Anh muốn giữ quan hệ thân thiết với EU sau khi 'chia tay'

Thủ tướng Anh David Cameron mong muốn giữ mối quan hệ thân thiết với các quốc gia EU sau khi Brexit
Thủ tướng Anh David Cameron mong muốn giữ mối quan hệ thân thiết với các quốc gia EU sau khi Brexit
TPO - Trong cuộc họp hôm 28/6 tại Hội nghị thượng đỉnh của EU khai mạc ở Brussels, Bỉ nhằm thảo luận về những hậu quả Anh phải gánh chịu sau khi bỏ phiếu ủng hộ Brexit, Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ mong muốn duy trì mối quan hệ thân thiết với các nước trong EU đồng thời tiếp tục tiếp cận thị trường các nước này.

Ông David Cameron cũng thể hiện sự bất mãn trước nguyên tắc tự do di chuyển lao động, nguyên tắc có thể dẫn đến hiện tượng nhập cư ồ ạt vào Anh. Ông hối thúc EU linh hoạt hơn đối với quy tắc quốc tế cho phép công dân EU có quyền sống và làm việc tại các nước thành viên khác nếu muốn duy trì mối quan hệ kinh tế thân thiết với Anh.

Tuy nhiên các lãnh đạo EU khác trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande từ chối lời kêu gọi của Thủ tướng Anh với một thông điệp đơn giản: thâm nhập hoàn toàn thị trường EU có nghĩa là phải chấp nhận di chuyển tự do.

Anh đang gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan khi tiến tới các cuộc đàm phán với EU về mối quan hệ tương lai giữa hai bên. Đối với Anh, để giữ mối quan hệ thương mại thân thiết với khối thì tất nhiên sẽ phải chấp nhận nhiều nghĩa vụ, trong đó một số nghĩa vụ những người lựa chọn Brexit không hề hay biết.

Tổng thống Pháp Hollande nói: “Để tiếp cận thị trường nội địa, một quốc gia phải tôn trọng 4 quyền tự do “lưu thông hàng hoá, vốn, các dịch vụ và người dân. Ngoài ra cũng phải đóng góp vào ngân sách EU”.

Ông Hollande cũng cảnh báo rằng sau Brexit, các giao dịch bằng đồng euro sẽ không thể bị xoá khỏi thành phố London. Việc Anh là thành viên của EU cho phép các tổ chức nằm tại nước này có quyền xử lý các giao dịch tài chính bằng đồng euro, một nguồn tiền quan trọng trong hoạt động kinh doanh tại London.

Thủ tướng Đức Merkel cũng cho rằng lợi ích của các nước EU sẽ là ưu tiên trong các cuộc đàm phán về “ly dị” với Anh. Nhưng trước khi đàm phán, lãnh đạo của 27 nước thành viên EU “cần tự hỏi lợi ích của mình là gì”. Bà Merkel nhận thấy Anh sẽ không thể nào phớt lờ đi hậu quả của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker cho biết, sẽ không có chuyện một nước từng là thành viên có quyền tiếp cận với thị trường EU như trước khi ra khỏi khối. Tuy nhiên đây là vấn đề nằm trong các cuộc đàm phán tiếp theo.

Trước đó, bà Merkel cũng cho rằng sẽ không thể được quyền tiếp cận thị trường hàng hoá và dịch vụ các nước EU nếu không chia sẻ một số nghĩa vụ thành viên.  Bà phát biểu trước Quốc hội Đức: “Người muốn rời khỏi một gia đình không thể mong đợi việc một số nghĩa vụ được bỏ đi trong khi những đặc quyền vẫn tiếp tục được tồn tại”.

Theo Theo Wall Street Journal
MỚI - NÓNG