Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu thăm chính thức Mỹ

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
TP - Tối qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quân sự Andrews, ở thủ đô Washington D.C, bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ kéo dài đến ngày 10/7 theo lời mời của Chính phủ Mỹ.

Đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay có đại diện Chính phủ Mỹ; Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đông đảo bà con người Việt tại Mỹ; các vị đại sứ, đại biện các nước ASEAN tại Mỹ.

Chuyến thăm đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ diễn ra sau 40 năm chấm dứt chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển tích cực, ổn định trong thời gian tới, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Hai bên cũng sẽ trao đổi, chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Theo chương trình dự kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng; dự chiêu đãi của Chính phủ Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry chủ trì; gặp Thượng nghị sĩ John McCain và các nghị sĩ thuộc lưỡng đảng; gặp đại diện các tầng lớp xã hội Việt - Mỹ. Tổng Bí thư cũng sẽ trao đổi về “Quan hệ Việt - Mỹ trong một thế giới đang thay đổi” tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế (CSIS); gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton; gặp đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ. Nhân dịp này, Tổng Bí thư dự kiến dự lễ trao giấy phép xây dựng Trường Đại học Fulbright tại Việt Nam, gặp nhóm trí thức của Đại học Havard…

Phát triển hợp tác nhiều mặt

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, kể từ sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7/2013) với việc xác lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác toàn diện”, quan hệ hai nước đạt những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực, cả về song và đa phương; sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau gia tăng. Việt Nam và Mỹ tiếp tục tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, duy trì các cơ chế đối thoại quan trọng như Đối thoại nhân quyền, Đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng, Đối thoại châu Á- Thái Bình Dương... cũng như trao đổi điện đàm về các vấn đề song phương và khu vực. Hai bên cũng từng bước thiết lập quan hệ Đảng giữa hai nước, trong đó có việc đẩy mạnh các cuộc trao đổi, tiếp xúc giữa các cơ quan Đảng.

Từ năm 2005, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 36,6 tỷ USD trong năm 2014. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong 3 năm gần đây, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tiếp tục được đẩy mạnh. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức gần 11 tỷ USD, xếp thứ 7 trong nhiều năm qua.

Mỹ chú trọng thúc đẩy quan hệ an ninh - quốc phòng với Việt Nam, xem đây là lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện. Thời gian qua, phía Mỹ tiếp tục cử nhiều đoàn quan trọng thăm Việt Nam, nổi bật có đoàn của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey (8/2014), Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus và tàu chiến Mỹ (4/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (29/5-1/6)… Hai bên đã ký Thư triển khai gói hỗ trợ 18 triệu USD (tháng 8/2014) dành cho cảnh sát biển, Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ (6/2015) trên cơ sở Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương (9/2011). Tháng 10/2014, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Hai bên duy trì đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 4 tại Washington DC (10/2013); Đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng lần thứ 7 tại Hà Nội (1/2015)…

Hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục-đào tạo, du lịch, y tế, môi trường, nhân đạo, hợp tác giữa các địa phương, về các vấn đề khu vực và đa phương cũng đang phát triển tốt. Nhân quyền là vấn đề Việt Nam và Mỹ còn khác biệt; hai bên vẫn tiếp tục duy trì đối thoại hằng năm về nhân quyền, gần đây nhất vòng 19 diễn ra ở Hà Nội tháng 5/2015.

Các học giả quốc tế:

Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng

Trao đổi với Tiền Phong, nhà nghiên cứu Murray Hiebert ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Quốc tế (CSIS) cho rằng, khó có khả năng chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chứng kiến việc ký kết thỏa thuận mới, nhưng có nhiều lĩnh vực mà hai phía có thể cải thiện quan hệ, cho dù khác biệt về hệ tư tưởng. Ông Hiebert cho rằng, Washington mong muốn tập trung thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân. Mỹ cũng sẽ rất cởi mở trong việc tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam, đặc biệt là hợp tác hàng hải.

GS Carlyle Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc ngày 6/7 có bài viết trên tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) cho rằng, cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama có rất ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh cả hai nhà lãnh đạo sẽ hết nhiệm kỳ vào năm tới. “Dù hai bên đạt được bất kỳ nhận thức gì trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì chuyến thăm cũng sẽ đặt nền tảng cho quan hệ Việt-Mỹ trong bối cảnh chuyển giao lãnh đạo ở cả hai nước”, GS Thayer nhận định. Theo ông Thayer, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (lần đầu tiên một vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ) sẽ đặt ra tiền lệ cho các chuyến thăm Mỹ của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai.

MỚI - NÓNG