Hãng RIA Novosti ngày 6/6 dẫn lời ông Viktor Zavarzin, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Liên bang Nga, cho biết, những năm gần đây, Nga liên tục bị cáo buộc vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), tuy nhiên, Mỹ và phương Tây không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào liên quan tới những cáo buộc trên.
Trong một động thái mới nhất, ngày 5/6, Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, cho biết Washington có thể tính tới khả năng thiết lập các hệ thống tên lửa căn cứ vào thực tế Moscow không thực hiện đầy đủ Hiệp ước INF.
“Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang xem xét một số quan điểm cho rằng, Nga đang tái tạo hình ảnh về thời kỳ Chiến tranh Lạnh”, tướng Martin Dempsey nói, đồng thời nhấn mạnh về khả năng thiết lập các hệ thống tên lửa trên đất liền ở châu Âu, hoặc châu Á đủ sức đánh chặn các cuộc tấn công hạt nhân cũng như phá hủy vũ khí hạt nhân của Nga.
Tuy nhiên, theo ông Viktor Zavarzin, Mỹ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai tên lửa ở châu Âu.
“Truyền thông Mỹ vừa đề cập tới những ý định của Washington nhằm đáp trả đối với những động thái mà họ cho rằng Moscow vi phạm Hiệp ước INF. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bất cứ kết luận nào, người Mỹ cần phải phân tích những thông tin này, bởi không bất cứ chứng cứ nào bảo vệ quan điểm đó”, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma quốc gia Liên bang Nga nhấn mạnh.
Ông Viktor Zavarzin cũng khẳng định, nếu người Mỹ triển khai tên lửa hạt nhân trên đất liền ở châu Âu, Nga sẽ có các động thái đáp trả cần thiết.
“Với điều kiện trang thiết bị và tiềm lực của các lượng vũ trang Nga hiện nay, cho phép Moscow phản ứng nhanh chóng đối với những thách thức đang nổi lên cũng như các mối đe dọa từ bên ngoài Vì vậy, trong trường hợp này, chính quyền Mỹ cẩn phải tính toán cẩn thận trước khi thực hiện các bước đi như vậy”, ông Zavarzin nói.
“Tất nhiên, Nga luôn tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia thông qua các phương án và cách thức để đảm bảo an ninh, chiến lược, chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, các mối đe dọa đối với an ninh ngày nay đã thay đổi nhiều và đòi hỏi những mô hình hợp tác quốc tế khác nhau, chứ không phải là sự mở rộng các liên minh quân sự-chính trị”, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma quốc gia Liên bang Nga kết luận.