Nga giúp Mỹ thoát 'chiếc bẫy chính trị' Syria?

Nga giúp Mỹ thoát 'chiếc bẫy chính trị' Syria?
TPO-Nhờ Nga, ông Obama hy vọng duy trì được nước Mỹ như một siêu cường duy nhất, có thể giải quyết được vấn đề Afghanistan mà không phải tháo chạy nhục nhã, ổn định được Iraq và giải quyết êm đẹp Syria

Nga giúp Mỹ thoát 'chiếc bẫy chính trị' Syria?

> Báo Nga: Nhật đang chuẩn bị chiến tranh

> Quân chính phủ Syria thắng lớn lực lượng nổi dậy 

TPO-Nhờ Nga, ông Obama hy vọng duy trì được nước Mỹ như một siêu cường duy nhất, có thể giải quyết được vấn đề Afghanistan mà không phải tháo chạy nhục nhã, ổn định được Iraq và giải quyết êm đẹp Syria

Theo sáng kiến của Nga về việc chuyển vũ khí hóa học Syria nằm dưới sự kiểm soát quốc tế đã giảm tình hình căng thẳng trên trường quốc tế và thu hẹp khả năng tấn công của Mỹ đối với Syria.

Tuy nhiên, để xâu chuỗi các sự kiện nguyên nhân – kết quả trong câu chuyện này quả thật không đơn giản như vậy. Những giải thích quá rõ ràng về những sự kiện đang xảy ra sẽ là những đánh giá lầm lẫn. Một câu hỏi đặt ra là trên thực tế Mỹ liệu có mong muốn chiến tranh với ông al-Assad?

Nga giúp Mỹ thoát 'chiếc bẫy chính trị' Syria? ảnh 1
 

Tình huống diễn ra khá kỳ lạ, khi Ngoại trưởng Mỹ Kerry lỡ miệng tuyên bố Syria sẽ tránh được đòn tấn công nếu giao nộp vũ khí hóa học trong vòng một tuần. Ngay trong hôm đó, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lập tức nêu sáng kiến nhằm mục đích ngăn chặn hoạt động quân sự đơn phương chống lại Damascus. Hôm sau, chính quyền Syria đã đồng thuận với sáng kiến của Moscow. Tiếp đó, ông Barack Obama phát biểu trước công chúng Mỹ, tuyên bố rằng hành động quân sự chống Syria có thể tạm thời dừng lại nhưng vẫn duy trì khả năng trừng phạt quân sự.

Kỳ lạ đến chóng mặt

Tổng thống Mỹ đã đã phát biểu kêu gọi người dân Mỹ và tuyên bố chắc chắn trong tình huống phát triển như vậy đòn trừng phạt Syria sẽ tạm dừng, tất cả mọi hành động cần phải cân nhắc cụ thể và nghiên cứu kỹ lưỡng. Có thể hiểu Nhà Trắng đã sẵn sàng cho các cuộc điều trần trước quốc hội.

Tất nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới có thể tung hô và hùng hồn tuyên bố rằng những thành viên thuộc phái diều hâu mà đứng đầu là ông Barack Obama đã hoàn toàn mất phương hướng khi đối đầu với sự phản đối chiến tranh dữ dội của nhân dân trong nước cũng như quan điểm cứng rắn của cộng đồng thế giới mà dẫn đầu là nước Nga, đã nhìn thấy được sự thất bại đáng xấu hổ và buộc phải rút lui chính sách hiếu chiến của mình (?!). Nói chung, điều này sẽ xoa dịu những tư tưởng hằn thù chống Mỹ trên thế giới. Nhưng bản chất của câu chuyện chính trị trên bản đồ Syria còn rất xa.

Một loạt tình tiết dường như ngẫu nhiên nhưng khá thú vị: Hai vị ngoại trưởng vốn đối đầu với nhau chan chát về hàng loạt vấn đề, thế mà đột nhiên chỉ trong chưa đầy 3 ngày đã thống nhất về kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học; Ông Obama tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự; cựu ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố ủng hộ sáng kiến của Nga; Damascus trao các tài liệu cần thiết về vũ khí hóa học cho Tổ chức Công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học trong vòng 1 tuần; Liên Hiệp quốc xác nhận đủ tài liệu trong một ngày; Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Hagel ủng hộ sáng kiến, bức thư gửi công dân Mỹ của ông Putin (kẻ thù của CIA, NSA qua vụ E.Snowden) lọt đến báo The NewYork Times và những phản ứng quyết liệt dẫn đến bức thư đáp trả của Thượng nghị sĩ Mỹ ông Steve Israel.

