp bệnh trở nặng phải chuyển viện cấp cứu. Ảnh: Phạm Nguyễn
Một trường hợp bệnh trở nặng phải chuyển viện cấp cứu. Ảnh: Phạm Nguyễn
TP - Những ngày qua, số ca mới mắc COVID-19 đang tăng nhanh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước trong đó có TPHCM và Đồng Nai. Trong bối cảnh nhân sự y tế tuyến cơ sở còn mỏng, các địa phương đã xảy ra tình trạng quá tải cục bộ ở những nơi tập trung nhiều ca bệnh.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 13.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế và cách ly, điều trị tại nhà, Riêng bệnh nhân F0 đang cách ly điều trị và trường hợp F1 cách ly tại nhà đã có trên 44.000. Nhiều phường ở thành phố Biên Hòa nơi tập trung đông ca mắc COVID-19, đã rơi vào tình trạng quá tải. Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, số F0 tăng nhanh trong khi lực lượng của các trạm y tế mỏng khiến việc xử lý các trường hợp F0 không đảm bảo thời gian quy định.

Nhiều người dân là F0, F1 gọi điện thoại để thông báo cho trạm y tế nhiều lần không được hỗ trợ trong nhiều ngày liền. Nhiều trường hợp là F0, F1 phải trực tiếp đến các trạm y tế phường để khai báo, nhận quyết định cách ly tại nhà…, dẫn đến quá tải tại các trạm y tế, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Ngoài ra, qua phản ánh của một số doanh nghiệp, thời gian qua có doanh nghiệp xuất hiện ca F0, báo cho trung tâm y tế địa phương nhưng không nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Sở Y tế ban hành văn bản khẩn hướng dẫn quy trình xử lý F0, F1 trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp và cơ quan chức năng thực hiện đúng, hiệu quả”.

TPHCM cố gắng không để quá tải

Tình trạng quá tải cục bộ cũng đang xảy ra tại một số quận, huyện có ca bệnh tăng cao trên địa bàn TPHCM. Ngày 29/11, trao đổi với phóng viên, BS Phạm Văn Nghĩa, Trưởng trạm Y tế xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cho biết, hiện tại nhân sự của trạm có 9 người nhưng đang phải theo dõi, hỗ trợ điều trị cho 593 F0 trên địa bàn xã.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, ngành y tế đã tăng cường nhân sự cho các trạm y tế, sẵn sàng phương án luân chuyển cán bộ từ các bệnh viện đến những điểm tập trung nhiều ca bệnh để kịp thời hỗ trợ người bệnh.

Tuy nhiên, ở hệ thống điều trị tầng 2 và tầng 3, bà Mai khẳng định số nhập viện điều trị hiện nay là hơn 11.000 trường hợp đang thấp hơn tổng số giường hiện có hơn 31.000 giường. TPHCM đang cố gắng không để tình trạng quá tải xảy ra.

Sở Y tế TPHCM đã có công văn trình Bộ Y tế đề xuất phương án triển khai chích mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19 cho những nhóm nguy cơ cao và nhóm tham gia trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch.

Bộ Y tế đã có văn bản trả lời đề xuất trên, theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương rất quan tâm vấn đề tiêm vắc xin mũi 3, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, TPHCM cần thực hiện việc tiêm vét cho người dân chưa chích ngừa mũi 2 và đặc biệt cần ưu tiên vắc xin cho nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi.

MỚI - NÓNG