Toàn cảnh sức mạnh, yếu huyệt quân đội Triều Tiên

Tân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một đơn vị quân đội
Tân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một đơn vị quân đội
TPO- Ngày 25/4 của 81 năm về trước, quân đội Triều Tiên được thành lập. Nhân sự kiện này, hãng tin Huffingtonpost đã có một bài đánh giá về thực lực sức mạnh quân đội nước này.

Tiền thân của Quân đội Nhân dân Triều Tiên là lực lượng Quân Tình nguyện Triều Tiên, các lực lượng du kích chống đế quốc Nhật. Cho đến bây giờ, quân đội là “trái tim” của một đất nước đặt chính sách quân sự lên hàng đầu.

Trong suốt 17 năm cầm quyền, Cố chủ tịch Kim Jong Il đã nâng cao vai trò của quân đội bằng việc tăng cường số lượng binh lính lên mức 1,2 triệu quân. Nối bước cha, tân lãnh đạo Kim Jong Un đã tiếp tục tập trung vào quân đội trong năm nay với mệnh lệnh xây dựng “lực lượng vũ khí nguyên tử". Tuy nhiên, thiết bị phục vụ quân đội nước này được đánh giá là lạc hậu và khan hiếm.

Quân đội bí ẩn này ít khi hé lộ chi tiết về các hoạt động của mình. Tuy nhiên, dựa vào phân tích những thông tin đã có, giới chuyên gia quốc tế vẫn có thể đưa ra những đánh giá về sức mạnh và điểm yếu của Quân đội Triều Tiên.

Lực lượng pháo binh

Triều Tiên đã nhắc nhở về việc pháo binh của nước này mạnh thế nào khi nã pháo vào một hòn đảo tiền đồn của Hàn Quốc làm 4 người chết vào tháng 11/2010.

Triều Tiên có lực lượng pháo binh khá mạnh
Triều Tiên có lực lượng pháo binh khá mạnh.

Hàn Quốc cho biết Triều Tiên sở hữu 13.000 cỗ pháo và các khẩu pháo tầm xa của nước này có thể bắn tới Seoul, thành phố có hơn 10 triệu người sinh sống và chỉ cách biên giới có 50km.

"Lợi thế lớn nhất của Triều Tiên là pháo binh của nước này có thể oanh tạc thủ đô của Hàn Quốc", ông Mark Fitzpatrick, một cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện đang làm tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược nhận định.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính, 70% pháo binh của Triều Tiên đặt ở vùng biên giới có thể bị “vô hiệu hóa” trong 5 ngày nếu chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên Sohn Yong Woo, một giáo sư tại Đại học Chiến lược Quốc phòng Hannam của Hàn Quốc đã đánh giá 5 ngày vẫn là quá muộn để ngăn chặn thương vong cho hàng triệu thường dân cũng như ngăn chặn một đòn tai hạn cho nền kinh tế đứng thứ tư châu Á này.

Lực lượng đặc nhiệm

Các chuyên gia cho rằng chiến tranh du kích có thể là chiến lược khả thi nhất của Triều Tiên trong trường hợp có xung đột, bởi quân đội biên chế thiếu trang thiết bị hiện đại và hỏa lực. Seoul ước tính Triều Tiên có 200.000 lính đặc nhiệm.

Lính đặc nhiệm Triều Tiên
Lính đặc nhiệm Triều Tiên.

Theo các nguồn tin từ phương Tây, năm 1968, 31 lính đặc nhiệm Triều Tiên từng tấn công phủ Tổng thống Hàn Quốc trong động thái ám sát hụt cố Tổng thống Park Chung Hee. Cũng trong năm nay, một số nguồn tin cho biết, hơn 120 đặc nhiệm Triều Tiên đột nhập vào phía đông Hàn Quốc, cuộc đụng độ xảy ra khiến khoảng 20 người thiệt mạng.

Năm 1996, 26 lính đặc nhiệm Triều Tiên đã xâm nhập vào vùng núi ở Đông Bắc Hàn Quốc, sau khi chiếc tàu ngầm chở họ bị hỏng. Hai bên đối đầu khiến hầu hết những người lính này cùng 13 người ở phía Hàn Quốc thiệt mạng.

Nhận xét về lực lượng này của Triều Tiên, ông Kim Yeon Su, giáo sư tại trường Đại học Quốc phòng Hàn Quốc nói: "Đặc nhiệm Triều Tiên là một thành phần chủ chốt trong quân đội bên cạnh bom nguyên tử, tên lửa và pháo binh. Mục tiêu của lực lượng này là tạo ra càng nhiều mặt trận càng tốt, nhằm khiến đối phương rối loạn".

Thủy, lục, không quân

Tháng 3/2010, 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng trong một vụ tấn công vào tàu chiến của họ tại biển Hoàng Hải, Hàn Quốc cáo buộc tàu ngầm Triều Tiên đứng sau vụ tấn công song Triều Tiên đã lên tiếng phủ nhận.