Tất cả các hoạt động chính trị đó, nếu xét trên góc độ thời gian, có thể kéo dài đến hàng nhiều tháng hoặc năm, nhưng với tình huống Syria lại chạy với tốc độ chóng mặt khiến ngay cả báo giới cũng không kịp phải ứng. Có thể nói các sự kiện liên tiếp diễn ra theo giờ.

Ông Kerry và ông Lavrov tại Geneva
Ông Kerry và ông Lavrov tại Geneva.
 

Một số chuyên gia nhận định tổng thống Mỹ Obama hoàn toàn không muốn chiến tranh, nếu so sánh với các ông Bill Clinton trong cuộc chiến ở Nam Tư, Bush với chiến tranh Iraq. Nói một cách chính xác, ông Obama đã làm tất cả những gì có thể để chiến dịch quân sự can thiệp vào Syria không được thực hiện: Kéo dài các hoạt động răn đe đến phút cuối cùng, trút gánh nặng trách nhiệm quyết định lên vai của Quốc hội.

Sau đó, tổng thống Obama có vài ngày bình tĩnh xem xét khả năng kết quả bỏ phiếu và thận trọng tuyên bố những quả tên lửa hành trình tầm xa được phóng đi từ các tàu hải quân không giải quyết triệt để vấn đề vũ khí hóa học ở Syria, kế hoạch can thiệp quân sự nhằm đạt được mục tiêu cần có sự tham gia của không quân. Rõ ràng vị tổng thống đã cố gắng tăng cường ý chí cộng đồng xã hội về quan điểm không muốn chiến tranh và nỗ lực tránh những tổn thất về con người.

Bộ trưởng Bộ ngoại giao John Kerry và Bộ trưởng Bộ quốc phòng Chuck Hagel trong phiên điều trần tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội
Bộ trưởng Bộ ngoại giao John Kerry và Bộ trưởng Bộ quốc phòng Chuck Hagel trong phiên điều trần tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội.
 

Cái bẫy chính trị 

Nhà Trắng rơi vào một tình huống rất xấu. Chính phủ không muốn và nói chung không thể tiến hành chiến dịch trừng phạt Syria ngay cả trong trường hợp tiến hành những đòn tấn công tầm xa. Nhưng họ cũng không thể làm khác đi được vì những tư tưởng định kiến và chủ nghĩa “khác biệt”. Loại bỏ tư tưởng chiến tranh trong điều kiện hiện nay thực sự vô cùng khó khăn, gần như là không thể.

Bản đồ phân vùng các lực lượng đã chia xẻ Syria
Bản đồ phân vùng các lực lượng đã chia xẻ Syria.
 

Trong câu chuyện Syria có áp lực từ phía các đồng minh then chốt chiến lược của Mỹ ở Trung Đông (mặc dù ít được biết đến nhưng lại cực kỳ quan trọng để ổn định các thị trường tài chính) Arab Saudi và Qatar. Sự mâu thuẫn và đối đầu với áp lực của các thành viên phái “Diều hâu”, những người này có khả năng sử dụng những tình tiết, sự kiện được hình thành để công kích sự yếu kém của bộ máy chính quyền khi không tiến hành chiến tranh với Syria tương tự như tình huống ở Iraq.

Trong trường hợp này, một phần các thành viên đảng Cộng hòa trong quốc Hội có thể quyết liệt ủng hộ ý đồ tấn công Syria, kết quả là sẽ ảnh hưởng xấu đến mức làm suy giảm uy tín của đảng Dân chủ. Sự suy giảm này sẽ chuyển đổi thành kết quả đa số chắc chắn của đảng Cộng hòa và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả các chiến dịch bầu cử tổng thống sau này.

Trên trường quốc tế, vấn đề trở lên tế nhị và nhạy cảm hơn. Đó là vai trò truyền thống của Mỹ như một người bảo vệ các đồng minh của mình. Hàng loạt các nước đồng minh đang nằm trong hệ thống bảo vệ an ninh của Mỹ như Israel, Nhật Bản, Philippines… có thể nhìn nhận Washington trong vấn đề Syria đã không sẵn sàng thực hiện những trách nhiệm của một đồng minh nước lớn.

