APEC thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Đối thoại. Ảnh: TTXVN.
TP - Sáng 16/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai. Các đại biểu đã trao đổi về biện pháp thúc đẩy nỗ lực hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư…

Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là một trong những hoạt động quan trọng nhất về cả tầm vóc và quy mô trong dịp Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và các cuộc họp liên quan, do Việt Nam phối hợp Ban Thư ký APEC quốc tế và Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) tổ chức.

Phát biểu chỉ đạo Đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển. Chúng ta cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung”.

Mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các thành viên APEC “chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn”. Mô hình đó là phải bảo đảm tính bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; phải góp phần đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức về kinh tế - xã hội; thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực, chủ động…

APEC cần đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, đặc biệt là các vấn đề về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tình trạng bất bình đẳng thu nhập, các thảm họa về thiên tai, bệnh dịch… “APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là diễn đàn hợp tác tự nguyện, linh hoạt để thực sự là nơi khởi xướng ý tưởng, đổi mới sáng tạo và là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. APEC phải là nơi gắn kết các cơ chế hợp tác khác nhau trong khu vực nhằm xây dựng hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu ngày càng gắn kết hiệu quả”, Chủ tịch nước kết luận.

Tại phiên khai mạc, đồng Chủ tịch Hội đồng PECC Donald Campbell cũng có phát biểu chào mừng, nêu rõ: “Các thành viên của Diễn đàn đang đứng trước cơ hội xác định tầm nhìn dài hạn nhằm định hướng cho việc hình thành các chính sách và quy định bảo đảm cho mọi người dân được hưởng lợi từ những thay đổi này”.

Phát biểu dẫn đề tại phiên toàn thể thứ nhất, nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Pascal Lamy nói rằng, cần có các chính sách xã hội phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong một “thế giới thương mại đang thay đổi”. Cũng tại phiên này, các đại biểu thảo luận về triển vọng của thế giới đến năm 2050; thay đổi trong trật tự và quản trị kinh tế toàn cầu cũng như của cục diện kinh tế khu vực; cơ hội, thách thức đặt ra đối với các nền kinh tế; tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Phiên thảo luận thứ hai tập trung vào các góc nhìn đa chiều về triển vọng APEC và châu Á - Thái Bình Dương, kết quả rà soát việc thực hiện các mục tiêu Bogor…

Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận nhóm về biện pháp thúc đẩy nỗ lực hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, nội dung hợp tác của APEC sau năm 2020 và các bước tiến tới hình thành tầm nhìn cho Diễn đàn sau năm 2020.

MỚI - NÓNG