Đánh bom liên hoàn ở Bỉ: IS nhận trách nhiệm

Hai phụ nữ bị thương khi bom nổ ở sân bay Brussels sáng qua. Ảnh: AP
Hai phụ nữ bị thương khi bom nổ ở sân bay Brussels sáng qua. Ảnh: AP
TP - Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tối qua lên tiếng nhận trách nhiệm ba vụ đánh bom tại sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels của Bỉ khiến ít nhất 35 người thiệt mạng, gần 200 người bị thương. Cảnh sát Bỉ đang truy tìm nghi phạm mặc áo trắng.

Gần 8h (giờ Bỉ) sáng 22/3, hai quả bom phát nổ gần hai quầy làm thủ tục trong sảnh đi của sân bay quốc tế Brussels (còn gọi là sân bay Zaventem), khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, 81 người bị thương. Hơn một giờ sau, một quả bom phát nổ tại ga tàu điện ngầm Maelbeek ở trung tâm khu châu Âu của Brussels, sát các tòa nhà của Liên minh châu Âu (EU), làm hơn 20 người chết, ít nhất 106 người bị thương. Ba vụ tấn công đẫm máu diễn ra vài ngày sau khi cảnh sát Bỉ bắt giữ Salah Abdeslam - nghi phạm chính trong vụ khủng bố ở Paris cuối năm ngoái. 

Sau ba vụ tấn công mà Thủ tướng Bỉ Charles Michel gọi là “thời khắc đen tối” đối với Bỉ, hệ thống giao thông công cộng ở Brussels tạm dừng, cảnh sát chống khủng bố lục soát nhiều ngôi nhà ở thủ đô, lực lượng an ninh được tăng cường trên nhiều tuyến phố. Trong khi đó, an ninh cũng được tăng cường ở các điểm giao thông trọng yếu tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, như Paris, London, New York, Berlin… Cảnh sát Bỉ hôm qua truy tìm một người đàn ông mặc áo trắng xuất hiện trong một bức ảnh có sự góp mặt của hai người đàn ông mặc áo đen. Nhiều người tin rằng, ba đối tượng này tấn công sân bay Brussels và hai người mặc áo đen đã đánh bom tự sát.

Đánh bom liên hoàn ở Bỉ: IS nhận trách nhiệm ảnh 1

Sảnh đi của sân bay Brussels tan hoang sau vụ đánh bom tự sát.

Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon thông báo 3 ngày quốc tang. Quan chức phụ trách đối ngoại châu Âu, bà Federica Mogherini, bật khóc trong bài phát biểu tại Brussels. Hôm qua “đúng là một ngày cực kỳ buồn với châu Âu”, bà nói. Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi thông điệp ủng hộ Bỉ chống lại “tai họa khủng bố”. Ông cũng gửi lời chia buồn trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel. Hôm qua, EU ra tuyên bố, trong đó có đoạn: “EU thương tiếc các nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố hôm nay ở Brussels. Đó là sự tấn công vào xã hội dân chủ mở của chúng ta… Chúng ta sẽ đoàn kết và vững mạnh trong trận chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan bạo lực, thù hận”.

Đánh bom liên hoàn ở Bỉ: IS nhận trách nhiệm ảnh 2

Bỉ tăng cường cảnh sát đặc nhiệm, chống khủng bố trên đường phố thủ đô.

Ông Amin Awad, quan chức Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm trợ giúp những người tị nạn Trung Đông, hôm qua chỉ trích những người hướng cơn giận dữ trước các vụ tấn công ở Brussels vào các nạn nhân chạy trốn cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria hay bạo lực ở nhiều nơi khác. “Việc gộp tất cả họ lại với nhau và nói rằng người tị nạn đang gây ra nguy cơ an ninh là không đúng. Bất kỳ sự thù địch nào (đối với người tị nạn) vì những vụ tấn công ở Brussels hay Paris đều là sai lầm”, ông Awad nói.

Những nguyên nhân sâu xa

Một trong những câu hỏi được đặt ra trong lúc này là, tại sao những kẻ khủng bố nhằm vào Bỉ? Theo các nhà phân tích, hội nhập kém, bất ổn chính trị và chủ nghĩa cực đoan gia tăng khiến một số người cho rằng những vụ tấn công hôm qua không quá bất ngờ. Có những lý do để hoạt động cực đoan tập trung ở quốc gia nhỏ bé này. Theo nhiều người châu Âu, trong những lý do ấy có cộng đồng người Hồi giáo thiểu số không mấy hòa nhập; tỷ lệ thất nghiệp cao ở những người trẻ trong cộng đồng này; sự sẵn có của các loại vũ khí, thiết bị thông tin liên lạc công nghệ cao và mạng lưới giao thông xuyên suốt đất nước.

Đánh bom liên hoàn ở Bỉ: IS nhận trách nhiệm ảnh 3

3 nghi phạm tấn công sân bay. Ảnh: BBC

Chính quyền Bỉ cũng bị cho là thiếu nguồn lực, chính trị nội bộ không ổn định. Cũng như nhiều nước khác, Bỉ chứng kiến sự lan tỏa nhanh chóng của tư tưởng bạo lực qua mạng xã hội, từ đó kích thích bạo lực, tư tưởng hận thù, thiếu bao dung và bảo thủ. Nguyên nhân sâu xa của tình hình hiện nay có từ nhiều năm trước. Bỉ từng trải qua làn sóng khủng bố trong những năm 1980 và 1990 liên quan bất ổn ở Trung Đông. Hiện nay, Bỉ là nơi sản sinh ra số lượng phần tử cực đoan nhiều hơn bất kỳ quốc gia Tây Âu nào nếu xét theo quy mô dân số, báo Guardian đưa tin.

Sau khi nhận được tin về vụ khủng bố tại Brussels, ngày 22/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Nhà Vua Bỉ Philippe I; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Thủ tướng Bỉ Charles Michel. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Didier Reynders.

MỚI - NÓNG