Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng:

Quan hệ Việt - Mỹ đã đến lúc chín muồi

Chiều 2/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đang thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng
Chiều 2/7, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đang thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng
TP - Trao đổi với Tiền Phong, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng cho rằng, chuyến thăm Mỹ từ ngày 6 đến 10/7 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy quan hệ hai nước đã đến lúc chín muồi, và những rào cản còn lại trong quan hệ hai nước về cơ bản được giải quyết.

Nhân dịp chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Công Phụng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ năm 2008 đến 2011, về ý nghĩa chuyến thăm và quan hệ Việt-Mỹ.

Ông nhận định thế nào về ý nghĩa chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng?

Chính quyền Mỹ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm lần này cho thấy mối quan hệ hai bên đã khác. Không phải đến bây giờ họ thấy cần mới mời, mà đó là sự tích tụ cả quá trình phát triển, quan hệ Việt - Mỹ tịnh tiến đến lúc này mới chín muồi cho sự gặp gỡ của Tổng Bí thư và Tổng thống Mỹ một cách chính thức. Tổng thống Mỹ George Bush trước đây đã gặp Tổng Bí thư khi ông ấy sang đây, nhưng mời Tổng Bí thư thì đây là lần đầu tiên.

Việc họ mời Tổng Bí thư đánh dấu một bước xa hơn nữa trong việc bình thường hóa quan hệ. Tức là lâu nay, Tổng Bí thư chưa sang là quan hệ chưa chín muồi. Đây là điều thuận lợi, chắc chắn quan hệ Việt-Mỹ sẽ phát triển mạnh vì hai bên thông hiểu nhau nhiều hơn, gắn kết với nhau nhiều hơn, chia sẻ lợi ích nhiều hơn. Với việc Tổng Bí thư gặp Tổng thống Mỹ, có thể nói rào cản để phát triển quan hệ hai nước về cơ bản được giải quyết, không còn gì khó khăn.

Nhiều khác biệt đã và sẽ được giải quyết

20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ cũng là 20 năm hai nước xây dựng lòng tin. Là một cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

“Chắc chắn quan hệ Việt-Mỹ sẽ phát triển mạnh vì hai bên thông hiểu nhau nhiều hơn, gắn kết với nhau nhiều hơn, chia sẻ lợi ích nhiều hơn. Với việc Tổng Bí thư gặp Tổng thống Mỹ, có thể nói rào cản để phát triển quan hệ hai nước về cơ bản được giải quyết, không còn gì khó khăn” .

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng

Quan hệ Việt - Mỹ đang rất được quan tâm, đặc biệt là chuyến đi sắp tới sang Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mối quan hệ này khá đặc biệt, vì được xây dựng trên cơ sở không tốt đẹp gì, xuất phát từ tình trạng hai bên là kẻ thù. Khởi đầu quan hệ là quá trình đấu tranh, bàn bạc, thương lượng. Cho đến bây giờ, chúng ta rất vui mừng khi quan hệ Việt - Mỹ phát triển đến mức 20 năm trước không ai nghĩ sẽ được như vậy. Quan hệ này sâu sắc, toàn diện và hết sức hiệu quả.

Hợp tác kinh tế giữa hai nước khi tôi mới sang làm Đại sứ và thương lượng đàm phán về bình thường hóa quan hệ chỉ ở mức 600-700 triệu USD, đến nay là hơn 30 tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Từ lúc thiết lập quan hệ đến giờ, lúc nào Việt Nam cũng xuất siêu. Khi tôi sang làm Đại sứ tại Mỹ năm 2008, mới có 6.000 sinh viên Việt Nam đang học tại đó. Đến nay, chúng ta có 18.000 sinh viên đang học tại Mỹ với chất lượng cao. Nói một cách thực tế, giới trẻ Việt Nam đánh giá rất cao hệ thống giáo dục rất hiệu quả của Mỹ.

Quan hệ Việt - Mỹ đã đến lúc chín muồi ảnh 1

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng

Về chính trị, hai nước đang có quan hệ Đối tác Toàn diện sâu rộng. Năm 2010, Mỹ muốn thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam. Lợi ích của Việt Nam và Mỹ gặp nhau ở nhiều vấn đề. Hai nước đã đi được rất xa trong quan hệ song phương. Tôi cho rằng, quan hệ Việt-Mỹ là một trong những mối quan hệ song phương phát triển nhanh nhất hiện nay.

Nhìn lại 20 năm, chúng ta vui, nhưng chưa hài lòng. Nếu hai bên cố gắng hơn nữa, quan hệ có thể tiến xa hơn. Nhưng nhìn lại 20 năm qua, nhiều khác biệt được thu hẹp lại, nhiều khác biệt được giải quyết. Cái chưa giải quyết đã được khoanh vùng và kiểm soát. Điều quan trọng là 20 năm qua, hai bên đã xây dựng được lòng tin cho một quá trình lâu dài, cho dù khác biệt về thể chế chính trị.

Về khác biệt trong vấn đề nhân quyền, Việt Nam và Mỹ có đối thoại về nhân quyền rất rõ ràng, nay đã nâng lên cấp Thứ trưởng, phối hợp cả bên quốc phòng và ngoại giao để hai bên hiểu nhau hơn. Chúng ta cũng nói rõ cách nhìn nhận, lập trường của chúng ta về vấn đề nhân quyền. Mỹ muốn chúng ta thực hiện nhân quyền kiểu Mỹ, nhưng Việt Nam khẳng định mỗi nước, mỗi quốc gia có cách xử lý vấn đề nhân quyền theo truyền thống của mình, theo trình độ phát triển kinh tế. Việt Nam thực hiện cách thức dân chủ, nhân quyền theo đại đa số. Khác biệt này hai bên đang thu hẹp từ từ.

