Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Trung tâm huấn luyện và sát hạch quân sự chung giữa NATO và Gruzia sẽ được đặt tại ngoại ô thủ đô Tbilisi của nước này. Theo ông Stoltenberg, trung tâm mới này sẽ giúp tăng sự hiện diện của quân đội NATO tại Gruzia và ngược lại, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên.
“Trung tâm huấn luyện và sát hạch quân sự mới tại Gruzia sẽ giúp đào tạo lực lượng an ninh của nước sở tại và cả các binh sĩ NATO. Điều này sẽ giúp Gruzia hiện đại hoá quân sự, đủ khả năng đối phó với những mối đe doạ an ninh ngày càng phức tạp và khó lường trong thế kỷ 21”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết.
“Việc huấn luyện sẽ diễn ra một cách bình đẳng, trên tinh thần hữu nghị, thể hiện sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa NATO và Gruzia., ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Về phần mình, Thủ tướng Gruzia Irakly Garibashvili hoan nghênh bước đi mới của NATO, đồng thời khẳng định, việc NATO mở trung tâm huấn luyện quân sự tại Gruzia sẽ giúp nước này đảm bảo an ninh quốc gia cũng như duy trì sự ổn định an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng gia nhập NATO của Gruzia, ông Stoltenberg cho biết chưa thể đưa ra trước bất kỳ kết luận nào về vấn đề này, và câu trả lời về “số phận” của Gruzia tại NATO sẽ có trong Hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm sau.
“Tất cả những gì tôi có thể nói bây giờ là Gruzia đã có đầy đủ công cụ để tiến bước trên con đường trở thành thành viên của NATO. Còn nhiều việc cần làm, song tôi đánh giá cao những gì mà Gruzia đã và đang làm để thực hiện nguyện vọng của mình. NATO luôn ủng hộ Gruzia”, ông Stoltenberg cho biết.
Động thái này của NATO ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối từ phía Nga. Phát biểu từ Mátxcơva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, bước đi này của NATO sẽ khiến khu vực càng trở nên bất ổn.
“Nga coi việc NATO mở trung tâm huấn luyện quân sự tại Gruzia là một hành động khiêu khích. NATO muốn mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình tại các nước thuộc Liên Xô cũ và thường xuyên sử dụng các nguồn lực từ các nước đối tác trong liên minh. Điều này sẽ không mang lại sự ổn định an ninh mà ngược lại, nó sẽ khiến cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn”, bà Maria Zakharova nhấn mạnh.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO xuất hiện những rạn nứt kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm ngoái.
Từ đó, NATO liên tiếp tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Đông Âu với lý do giúp các quốc gia này bảo đảm an ninh và đối phó với những nguy cơ từ bên ngoài. Điều này càng khiến gia tăng những căng thẳng giữa Nga và NATO khi cả hai bên liên tục có những động thái “chuẩn bị cho xung đột”.