> Triều Tiên khởi động lại lò phản ứng hạt nhân?
> Triều Tiên - Hàn Quốc nối lại khu công nghiệp Kaesong
Lò phản ứng cung cấp plutonium cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: BBC. |
Viện Nghiên cứu Mỹ - Hàn Quốc nói rằng, hình ảnh vệ tinh từ hôm 31/8 cho thấy khói trắng bốc lên từ tòa nhà gần nơi chứa tua-bin của lò phản ứng sản xuất plutonium và máy phát điện.
Theo tổ chức này, lò phản ứng đó có thể sản xuất 6kg plutonium mỗi năm. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo họ vẫn chưa nắm hết tình hình, còn đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Glyn Davies nói rằng, nếu đúng Triều Tiên khởi động lại lò phản ứng thì đây là diễn biến nghiêm trọng.
Một quan chức giấu tên của Mỹ cho rằng, Triều Tiên đã tái khởi động lò phản ứng, và rằng lượng khói tỏa lên cho thấy lò đang được kiểm tra.
Theo quan chức này, Triều Tiên làm như vậy không phải để ép các nước lớn khôi phục đàm phán về vấn đề hạt nhân nhằm đạt được thêm nhượng bộ, mà nhằm thể hiện họ sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân.
Một phát ngôn viên của Cục Các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận vì đây là vấn đề tình báo, nhưng khẳng định “chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn là vấn đề đáng quan ngại”.
Phát ngôn viên này nhắc lại kêu gọi lâu nay của Washington rằng, Triều Tiên phải tuân thủ thỏa thuận đổi trợ cấp lấy giải trừ quân bị ký năm 2005 giữa Triều Tiên, các nước láng giềng và Mỹ.
Theo thỏa thuận này, Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và năng lượng. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 3 vụ thử hạt nhân.
Bình Nhưỡng hồi tháng 4 tuyên bố sẽ khôi phục lò phản ứng nghiên cứu Yongbyon đã cũ. Tuy nhiên, các chuyên gia hạt nhân cho rằng, nước này phải mất khoảng nửa năm để khởi động lại, nếu lò phản ứng đó không bị hỏng hóc trong thời gian bị bỏ bê.
Về mặt kỹ thuật, lò phản ứng Yongbyon không hoạt động đã nhiều năm. Năm 2008, Triều Tiên phá hủy tháp làm mát để xây dựng lòng tin cho các phiên đàm phán 6 bên, với sự tham gia của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga.
Tháng 7 năm nay, Triều Tiên tuyên bố sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân cho đến khi Washington chấm dứt “chính sách thù địch” đối với họ, cho dù đã sẵn sàng nối lại đàm phán.
Tuy nhiên, gần đây Bình Nhưỡng thực hiện điều mà các nhà phân tích coi là dấu hiệu tích cực, khi đồng ý mở lại khu công nghiệp chung với Hàn Quốc. Khu công nghiệp Kaesong nằm giữa hai miền bị đóng cửa khi Triều Tiên rút hết 53.000 công nhân từ tháng 4 trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng với Hàn Quốc.
Gia Tùng
Theo BBC