Trung Quốc có thể thấy được sự lưỡng lự của Mỹ trong giải quyết các vấn đề xung đột đe dọa lợi ích của các nước thân Mỹ, họ có thể tiếp tục tăng cường áp lực quân sự chính trị lên các đối tác và đồng minh của Mỹ, từ đó từng bước đẩy lùi Mỹ ra khỏi khu vực Biển Đông, Hoa Đông và sẽ có thêm sự tự tin để khẳng định mình như một siêu cường ngang hàng với Mỹ. Điều này đồng nghĩa với thảm họa.

Mỹ bắt buộc phải đau đớn chia tay với khuôn mẫu “siêu cường duy nhất” được hình thành từ năm 1990 với ánh hào quang của thành trì trên đỉnh cao. Một siêu cường bị nhiều quốc gia chỉ trích về việc xuất khẩu ‘sự bất ổn chính trị” và sẵn sàng giáng những đòn tấn công vào các quốc gia không đáp ứng điều kiện “dân chủ, nhân quyền' theo tiêu chí Mỹ.

Dễ dàng tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây, những trang báo của phe “Diều hâu” hăng hái phát triển các ý tưởng cuộc chiến, từ các đòn không kích liên tiếp, dài ngày đến triển khai bộ binh tiến hành chiến dịch đè bẹp chính thể ông Assad ở Syria. Sự lôi kéo đồng minh cũng như các giải pháp cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy và chi nhánh của Al Qaeda với một tham vọng muốn lật đổ chính quyền Syria và ngắm nhìn sự hỗn loạn chính trị và bạo loạn tôn giáo ở quốc gia Trung Đông này.

Cộng đồng xã hội Mỹ một bộ phận nào đó vẫn luôn suy  nghĩ rằng nước Mỹ có trách nhiệm với tất cả những gì xảy ra trên thế giới. Cách hành xử của ông Obama thực tế đang phản ánh tính hai mặt của tình huống phức tạp hiện nay: Mỹ đã quen tự cho mình không những là một cường quốc mà là một siêu cường hàng đầu và duy nhất, nhưng không thể duy trì mãi mãi quyền lực này. Nhà trắng cố gắng nỗ lực duy trì quyền lực nhờ bước nhảy vọt về kinh tế và khoa học công nghệ. Chỉ khi có được sức mạnh thống trị về kinh tế và khoa học công nghệ, vị trí siêu cường mới được củng cố vững chắc.

Những gì các đời tổng thống Mỹ trước đã làm để duy trì vị trí của một siêu cương duy nhất đã để lại những hậu quả không thể khắc phục được, đặc biệt là ở Trung Đông. Nơi mà người dân và các lãnh đạo tôn giáo chính trị không tính nhiều đến những lợi ích ổn định xã hội và kinh tế phát triển. Chuẩn mực “dân chủ” đã biến thành tràn lan bạo loạn, bạo lực và các cuộc xung đột đẫm máu. Kết quả là các lực lượng khủng bố, công cụ chính chống các nhà độc tài càng ngày càng phát triển. Kinh tế Trung Đông đe dọa không mang lại lợi ích cho nước Mỹ nữa, để duy trì các cuộc chiến tranh nước Mỹ càng ngày càng tốn kém hơn về tài chính và con người. Vũng lầy Trung Đông đang kéo lùi nước Mỹ, không cho phép Mỹ tiếp tục phát triển công nghệ quốc phòng, vốn là động lực thúc đẩy khoa học công nghệ.

Cuộc chiến với các nhóm khủng bố không mang lại điều gì ngoài tổn thất và mất mát về sinh lực. Nhà Trắng trong một góc độ nào đó mong muốn quay lại thời kỳ chiến tranh Lạnh, khi cuộc cạnh tranh chỉ bao gồm đối đầu khoa học quân sự, thúc đẩy rất mạnh sự phát triển của công nghệ lưỡng dụng. Ông Obama đã tìm ra một đối thủ cho mình và quyết định xoay trục sang châu Á, bước đầu đã có những thành quả nhất định. Nhưng sự kiện Syria tuột dốc ngoài tầm kiểm soát và tình hình càng ngày càng có xu hướng tiến đến thảm họa giống như vũng lầy Iraq, Libya, Afghanistan.

Bài toán chiến lược quá khó khăn với người từng được giải Nobel hòa bình: Duy trì vị thế một siêu cường duy nhất và vĩnh viễn. Giải quyết vấn đề Trung Đông bằng sức mạnh răn đe và biện pháp hòa bình. Chuyển trong tâm kinh tế chính trị và chạy đua vũ trang sang châu Á. Sự xuất hiện của xung đột Syria, vũ khí hóa học và hiểm họa khủng bố lan rộng đã đe dọa sự đổ vỡ chiến lược của Nhà Trắng ngay trong nhiệm kỳ hai của ông Obama nếu Mỹ lại chìm vào một cuộc chiến tranh nữa.

