Dân khổ trăm bề vì vỡ đường ống Sông Đà:

Hà Nội khẩn cấp làm đường ống

Người dân lấy nước từ xe chở nước sạch tại ngõ 61 Nguyễn Văn Trỗi (Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà.
Người dân lấy nước từ xe chở nước sạch tại ngõ 61 Nguyễn Văn Trỗi (Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà.
TP - Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã nhận thiếu sót và cam kết thành phố sẽ tự làm đường ống khẩn cấp trong vòng 90 ngày để chuyển tải thêm khoảng 80 - 100 nghìn m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân, chứ không ngồi chờ Vinaconex đầu tư đường ống số 2. 

Trao đổi với Tiền Phong chiều 21/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Vừa qua xảy ra sự cố mất nước do vỡ đường ống sông Đà; tại nhiều địa bàn của thành phố, nước không đến được với người dân làm đảo lộn đời sống sinh hoạt. Khác với lần vỡ trước, lần này phát hiện thêm 2 điểm đã bắt đầu có dấu hiệu nứt, vỡ. Việc khắc phục sự cố diễn ra trong 24 giờ nên thời gian mất nước kéo dài hơn. Quan trọng hơn, sau khi cấp nước lại, đường ống sông Đà lại giảm áp để tránh vỡ tiếp, dẫn đến sự thiếu hụt nước nghiêm trọng khu vực cuối nguồn, áp lực kém. 

Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục ngay, tăng cường khai thác nước ngầm, luân phiên cắt nước trên địa bàn và yêu cầu Vinaconex tăng áp. Đến nay trên địa bàn thành phố cơ bản đã được cấp nước, một số nơi chưa được cấp sẽ được xử lý tạm thời bằng xe téc để phục vụ người dân. 

Hà Nội khẩn cấp làm đường ống ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội.

“Chúng tôi xin nhận thiếu sót và rất mong người dân chia sẻ với thành phố, sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian khắc phục sự cố”, ông Nguyễn Quốc Hùng thay mặt lãnh đạo thành phố nhận lỗi với dân.

Chúng tôi xin nhận thiếu sót và rất mong người dân chia sẻ với thành phố, sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian khắc phục sự cố”.

Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng

Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hà Nội sẽ triển khai một loạt các biện pháp cả trước mắt và lâu dài. Trước tình huống mất nước bất khả kháng hiện nay trong khi đường ống số 2 của Vinaconex chưa được khởi công, thành phố Hà Nội quyết định  giao các đơn vị liên quan của thành phố chủ động xây dựng một đường ống khẩn cấp, chuyển tiếp nước từ Hòa Lạc về khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia dài hơn 20km để chia sẻ, giảm áp với đường ống số 1 của Vinaconex. Thời gian hoàn thành đường ống khẩn cấp là 3 tháng với công suất khoảng 80 - 100 nghìn m3 nước sạch/ngày đêm. 

Thông tin thêm về đường ống khẩn cấp của Hà Nội, ông Nguyễn Bảo Vinh, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho biết, đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của UBND thành phố về việc xây đường ống mới. Hiện đang lấy ý kiến tư vấn, nhà chuyên môn. “Dự án sẽ được hoàn thiện trong vòng 90 ngày”, ông Vinh khẳng định.

Cùng với đó, Hà Nội đang tiếp tục đôn đốc Vinaconex thực hiện khẩn trương tuyến đường ống số 2 để chia sẻ với tuyến ống có sẵn, và nhanh chóng nâng cấp giai đoạn 2 nhà máy nước mặt sông Đà. 

Hà Nội khẩn cấp làm đường ống ảnh 2

Người dân xếp xô lấy nước từ xe bồn tại ngõ 61 Nguyễn Văn Trỗi, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội như thời bao cấp (trưa 18/8). Ảnh: Nguyễn Tuấn.

Một giải pháp cấp bách nữa cũng được đưa ra là triển khai nâng cấp sản lượng của nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long - Vân Trì, thêm được khoảng 30.000m3/ngày đêm, khoảng tháng 3/2016 sẽ đưa vào khai thác sử dụng, đủ cho Cty nước sạch Hà Nội cung cấp lượng nước đang bị thiếu cho địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

Về giải pháp lâu dài, trong tháng 10/2015, Hà Nội sẽ khởi công nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000 m3/ngày đêm, thời gian thi công khoảng 2 năm. Dự kiến, cuối năm 2017, đầu 2018 thành phố sẽ có thêm được nguồn nước mặt sông Hồng, cấp bù cho lượng nước thiếu hụt, với mục tiêu đảm bảo đủ nước cho nhân dân Thủ đô.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.