Mỹ tái khẳng định kề vai với Nhật, Hàn

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Japan Times
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Japan Times
TP - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm qua khẳng định, Washington sát cánh “100%” với Tokyo. Thăm Hàn Quốc trước đó, ông Mattis tái khẳng định kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khiến Trung Quốc “ngồi trên đống lửa”.

"Chúng tôi đồng hành vững chắc, 100%, vai kề vai với các bạn và nhân dân Nhật Bản”, Bộ trưởng Mattis nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến Tokyo từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, CNN đưa tin.

“Tôi muốn khẳng định chắc chắn rằng Điều 5 trong hiệp ước quốc phòng song phương của chúng ta đã được thấu hiểu và là thực tế đối với chúng ta hiện nay giống như cách đây 1 năm, 5 năm trước và sẽ vẫn như vậy sau 1 năm nữa cũng như 10 năm tới”, ông Mattis nói. Điều 5 quy định trách nhiệm của Mỹ phải bảo vệ các vùng lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát hành chính của Nhật Bản.

Nhật Bản gần đây rất muốn một sự bảo đảm từ chính quyền Donald Trump rằng Mỹ sẽ tiếp tục chính sách trước đây nhằm bảo vệ quần đảo trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Thủ tướng Abe nói ông tin tưởng rằng, với Tổng thống Trump và Bộ trưởng Mattis, Mỹ và Nhật Bản có thể thể hiện với thế giới về quan hệ đồng minh vững vàng của hai nước, Japan Times đưa tin.

Răn đe mở rộng

Trước khi đến Nhật Bản, ông Mattis thăm Hàn Quốc để thảo luận về vấn đề Triều Tiên và kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Việc triển khai hệ thống này được tái khẳng định sau khi ông Mattis gặp quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tại Seoul.

Ông Mattis nói rằng cam kết an ninh của Washington đối với Seoul bao gồm việc triển khai THAAD và “sự răn đe mở rộng” của Mỹ, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin. “Răn đe mở rộng” nghĩa là sự cam kết của Mỹ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào đồng minh của họ. Chuyến đi 2 ngày của ông Mattis đến Hàn Quốc và Nhật Bản là chuyến công du đầu tiên của một quan chức trong nội các của Tổng thống Trump, nói lên tầm quan trọng của khu vực Đông Á trong chính sách của chính quyền mới.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, việc Hàn Quốc và Mỹ khẳng định lại cam kết triển khai hệ thống THAAD sẽ vấp phải phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh. Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua bình luận, thứ mà chính quyền Trump mang đến khu vực “có vẻ là món quà gặp mặt nguy hiểm”. “Dù vẫn còn sớm để đánh giá chính sách tổng thể của Nhà Trắng đối với châu Á, nhưng những phát súng cảnh cáo đã được bắn ra, cho thấy rằng vị tỷ phú trở thành chính khách có thể sẽ chơi theo đường lối đã được chứng minh là khiêu khích và không hiệu quả”, bài bình luận viết. 

Washington và Seoul năm ngoái thông báo kế hoạch sẽ triển khai THAAD vào cuối năm 2017. Bắc Kinh nhiều lần kịch liệt phản đối kế hoạch này vì cho rằng tầm bao phủ radar của hệ thống THAAD là nhằm kiểm soát Trung Quốc.

Ông Lu Chao, Giám đốc Viện Nghiên cứu biên giới tại tỉnh Liêu Ninh, nói rằng, Trung Quốc đang theo dõi sát sao bước đi tiếp theo của Mỹ ở Đông Á. “Chuyến thăm quan trọng của ông Mattis là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với đảng bảo thủ ở Hàn Quốc sau khi bà Park Geun-hye bị phế truất”, ông Lu nhận định. Ông Lu nói rằng, Bắc Kinh đang rất cảnh giác trước “bất kỳ bước đi nào thêm nữa của Mỹ và Hàn Quốc nhằm làm hại an ninh của Trung Quốc”, và sẽ đáp trả theo cách “ăn miếng trả miếng”.

Ông Cui Zhiying, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bán đảo Triều Tiên tại ĐH Đồng Tế (Trung Quốc), cho rằng, Bộ trưởng Mattis thăm Seoul lần này nhấn mạnh mối đe dọa từ Triều Tiên nhưng mục tiêu thực sự của Washington chính là Trung Quốc. “Chính sách “Mỹ là trên hết” của ông Trump có thể dẫn đến việc Mỹ rút khỏi nhiều vấn đề của thế giới, nhưng ông ấy sẽ củng cố hiện diện của Mỹ ở Đông Bắc Á”, ông Cui nhận định. “Lý do chính mà Mỹ đang tăng cường đồng minh với Hàn Quốc là để kiềm chế Trung Quốc”, ông Cui nói.

Hôm qua, Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin nói rằng, Mátxcơva sẽ xem xét thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh của mình nếu Washington tiếp tục triển khai THAAD ở
Hàn Quốc.

Trung Quốc đổi giọng

Báo Hong Kong South China Morning Post vừa dẫn nguồn tin ngoại giao nói rằng, Trung Quốc đang chuyển cách đối xử với Hàn Quốc để Seoul trì hoãn kế hoạch triển khai THAAD với Mỹ. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, cơ hội để Trung Quốc đạt được điều này rất mong manh.

Tháng 7 năm ngoái, Bắc Kinh nổi giận đùng đùng sau khi Hàn Quốc đồng ý để Mỹ triển khai THAAD. Kể từ đó, những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm đối thoại với các quan chức ngoại giao của Trung Quốc đều bị Bắc Kinh từ chối, một nhà ngoại giao giấu tên của Hàn Quốc cho biết. Tuy nhiên, nguồn tin này nói rằng, thái độ của Bắc Kinh đã thay đổi sau khi chính quyền của bà Park bị chấn động sau vụ bê bối liên quan bạn thân của tổng thống.

“Họ (các quan chức ngoại giao Trung Quốc) nay sẵn sàng thảo luận vấn đề THAAD với chúng tôi. Họ trước đây rất cứng rắn về vấn đề này, nhưng giờ họ nói họ hiểu mối bận tâm an ninh của Hàn Quốc đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng hy vọng Hàn Quốc sẽ không triển khai THAAD quá nhanh”, quan chức giấu tên nói. Nhà ngoại giao này không nêu lý do cho sự thay đổi của Trung Quốc, nhưng giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh có thể đang muốn kéo dài thời gian và cơ hội cho sự thay đổi chính sách nếu một trong các đảng đối lập ở Hàn Quốc với quan điểm phản đối THAAD có cơ hội lên cầm quyền.

Theo ông Sun Xingjie, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Cát Lâm (Trung Quốc), ít nhất vẫn còn cơ hội thay đổi, nhưng nếu việc triển khai THAAD được hoàn tất thì mọi sự đã an bài. Giới phân tích nhận định, Bắc Kinh sẽ rất khó thuyết phục Seoul từ bỏ THAAD.

Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, “Iran đang đùa với lửa” sau khi phóng thử tên lửa đạn đạo ngày 29/1. Dự kiến, ông Trump sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số tổ chức của Iran, BBC dẫn nhiều nguồn tin Mỹ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 2/2 gửi điện mừng tới ông Rex Tillerson, cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tập đoàn dầu mỏ Exxol Mobil, nhân dịp ông được Thượng viện Mỹ chính thức thông qua đề cử trở thành Ngoại trưởng. Ông Tillerson, 64 tuổi, giữ cương vị mới trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ với nhiều đồng minh, đối tác đối mặt không ít thách thức từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.