Từ năm 1999, Hải quân Hàn Quốc và Triều Tiên đã có 3 cuộc đụng độ đẫm máu gần khu vực tranh chấp ở Hoàng Hải. Các chuyên gia cho biết, những cuộc tranh chấp giữa hai nước cho thấy mặc dù Hàn Quốc vượt trội về hỏa lực và công nghệ, Triều Tiên lại có yếu tố bất ngờ.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên có 70 tàu ngầm trong khi Hàn Quốc chỉ có 10. Các mối đe dọa đáng sợ nhất từ lực lượng hải quân Triều Tiên đó là tàu ngầm nhỏ rải biệt kích dọc bờ biển Hàn Quốc, ông John Pike, người đứng đầu tổ chức Globalsecurity.org cho biết.

Về không quân, Triều Tiên có 820 chiếc máy bay các loại, số lượng nhiều hơn Hàn Quốc dù nước này được Mỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, theo Hàn Quốc, phần lớn máy bay Triều Tiên đều đã lỗi thời và tình trạng thiếu nhiên liệu đã buộc không quân phải giảm bớt số chuyến bay.

"Triều Tiên sẽ không thể tổ chức chiến tranh trong thời gian dài. Vấn đề lớn nhất là Triều Tiên có thể nhanh chóng mất quyền kiểm soát bầu trời vì sự vượt trội của không quân Mỹ và Hàn Quốc. Ngoài ra, số lượng máy bay của Triều Tiên như báo cáo cũng vô nghĩa vì nhiều chiếc trong đó không thể bay và phi công Triều Tiên cũng ít được huấn luyện", ông Fitzpatrick nói.

Bên cạnh đó, hậu cần và cung ứng cũng là một vấn đề. Các thiết bị hạng nặng do hải quân và không quân triển khai thường đòi hỏi phải được được sửa chữa cẩn thận, đặc biệt là khi chúng phải hoạt động trên địa hình gồ ghề như bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã ước tính rằng nguồn lực quân sự dự trữ của Triều Tiên, chủ yếu được lưu trữ dưới lòng đất, chỉ đủ đáp ứng khoảng 2-3 tháng chiến tranh.

Ông Sohn cho biết: “Cơ hội chiến thắng duy nhất của Triều Tiên trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào phụ thuộc vào tốc độ”. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng bù lại tình trạng thiếu hụt trang thiết bị quân sự bằng đội ngũ nhân lực lớn. Mặc dù chỉ có 25 triệu dân, nhưng nước này lại có tới 7,7 triệu quân dự bị.

Tên lửa và vũ khí hạt nhân

Triều Tiên tuyên bố nước này cần phát triển vũ khí hạt nhân nhằm chống lại sự hung hăng của Mỹ. Nước này đã tiến hành 3 cuộc thử hạt nhân dưới lòng đất kể từ năm 2006 và lần gần đây nhất vào tháng 2.

Triều Tiên tuyên bố tên lửa nước này có thể nhắm tới Mỹ
Triều Tiên tuyên bố tên lửa nước này có thể nhắm tới Mỹ.

Bình Nhưỡng được cho là có đủ lượng plutonium cấp độ vũ khí để có thể sản xuất 4-8 quả bom nguyên tử, theo Siegfried Hecker, một chuyên gia về hạt nhân tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford.

Tuy nhiên, ông nghi ngờ về khả năng Triều Tiên có thể làm chủ được công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa. Ông nói: “Tôi không tin Triều Tiên đã có khả năng tấn công Mỹ bằng tên lửa đầu đạn hạt nhân và việc này sẽ không xảy ra trong nhiều năm tới”.

Ông Bruce Bennett, chuyên gia của Rand Corp. cho biết, việc Triều Tiên sở hữu tên lửa hạt nhân tầm xa có thể nhắm tới Mỹ là rất khó xảy ra nhưng khả năng về tên lửa tầm trung có vẻ hợp lý hơn.

Vũ khí sinh học và hóa học

Triều Tiên bác bỏ việc nước này có các chương trình vũ khí sinh học và hóa học. Tuy nhiên, Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng đang sở hữu tới 5.000 tấn vũ khí hóa học.

Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế nói rằng dù con số này mang tính phỏng đoán cao, nhiều khả năng Triều Tiên có sở hữu các chương trình vũ khí sinh học và hóa học. Theo các chuyên gia, dù chưa rõ vũ khí sinh học và hóa học của Triều Tiên ra sao, nhưng giả định rằng nước này có sở hữu thứ vũ khí trên giúp tạo nên yếu tố răn đe nhất định với các kẻ thù tiềm năng.

Triều Tiên hiện chưa ký vào Công ước về vũ khí hóa học, nhưng đã tán thành Công ước về Vũ khí sinh học và độc tố.

Phan Yến
Theo Huffingtonpost

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
TPO - Nhằm động viên, hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô giáo và các trường học bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Wonder Union cùng báo Tiền Phong đã trao nhiều phần quà giá trị cho các học sinh, giáo viên công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.