Trung - Nhật: Căng thẳng leo thang quanh đảo tranh chấp

Trung - Nhật: Căng thẳng leo thang quanh đảo tranh chấp
TP - Ngày 19-8, đoàn tàu Nhật Bản diễu hành quanh đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, hơn chục người lên đảo cắm quốc kỳ Nhật Bản. Cùng ngày, biểu tình chống Nhật Bản nổ ra ở nhiều thành phố của Trung Quốc.

> Hàn Quốc tuyên bố mạnh tay với Nhật Bản về đảo tranh chấp

Người Nhật cắm cờ trên đảo Senkaku/Điếu Ngư
Người Nhật cắm cờ trên đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Chiều tối 18-8, bất chấp việc chính phủ Nhật Bản không cho phép, 150 người thuộc các đảng cánh hữu ở Nhật Bản, trong đó có 8 nghị sĩ, đi trên 21 chiếc tàu xuất phát từ một đảo thuộc tỉnh Okinawa rầm rộ kéo đến đảo Senkaku/Điếu Ngư để tế lễ linh hồn những người Nhật Bản bị phía Mỹ giết ở đảo này trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Sáng 19-8, đoàn tàu diễu hành quanh đảo. Sau đó, 12 thành viên bơi vào đảo, cắm quốc kỳ Nhật Bản tại các điểm cao và hát quốc ca.

Trước đó, ngày 17-8, chính phủ Nhật Bản thả 14 người Trung Quốc cùng chiếc tàu cá bị bắt giữ tại đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước.

Theo Tân Hoa xã, ngày 19-8, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản quy mô lớn nổ ra ở hơn 10 thành phố lớn như: Bắc Kinh, Tế Nam, Thanh Đảo, Thái Nguyên, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hàng Châu… Tại Bắc Kinh, cuộc biểu tình trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản bước sang ngày thứ 5.

Biểu tình chống Nhật ở Hàng Châu
Biểu tình chống Nhật ở Hàng Châu.

Bên cạnh các biểu ngữ đòi chủ quyền Điếu Ngư/Senkaku, kêu gọi chính phủ hành động mạnh mẽ bảo vệ đảo, đã xuất hiện những khẩu hiệu quá khích đòi đánh người Nhật Bản, kêu gọi tẩy chay hàng Nhật Bản…

Những người biểu tình kéo đến trước lãnh sự quán Nhật Bản ở các địa phương hô khẩu hiệu, có nơi còn tổ chức đập phá xe hơi Nhật Bản.

Ngày 19-8, tại hội thảo về vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku do Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) tổ chức ở Bắc Kinh, Thiếu tướng La Viện, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, đề nghị đặt tên cho chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Điếu Ngư đảo để thể hiện chủ quyền của Trung Quốc với hòn đảo tranh chấp này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo đã “nghiêm khắc giao thiệp với đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh, bày tỏ kịch liệt phản đối, yêu cầu phía Nhật Bản chấm dứt những hành động làm tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc”.

Theo đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong), ngày 18-8, ông Akihisa Nagashima, Trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, nói rằng, chính phủ Nhật Bản cần xem xét sử dụng các biện pháp, trong đó có việc huy động lực lượng phòng vệ trên biển để đối phó tình trạng người Trung Quốc lên đảo Senkaku/Điếu Ngư và các tàu công vụ Trung Quốc xâm phạm vùng biển phụ cận hòn đảo này.

Tờ Tân Kinh báo (Trung Quốc) ngày 19-8 đăng bài nêu ý kiến của các học giả kêu gọi chính phủ hai nước khống chế chủ nghĩa dân tộc, đừng để trở thành con tin của tư tưởng dân tộc cực đoan và ngồi lại với nhau để đàm phán, giải quyết vấn đề tranh chấp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.