Bên cạnh đó, hội chứng chiến tranh vẫn tồn tại đến ngày nay. Trong một thời gian dài, xử lý vấn đề hội chứng chiến tranh Việt Nam khá khó khăn. Chúng tôi khi làm việc ở Mỹ cũng được “hưởng” nhiều cuộc biểu tình lắm. Nhưng một điều rất mừng là quan hệ hai nước càng phát triển thì sự chống đối của lực lượng này ngày càng giảm đi. 40 năm sau chiến tranh, những người Việt và người Mỹ gốc Việt ở Mỹ cảm thấy rằng, ai cũng cần Tổ quốc, dù quốc tịch gì, vị trí như thế nào, họ không thể bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vì thế, rất nhiều người biểu tình đã về Việt Nam. Đến nay, sự chống đối không còn đáng lo ngại nữa, cho dù vẫn phải có chính sách, bước đi mạnh hơn nữa để khiến đông đảo đồng bào mình luôn hướng về Tổ quốc, về dân tộc.

Hội chứng chiến tranh về phía Việt Nam cũng không nhỏ. Hàng triệu người Việt hy sinh hoặc bị thương, hàng triệu gia đình bị tàn phá do đế quốc Mỹ, nên sức cản quan hệ với Mỹ cũng không nhỏ. Rất khó để một bước xóa đi hận thù. Điều này cũng làm chậm quá trình hai nước xích lại gần nhau. Đây là thực tiễn, có muốn cũng không làm khác được.

Chúng tôi vẫn nói rất mừng khi thấy quan hệ hai nước sau 20 năm lại phát triển tốt đến như thế này, nhưng nếu hỏi hài lòng chưa, thì câu trả lời là chưa. Vì còn nhiều cái hai bên có thể làm sâu sắc hơn, với cái gốc là lợi ích của hai bên gặp nhau trong cục diện khu vực và thế giới hiện tại.

Song trùng lợi ích về vấn đề biển Đông

Biển Đông có phải là một yếu tố khiến Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau hơn?

Quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển rất tốt vì có sự song trùng lợi ích. Sự song trùng lớn nhất là sự duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có biển Đông. Việc Trung Quốc đang lên mạnh, đang trỗi dậy, cạnh tranh với vị trí siêu cường của Mỹ trong khu vực sẽ đe dọa đến lợi ích của Mỹ, đến cấu trúc, cơ chế mà Mỹ tạo dựng và đang giữa vai trò chủ đạo. Vì vậy, Mỹ cần hòa bình, ổn định cũng có nghĩa là cần duy trì các cơ chế của họ. Với Việt Nam, mục tiêu đối ngoại cao nhất của chúng ta là hòa bình, ổn định để hợp tác, phát triển.

Hai bên hợp nhau nên quan hệ trở nên tốt hơn, và hai bên đều cố gắng đấu tranh ngăn chặn hành vi của các nước làm mất hòa bình, ổn định. Điều Mỹ làm không phải để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam, mà Mỹ cần giữ cơ chế, cấu trúc mà Mỹ lập nên. Có người nói rằng, biển Đông khiến Việt Nam và Mỹ gắn bó với nhau hơn, nhưng thực tế không phải vậy, mà là lợi ích của hai bên gặp nhau.

Mỹ không muốn Trung Quốc khống chế biển Đông vì sẽ gây ra hệ lụy rất lớn. Chúng ta cũng không muốn Trung Quốc khống chế biển Đông vì điều đó vi phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, vi phạm tự do hàng hải, hàng không. Một cách rất tự nhiên, hai bên gắn bó lợi ích với nhau.

Hiện nay, có thể nói Mỹ là một trong những bên phản ứng mạnh nhất. Trong vấn đề biển Đông, Mỹ đang tìm cách khống chế Trung Quốc, nên các đồng minh của Mỹ như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… cũng tham gia. Đây là hệ quả liên đới đến mối quan hệ với Việt Nam.

Hơn nữa, muốn tái cân bằng, Mỹ cần có một ASEAN đoàn kết, bền vững và phát huy vai trò ngày càng cao, làm đầu tàu cho khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng cần một ASEAN thống nhất, đoàn kết. Khi ASEAN hình thành cộng đồng vào cuối năm nay, tất cả các vấn đề khu vực đều phải do ASEAN chủ đạo, điều hành.

Về yếu tố kinh tế, nếu tính tất cả những công ty xuất phát từ Mỹ và những công ty xuất phát từ Singapore, Hong Kong, Đài Loan…nhưng dùng tiền của Mỹ thì Mỹ đang là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Cảm ơn ông.

Tuần sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ

Ngày 3/7, Ban Đối ngoại Trung ương thông báo, nhận lời mời của Chính phủ Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Mỹ, từ ngày 6 đến 10/7.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong trong lễ trao giải cuộc thi và triển lãm ảnh “Quan hệ Việt - Mỹ và nước Mỹ qua ống kính các nhà nhiếp ảnh Việt Nam” diễn ra sáng qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak nói rằng, chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “chuyến thăm lịch sử, góp phần đưa quan hệ Việt - Mỹ lên một tầm mức mới”, và ông “trông chờ những kết quả tốt đẹp sau chuyến thăm này”.

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện mừng Quốc khánh Mỹ

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 239 Quốc khánh của Mỹ (4/7/1776 - 4/7/2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua gửi điện mừng tới Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi điện mừng tới Chủ tịch Thượng viện Mỹ Joseph Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gửi điện mừng tới Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.