Nga giúp Mỹ gỡ thế bí

Nhận thấy diễn biến tình hình quá nguy hiểm, ông Obama hiểu rằng ngoài Nga, Mỹ không thể tìm thấy một đối tác chiến lược nào khả dĩ có khả năng giúp thoát khỏi vũng lầy chiến tranh. Với Nga, ông Obama hy vọng có thể duy trì được nước Mỹ như một siêu cường duy nhất, có thể giải quyết được vấn đề Afghanistan mà không phải tháo chạy nhục nhã, có thể ổn định được tình hình Iraq và giải quyết êm đẹp chuyện Syria.

Tư duy lý luận chiến lược trên cho đến giờ phút này đang được hình thành và củng cố. Nếu đến thời điểm 14.10.2013, Syria chuyển giao vũ khí hóa học, hơn 75.000 chuyên gia quân sự về vũ khí hóa học đứng đầu là Mỹ và Nga có mặt trên khắp Syria nhằm tiêu hủy vũ khí hóa học đến năm 2014. Các bên Syria ngồi vào bàn đàm phán Geneva  II, có nghĩa là vấn đề Syria đã được giải quyết ổn thỏa. Ông Obama có thể hoàn toàn tự tin viết thư cho tổng thống Iran để tiến hành quá trình chuyển hóa hòa bình và chuẩn bị cho cuộc viếng thăm 4 nước Đông Nam Á. Từ những kết quả đạt được, có thể thấy tư duy lý luận của ông Obama đang dần chuyển hướng thành Học thuyết quân sự - chính trị Obama về con đường mới của một đế chế siêu cường duy nhất.

Như vậy, nước Nga đã kéo “kẻ thù truyền thống” và “đối tác chiến lược” của mình thoát khỏi một tình thế sa lầy tệ hại. Với Nga, đây có thể là một thắng lợi đối ngoại chính trị quan trọng, sử dụng tình huống khó khăn của Washington để làm ổn định tình hình ở Syria, nâng cao vị thế của mình trên thế giới, đồng thời xây dựng và củng cố mối quan hệ với Mỹ.

Sẽ không bao giờ biết được chính xác giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ có những điều gì phía sau những phát biểu quyết liệt, những phản ứng cứng rắn và các chiến hạm đang neo đậu trên Địa Trung Hải. Thế giới mong đợi một một cuộc chiến ngoại giao đối đầu căng thẳng, quyết liệt và không khoan nhượng giữa hai cựu thù Nga – Mỹ. Các chính khách phái diều hâu cũng đổ thêm dầu vào lửa bằng những phát biểu hừng hực tính hiếu chiến. Nhưng dù chưa kết thúc, cả Washington và Moscow trên bàn cờ Syria đã xác định kết quả: cả hai cùng thắng.

Nga giúp Mỹ thoát 'chiếc bẫy chính trị' Syria? ảnh 5
 

Trong kịch bản thú vị của cuộc chiến ngoại giao này, phía tệ hại nhất có lẽ là Paris. Tham gia can thiệp vào Libya, đưa quân vào Mali, người Pháp hy vọng khôi phục lại vị thế ảnh hưởng của mình trên thế giới. Không ai bắt Pháp phải tuyên bố rằng họ sẵn sàng tấn công quân sự Syria bỏ qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. Lịch sử thất bại thảm hại ở kênh đào Suez tháng 11.1956, khi Liên Xô – Mỹ đã tạo áp lực ngăn chặn liên quân An –Pháp–Israel tấn công Ai Cập có lẽ đã bị các chính trị gia Pháp quên mất từ lâu.

Đến thời điểm này, điểm chốt mong manh còn lại cho tiến trình giải quyết Syria bằng biện pháp hòa bình phụ thuộc vào nội dung bản báo cáo về sử dụng vũ khí hóa học của đoàn thanh sát Liên Hiệp quốc đã trình lên Tổng thư ký Ban Ki moon. Nếu bản báo cáo không kết luận được ai là người đã sử dụng vũ khí hóa học, vấn đề Syria hoàn toàn được giải quyết bằng giải pháp hòa bình. Và cả ông Obama lẫn ông Putin sẽ thoải mái bước vào một mối quan hệ đối thoại chính trị và lợi ích siêu cường khăng khít mới.

Trịnh Thái Bằng
Tổng hợp từ Itas – tass và Ria.Novosti

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.