Đây là thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tiết lộ hôm qua. Hiện chưa có thông tin chi tiết về kinh phí nhưng kế hoạch củng cố lực lượng này của Nga được cho là sẽ khá tốn kém và mất nhiều thời gian do kinh tế Nga đang rơi vào suy thoái do tác động kép của giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Shoigu nói rằng, việc NATO triển khai lực lượng sát các biên giới của Nga đã làm dấy lên lo ngại. Và để đối phó với động thái này, Nga sẽ lập ra các đơn vị mới ở quân khu phía Tây. Ông tiết lộ, lực lượng quân đội của Nga ở phía tây sẽ tiếp nhận 1.100 hệ thống vũ khí mới, trong đó bao gồm các máy bay, trực thăng chiến đấu, xe tăng và các phương tiện bọc thép khác.
Ở khu vực phía đông, quân đội Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại Bal và Bastion cùng với các máy bay không người lái mới tới phía nam quần đảo Kuril - nhóm đảo đang tranh chấp chủ quyền mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía bắc. Quần đảo Kuril vốn là khu vực tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản, 2 nước chưa kí hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II. Kuril bao gồm 4 đảo nhỏ là Shikotan, Khabomai, Iturup và Kunashir.
Theo kế hoạch, Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa chống hạm tới quần đảo này để có khả năng tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 300km. Ông Shoigu cho biết thêm, Nga cũng đang cân nhắc lập một căn cứ hải quân ở Kuril. Các tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga dự kiến sẽ thăm khu vực này vào mùa hè tới để nghiên cứu địa điểm khả thi.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cho biết, quân đội nước này sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện ở khu vực Bắc cực. Trong một phần nỗ lực nhằm xây dựng các cơ sở quân sự trên đảo Wrangel và Mũi Schmidt (Viễn Động Nga), năm ngoái quân đội Nga đã vận chuyển 9.500 tấn thiết bị và nguyên liệu tới đây.
Điện Kremlin cho biết, việc Nga tăng cường hiện diện ở khu vực này là nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia ở Bắc cực trong bối cảnh cộng động quốc tế ngày càng quan tâm đến nguồn tài nguyên dầu mỏ và tài nguyên khác ở đây.
Trong khi đó, ở Siberia, quân đội Nga sẽ tập trung triển khai các hệ thống tên lửa phòng không để bảo vệ khu vực rộng lớn này.
Kế hoạch trên được đưa ra không lâu sau khi tại cuộc họp hồi đầu tháng 2 vừa qua, 28 Bộ trưởng Quốc phòng thành viên NATO đã nhất trí tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết lực lượng phản ứng nhanh đồn trú tại 6 Đông Âu, sẽ được tăng 13.000 lên 40.000 quân; và NATO sẽ thành lập thêm một lực lượng can thiệp 5.000 quân.
Ngoài ra, NATO sẽ mở thêm 2 trung tâm chỉ huy mới và triển khai nhiều chiến đấu cơ tại các nước Baltic, cụ thể là 5 máy bay F16 của Bỉ được triển khai ở căn cứ không quân Amari (Estonia), tàu ngầm trên Biển Đen. Đến 2017, Mỹ sẽ cấp 3,4 tỷ ÚD cho sáng kiến “tái trấn an châu ÂU” thông qua tái luân chuyển binh sĩ và các phương tiện chiến đấu (xe tăng, xe bọc thép).