Thất thế ở Trung Đông, các tay súng IS sẽ đi đâu?

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Việc chính phủ Iraq dưới sự trợ giúp của Mỹ và các đối tác liên minh giải phóng hoàn toàn thành phố Mosul khỏi sự chiếm đóng của lực lượng khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đánh dấu sự hiện diện của IS ở quốc gia Trung Đông này đã tới hồi cáo chung.

Câu hỏi đặt ra lúc này là các tay súng IS sẽ đi về đâu. Đây chính là câu hỏi mà các chính phủ các nước châu Âu đã vật lộn một thời gian để tìm câu trả lời. Đặc biệt, câu hỏi này càng trở nên cấp bách khi lãnh thổ mà IS chiếm đóng ở Iraq không còn nữa và lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở Syria đang ngày càng bị thu hẹp. 

IS sẽ đi về đâu?

Sau cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001 và cuộc xâm lược Afghanistan, nhiều kẻ ủng hộ al- Qaeda biến mất, đơn thuần là trở lại cuộc sống trước đây của chúng hoặc chờ cơ hội một cuộc chiến tranh khác nổ ra. Nhiều kẻ mất hút rất khó tìm ra dấu vết. Và điều tương tự cũng sẽ xảy ra với những kẻ ủng hộ IS sau khi chúng bị đánh bật khỏi Iraq. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, khi sự thống trị của IS tại Iraq sụp đổ và lãnh thổ IS kiểm soát tại Syria ngày càng thu hẹp nhiều tay súng IS sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Một số kẻ khác sẽ bị quân đội Iraq bắt. Thậm chí một số tên sẽ chạy sang Syria - nơi IS vẫn kiểm soát một số vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, sẽ có một số tay súng tìm đường trở về quê hương, trong đó có rất nhiều tay sung người Arập, người châu Phi, người châu Âu và người châu Á tìm đường sang Syria và Iraq, tin tưởng vào lý tưởng của IS, hoặc thậm chí bị tẩy não bởi sự tuyên truyền của IS đến mức sẵn sàng gia nhập tổ chức này.

Ở Syria và Iraq, những người quay lại có thể trở về quê hương bản quán - nơi những người hàng xóm biết rõ họ là ai và họ đã làm gì. Trong khi đó ở châu Âu, cộng đồng người Hồi giáo tỏ ra không hề có thiện cảm đối với những người từng là tay súng của IS.

Đặc biệt, vào thời điểm khi mà châu Âu đang phải "thắt lưng buộc bụng" vì khủng hoảng kinh tế, việc dùng nguồn công quỹ hạn hẹp để hỗ trợ những người từng có sự lựa chọn sai lầm sẽ không nhận được sự đồng tình của công chúng.

Khi được hỏi về cách giải quyết vấn đề những tay súng quay về, mọi người thường né tránh vấn đề đạo đức, luật pháp và chính trị, mà chỉ đề cập đến việc tống giam những kẻ quay lại, hay đơn giản là tước quyền công dân và bỏ mặc chúng. 

Bài toán nan giải đối với các nước châu Âu

Vấn đề IS khiến các nước châu Âu đang rất đau đầu, không biết sẽ làm phải làm gì. Có tới hàng trăm tay súng được cho là đã trở về các nước châu Âu nhưng mới chỉ có một số nhỏ phải ra hầu tòa. Hai nước có nhiều công dân tới tham chiến trên lãnh thổ của IS nhất tính theo đầu người, là Bỉ và Đan Mạch, đã có những giải pháp hoàn toàn khác nhau. 

Bỉ đã dành một nguồn lực đáng kể để lần theo dấu vết các phong trào của những kẻ đã tới Syria, chặn thư điện tử và các cuộc điện thoại của chúng, và tìm cách đưa chúng ra xét xử khi chúng về nước.

Trái lại, Đan Mạch áp dụng các biện pháp trong chính sách ngăn chặn tội phạm của nước này, tạo cơ hội cho những kẻ trở về tham dự các chương trình giáo dục để chúng bớt quá khích và được những người có uy tín kèm cặp hướng dẫn. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu một biện pháp quá khoan dung có thể khiến những kẻ theo thánh chiến tin rằng có thể trở về mà không phải trả giá, khiến chúng ở lại chiến đấu lâu hơn, hoặc trở về với âm mưu phá hoại.

Mặt khác, một biện pháp quá cứng rắn sẽ khiến những công dân muốn trở về bị mắc kẹt trong lãnh thổ của IS. Điều đó còn đồng nghĩa với khả năng thất bại trong việc xét xử một kẻ trở về, tạo ra tiền lệ xấu, hoặc phải bỏ tù quá nhiều nam thanh niên tạo cơ hội cho chúng có cơ hội truyền bá tư tưởng quá khích cho nhau trong khi bị giam giữ.

Cũng sẽ có những kẻ - vốn đang cân nhắc việc ra đi cũng như những hình phạt nghiêm khắc mà chúng có thể phải đối mặt - có thể quyết định ở lại trong nước và lên kế hoạch tấn công.

Đây thực sự là những vấn đề rất nan giải đối với các nước châu Âu trong kỷ nguyên hậu IS. 

MỚI - NÓNG